Đèn LED với đánh bắt xa bờ



Dự án hỗ trợ đèn LED cho ngư dân trên các tàu cá của Viện Chiến lược chính sách TN&MT tại hai tỉnh Bình Định và Bình Thuận thời gian qua cho thấy, việc thay thế đèn huỳnh quang và cao áp trong khai thác thủy sản bằng đèn LED là giải pháp hiệu quả cả về kinh tế lẫn môi trường cho ngư dân yên tâm bám biển.

Về lâu dài, theo đánh giá của các nhà khoa học, đây cũng là một hành động tích cực giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính ra môi trường, góp phần ứng phó với BĐKH đang ngày càng đe dọa môi trường trái đất.
led-anh-2
Đèn Siu (đèn cao áp halogen kim loại) vẫn còn sử dụng nhiều trong đánh cá truyền thống

Đèn truyền thống: Phát thải lớn, tốn nhiên liệu

Các chuyên gia cho rằng, công nghệ chiếu sáng truyền thống bằng các loại đèn cao áp dây tóc, halogen, đèn huỳnh quang, đèn Compact… thường “ngốn” một lượng năng lượng khổng lồ, khiến chi phí vận hành cho mỗi chuyến ra khơi của ngư dân tăng lên đáng kể. Các nhà khoa học cũng đã thực hiện một cuộc nghiên cứu, khảo sát và phát hiện nhiên liệu dầu cung cấp cho chiếu sáng dẫn dụ thủy hải sản chiếm tới hơn 50% tổng chi phí cho mỗi đợt ra khơi đánh bắt, gây nhiều khó khăn cho ngư dân.

Không những vậy, loại đèn đánh cá truyền thống có hệ số phát nhiệt rất cao, dễ gây bỏng da, làm hại mắt và giảm tầm nhìn của ngư dân. Đó là chưa kể việc phát điện bằng máy phát làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, một trong những “tội phạm” phát thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Vậy nên, đã đến lúc phải thay đổi bằng một loại thiết bị chiếu sáng phù hợp hơn.

Việc triển khai công nghệ chiếu sáng dẫn dụ thủy hải sản bằng đèn LED tại Việt Nam sẽ là giải pháp hiệu quả cả về kinh tế lẫn môi trường. Nhằm giúp ngư dân giảm chi phí, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, trong tháng 3/2015, Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang sẽ cho ra mắt dòng sản phẩm đèn LED đặc chủng dành cho ngành đánh cá. Đây là sản phẩm hợp tác giữa Điện Quang và Đại học Bách Khoa Hà Nội. Đặc điểm của công nghệ đèn LED là chiếu sáng rắn (theo công nghệ bán dẫn là công nghệ cao trong ngành sản xuất linh kiện điện tử), đèn LED cho hiệu suất chiếu sáng rất cao, độ bền cao và ít tiết kiệm điện năng.

Hơn nữa, khi sử dụng loại đèn đánh cá truyền thống, ngư dân phải đầu tư máy phát điện lên đến 100KVA và trong suốt quá trình sử dụng sẽ gây ra một số rủi ro hư hỏng tàu cá tại thời điểm khởi động và thời điểm tăng cường độ sáng đột ngột để thu hút luồng cá vì công suất tiêu thụ quá lớn dẫn đến quá tải. Trong khi đó, đèn LED sẽ khắc chế được hầu hết các rủi ro và an toàn trong qúa trình hoạt động. Để có cùng 1 lượng ánh sáng bao trùm mặt biển trong phạm vi đánh bắt, sử dụng công nghệ đèn LED chỉ tốn nhiên liệu bằng 1/3 so với các loại đèn truyền thống.

Giải pháp thay thế hữu hiệu

Theo các chuyên gia, việc giảm chi phí chiếu sáng, tiết kiệm năng lượng là những lợi ích thiết thực từ việc ứng dụng công nghệ đèn LED trong đánh bắt xa bờ. Ngoài ra, công nghệ chiếu sáng bằng đèn LED để đánh bắt thủy hải sản còn có ý nghĩa về mặt bảo vệ môi trường, khi trung bình lượng dầu diesel tiết kiệm được trong một chu kỳ đi biển của một chiếc tàu là 3.400 lít, tương đương với giảm phát thải hơn 3 tấn khí các bon gây hiệu ứng nhà kính. Còn ngư dân được lợi vì giảm hao phí nhiên liệu, tiết kiệm tiền mua bóng đèn, bởi tuổi thọ của đèn cao áp thông thường trong môi trường trên biển chỉ 3 – 4 tháng, trong khi đèn LED có tuổi thọ tới 50.000 giờ.

Nhìn thấy lợi ích thiết thực từ việc chuyển đổi bóng đèn sợi đốt sang đèn LED co ngư dân đánh bắt  thủy hải sản trên biển, Viện Chiến lược chính sách TN&MT phối hợp với Công ty Điện Quang đã hỗ trợ cho 9 tàu cá của 9 hộ ngư dân trang bị đèn LED trên tàu đánh bắt hải sản tại huyện Phù Cát tỉnh Bình Định và 2 tàu cá của tỉnh Bình Thuận. Sau thời gian đi biển, ngư dân đã thấy được lợi ích thiết thực của đèn LED trong việc giảm chi phí, bảo vệ sức khỏe và môi trường. Ví như hộ gia đình ông Phạm Đình Chiến được trang bị 15 chiếc đèn LED cho tàu cá. Một tháng ông tiết kiệm được 482 lít dầu, tương đương gần 6 triệu đồng tiền mua nguyên liệu. Tương tự, hộ gia đình ông Nguyễn Đăng Lên được trang bị 20 bộ đèn LED, mỗi tháng tiết kiệm được 656 lít dầu, tương đương gần 8 triệu đồng tiền mua nguyên liệu. Phát biểu tại cuộc Hội thảo về thay thế bóng đèn sợi đốt bằng đèn tiết kiệm năng lượng do Viện Chiến lược chính sách TN&MT phối hợp UBND huyện Phù Cát, Bình Định tổ chức, các ngư dân được trang bị đèn LED rất phấn khởi và cho biết, họ đã thấy rõ được hiệu quả của việc chuyển đổi bóng đèn. Hàng tháng, ngư dân tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ từ việc tiết kiệm nhiên liệu. Đèn LED lại có ánh sáng dịu, không bị chói và quá nóng, ánh sáng xuyên sâu, nhìn rõ lưới, cá, rất phù hợp cho nghề đi biển.

Theo TS. Lê Hải Hưng – Đại học Bách khoa HN, Đèn LED phục vụ chuyên dùng cho tàu cá đã được nhóm chuyên gia của Điện quang và Đại học Bách khoa Hà Nội nghiên cứu thử nghiệm thành công với các dòng sản phẩm, bao gồm: Bộ đèn LED tube có công suất 100W (chỉ bằng một nửa hệ thống đèn huỳnh quang) dùng cho chiếu sáng gần và rộng. Bộ đèn được lắp 5 bóng đèn LED tube với bộ máng được sơn tĩnh điện, trọng lượng nhẹ, dễ dàng lắp đặt. Sản phẩm thứ hai là Bộ đèn LED pha có công suất từ 100 – 150W (thay đèn cáo áp 250 – 400W…) dùng chiếu sáng xa và sâu dưới nước để thu hút đàn cá. Bộ đèn sử dụng chip LED công suất cao với vỏ nhộp nhôm tinh luyện đạt chuẩn IP67 bền vững với mọi thời tiết trên biển.

anh-3

Ngư dân xã Cát Hải phát biểu về những lợi ích nhận thấy rõ khi sử dụng đèn LED cho tàu cá

Triển vọng lớn cho môi trường nghề cá

Việt Nam có khoảng gần 60.000 phương tiện đánh bắt hải sản, trong đó, 15 nghìn ghe tàu công suất trên 90 CV có sử dụng đèn và hàng nghìn phương tiện đánh bắt hải sản dùng ánh sáng để dẫn dụ cá nhưng chưa có những công trình nghiên cứu nghiêm túc và tầm cỡ về tiết kiệm năng lượng chiếu sáng cho các tàu thuyền.

Mặc dù mới triển khai ở dạng thử nghiệm nhưng sau một thời gian ngắn, Dự án đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Với một chiếc tàu đánh bắt bình thường, sau 1 năm sử dụng, đèn LED đã tiết kiệm được gần 100 triệu đồng (tiền dầu, chi phí vận hành,…) không kể lợi nhuận do tăng sản lượng đánh bắt. Còn đối với những tàu công suất lớn, việc tiết kiệm được khoản tiền đầu tư cho dầu máy và thay thế bóng hỏng còn lớn hơn rất nhiều lần. Tuy vậy, hiện đèn LED còn bộc lộ một số hạn chế, như giá thành cao, kinh phí lắp đặt hệ thống đèn LED cho tàu công suất 90 CV thời điểm hiện nay lên tới 100 triệu đồng; kiểu dáng đèn chưa thực sự phù hợp với tàu cá. Quan điểm của tiến sỹ Trần Đức Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản, thời gian tới, các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm để lựa chọn chủng loại đèn có giá thành hợp lý; xây dựng quy trình lắp đặt, sử dụng và bảo trì đèn LED có hiệu quả nhất; xác định góc treo, phương pháp bố trí đèn để ánh sáng hấp thụ xuống nước nhiều nhất, tăng khả năng tập trung của cá; nghiên cứu thử nghiệm để lựa chọn máy phát điện phù hợp với hệ thống đèn LED.

Song, nhìn chung, việc triển khai thí điểm dự án thay thế hệ thống đèn đánh cá metal halide bằng hệ thống đèn LED sẽ tác động tích cực, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân và các cấp chính quyền về các loại sản phẩm nguồn sáng, thiết bị chiếu sáng tiết kiệm điện. Từ đó, góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ở góc độ kinh tế, đèn LED không chỉ mang đến con đường xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững cho ngành ngư nghiệp đánh bắt hải sản mà còn là chiếc chìa khóa vàng cho nền công nghệ năng lượng Việt Nam trên hành trình tiến ra biển lớn.

Nguồn: K.Liên – Bộ TN&MT

Tin khác đã đăng