Điểm tin môi trường trong tuần



50 vụ việc gây ô nhiễm môi trường; Chia sẻ dữ liệu quan trắc môi trường cho nhiều tỉnh; Sử dụng ảnh vệ tinh dự báo ô nhiễm không khí; Không khí ô nhiễm có thể là nguyên nhân gây bệnh Alzheimer; 10% diện tích đất hoang dã trên thế giới biến mất kể từ 1993; Thế giới thiệt hại hàng nghìn tỷ USD do ô nhiễm không khí; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần.

VIỆT NAM

50 vụ việc gây ô nhiễm môi trường

Từ đầu năm 2016 đến nay, cả nước đã có trên 50 vụ việc gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong xã hội, đặc biệt là sự cố môi trường nghiêm trọng ở ven biển 4 tỉnh miền Trung là bài học lớn cho các bộ, ngành, địa phương. Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường bùng phát, xảy ra nhiều sự cố môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống và an ninh trật tự xã hội.

diem-tin-trong-tuan
Trước tình hình đó, Thủ tướng kêu gọi các Bộ, ngành, các cấp, các đoàn thể, mỗi doanh nghiệp, mỗi gia đình, mỗi người dân cùng chung tay, góp sức bảo vệ môi trường. Theo đó, thực hiện nghiêm, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, tạo chuyển biến căn bản trong phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát ô nhiễm, phục hồi và nâng cao chất lượng môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững.

Formosa sẽ phát sinh hơn 700 tấn chất thải mỗi ngày khi vận hành chính thức

Chiều 8/9, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh để nghe báo cáo kết quả khắc phục vi phạm và cam kết bảo vệ môi trường của Công ty Formosa Hà Tĩnh. Ông Dương Tất Thắng, Phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh cho biết, ngày 23/8, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức làm việc với Formosa để nghe báo cáo tình hình quan trắc và cam kết xử lý môi trường tại dự án. Formosa thông tin, hiện chất thải rắn phát sinh mỗi ngày của công ty khoảng 200 đến 220 tấn các loại. Khi đi vào hoạt động chính thức, khối lượng chất thải phát sinh khoảng 650 đến 710 tấn mỗi ngày. Trong đó chất thải sinh hoạt khoảng 2,5-3 tấn; chất thải công nghiệp, bùn thải khoảng 5-6 tấn; tro bay 500-550 tấn; thạch cao 100 tấn; tro đáy 35-40 tấn; chất thải nguy hại 96 tấn.

Hiện tại, Hà Tĩnh yêu cầu Formosa khẩn trương khắc phục 21 hạng mục vi phạm còn tồn tại, thực hiện nội dung đã cam kết về bảo vệ môi trường. Formosa vận hành thử nghiệm các hạng mục công trình của dự án phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận. Khi vận hành chính thức phải được Bộ cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu tổ giám sát hoạt động của Formosa Hà Tĩnh phải theo dõi chặt chẽ việc xả thải từ công ty này, đảm bảo chất thải trước khi xả ra biển được xử lý tại bể sinh học, trong bể sinh học nuôi các loại cá sống khỏe mạnh – theo VnExpress.

Pháp tài trợ hơn 53 triệu Euro giúp thích ứng biến đổi khí hậu

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà và Tổng giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) Rémy Rioux vừa ký kết hai thỏa ước tài trợ trị giá 53,35 triệu Euro nhằm mục tiêu tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu tại một số tỉnh của Việt Nam. Trong đó, một thỏa ước liên quan tới khoản vay ưu đãi trị giá 52,3 triệu Euro và một thỏa ước viện trợ không hoàn lại trị giá 1 triệu Euro, nhằm mục tiêu tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và đặc biệt với biến đổi lượng mưa, tình trạng hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng về tần suất và cường độ cũng như nguy cơ mực nước biển dâng tại 3 tỉnh: Ninh Bình, Hà Tĩnh và Cần Thơ – theo Công An Nhân Dân.

Bên cạnh đó, dự án thực hiện hỗ trợ kỹ thuật cho các chủ dự án cũng sẽ được huy động trong thời kỳ thực hiện thi công (năm năm kể từ hè 2016). Đồng thời, tư vấn hỗ trợ kỹ thuật sẽ giúp thành phố Cần Thơ nghiên cứu đưa các hạn chế liên quan tới biến đổi khí hậu vào trong các chiến lược và chương trình hành động của thành phố, cũng như khuyến khích công nghệ kỹ thuật thân thiện với môi trường. Tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cũng sẽ tư vấn cho các tỉnh Ninh Bình và Hà Tĩnh trong khuyến khích phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng với khí hậu và trong công tác quản lý điều tiết hệ thống thủy lợi của các tỉnh.

Chia sẻ dữ liệu quan trắc môi trường cho nhiều tỉnh

Tỉnh Đồng Nam sẽ chia sẻ dữ liệu quan trắc môi trường cho nhiều tỉnh. Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 – 2015 và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 – 2020 vừa được tổ chức. Theo Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Đồng Nai, đến thời điểm này tỉnh đã hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường tại 410 vị trí. Các thành phần môi trường được tỉnh tập trung quan trắc để đánh giá chất lượng môi trường gồm nước mặt, nước dưới đất, không khí và môi trường đất. Tỉnh đã đầu tư lắp đặt 4 trạm quan trắc nước mặt tự động tại 4 vị trí trên sông Đồng Nai đoạn từ hồ Trị An đến thành phố Biên Hòa; lắp đặt 2 trạm quan trắc không khí tự động – di động; lắp đặt và đưa vào vận hành 13 trạm quan trắc tự động nước thải tập trung của các khu công nghiệp để kiểm soát việc xử lý và xả thải ra môi trường. Toàn bộ dữ liệu quan trắc tự động tại các trạm quan trắc đều được truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai để quản lý, theo dõi giám sát chất lượng môi trường. Đồng Nai cũng đang chia sẻ dữ liệu quan trắc môi trường cho các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương và Bình Thuận.

Địa phương này đã phân loại 157 cơ sở thuộc danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, từ đó yêu cầu các doanh nghiệp có các biện pháp khắc phục. Đến nay có 144/157 cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã khắc phục xong. Tuy nhiên, theo đánh giá, tiến độ xây dựng các khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn chậm; các dự án xử lý nước thải đô thị đặc biệt tại đô thị Biên Hòa và Nhơn Trạch triển khai chậm; một số doanh nghiệp vẫn không tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường – theo Lao Động.

Sử dụng ảnh vệ tinh dự báo ô nhiễm không khí

TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh và nhóm nghiên cứu đến từ Trường đại học Kỹ thuật Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã phát triển một trạm tiếp nhận dữ liệu vệ tinh để phục vụ nghiên cứu khoa học, tận dụng triệt để các hình ảnh vệ tinh từ trạm thu thập để phân tích nồng độ bụi trong không khí và hiển thị thông tin kết hợp với cảnh báo trên các bản đồ. Phần mềm dự báo ô nhiễm không khí bằng cách sử dụng các hình ảnh vệ tinh với tên gọi APOM (air pollution management), quản lý tích hợp với Google và chạy trên apom.fimo.edu.vn.

Cụ thể, việc hoạt động trực tuyến giúp phần mềm tự động thu thập và xử lý dữ liệu hình ảnh từ vệ tinh viễn thám MODIS Terra, Aqua MODIS, Suomi NPP VIIRS của NASA và các trạm thu vệ tinh của UET cài đặt bởi eOsphere Limited, Vương quốc Anh. Đồng thời, phần mềm còn tính toán nồng độ bụi (PM2.5) có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet trong không khí cho toàn lãnh thổ Việt Nam, chuyển đổi nồng độ bụi thành chỉ số chất lượng không khí (AQI) theo tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế, tách dữ liệu cho 63 tỉnh thành. Từ đó, hệ thống cung cấp một nguồn hình ảnh bụi PM2.5 và AQI cho toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và các tỉnh thành từ năm 2010 đếSử dụng ảnh vệ tinh dự báo ô nhiễm không khí

THẾ GIỚI

Thế giới thiệt hại hàng nghìn tỷ USD do ô nhiễm không khí

Theo báo cáo “Thiệt hại do ô nhiễm không khí” của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 8/9, ô nhiễm không khí đã gây thiệt hại cho kinh tế toàn cầu hàng nghìn tỷ USD trong năm 2013. Báo cáo cho biết trong năm 2013 có khoảng 5,5 triệu người trên thế giới tử vong do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, dẫn đến tổn hại nguồn lực lao động và làm chậm lại tốc độ phát triển kinh tế. Tình trạng này đã gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 225 tỷ USD từ tổn thất về thu nhập của người lao động và hơn 5.000 tỷ USD từ thiệt hại phúc lợi xã hội – theo VietnamPlus.

Đáng báo động là trong giai đoạn 1990-2013, những thiệt hại về phúc lợi xã hội đã tăng gần gấp đôi, trong khi những thiệt hại về thu nhập của người lao động tăng 40% cho dù các nước đã được hưởng nhiều ích lợi từ việc phát triển kinh tế và chăm sóc y tế. Trong năm 2013, có tới 90% dân số ở những quốc gia này là nạn nhân của tình trạng ô nhiễm không khí. Tại khu vực Đông và Nam Á, thất thoát phúc lợi xã hội liên quan tới ô nhiễm không khí tương đương suy giảm 7,5% tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

10% diện tích đất hoang dã trên thế giới biến mất kể từ 1993

Ngày 9/9, phó giáo sư James Watson, nhà sinh thái học của Đại học Queensland và Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã, cùng các đồng nghiệp đã công bố kết quả nghiên cứu cho biết Trái Đất đã mất 10% diện tích đất hoang dã kể từ năm 1993, tương đương một nửa diện tích nước Australia và chủ yếu là ở vùng Amazon và Trung Phi. Nghiên cứu cho thấy trong khi hơn 20% diện tích đất của thế giới vẫn là nơi hoang dã – phần lớn nằm ở Bắc Mỹ, Bắc Á, Bắc Phi và Australia – có 10% tổng số đất hoang dã trên thế giới đã biến mất – theo VietnamPlus.

Hơn 3 triệu km2 vùng hoang dã đã biến mất trên toàn cầu, phần lớn là ở khu vực Amazonia với 30%, Trung Phi 14% rừng nguyên sinh biến mất… Theo phó giáo sư Watson, việc bảo vệ vùng hoang dã nên bao gồm tạo ra các hành lang giữa các khu bảo tồn lớn và tạo điều kiện cho cộng đồng bản địa tham gia vào công tác bảo tồn. Ông nhấn mạnh đã đến lúc tất cả các quốc gia trên thế giới cần phải bắt đầu bảo tồn các khu vực hoang dã của nước mình.

Không khí ô nhiễm có thể là nguyên nhân gây bệnh Alzheimer

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Lancaster đã tiết lộ một thực tế không mấy dễ chịu: Những hạt nhỏ li ti từ khí thải mà con người hít phải có thể xâm nhập đến não. Các nhà khoa học lưu ý rằng chúng có thể góp phần gây ra bệnh Alzheimer.  Sắt hiện diện trong cơ thể của người dưới nhiều hình thức khác nhau và là một phần của nhiều phân tử sinh học. Thông thường nó không có hại. Trong khi đó, một trong các định dạng của sắt, được gọi là magnetite hoặc sắt oxit có hoạt tính cao và có từ tính. Do sự hiện diện của hình thức này trong cơ thể, như dự kiến có liên quan với sự phát triển của bệnh Alzheimer – theo Tintuc.

Nhóm khoa học do bà Barbara Maher dẫn đầu từ Đại học Lancaster đã nghiên cứu não của 37 người đã chết, những người đã từng sống ở Manchester ở Anh, hoặc ở Mexico City, thủ đô của Mexico. Cần lưu ý rằng lứa tuổi của những người đó từ 3 đến 92. Các chuyên viên phát hiện trong các mô não có một số lượng lớn các hạt nano sắt từ. “Các hạt mà chúng tôi tìm thấy rất giống với những hạt nano sắt từ có rất nhiều trong không khí bị ô nhiễm, đặc biệt là gần những con đường nhộn nhịp nhất”, bà Maher cho biết. Các nhà khoa học cũng đã phát hiện ra rằng, trong não có chứa các hạt nano kim loại thường có mặt trong các động cơ xe, nhưng hiếm gặp ở người. Ở đây đang nói về platin, niken và coban.

Hai quốc gia xả khí thải nhiều nhất thế giới đã bắt tay

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng khẳng định cam kết cắt giảm khí carbon bằng việc chính thức tham gia hiệp định Paris cũng như hứa hẹn “tiếp tục hợp tác song phương trong lĩnh vực biến đổi khí hậu”. Theo Huffington Post, tuyên bố trên được hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung đưa ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở thành phố Hàng Châu hôm 3/9. Trong khi đó, phát ngôn từ Nhà Trắng cho hay sự đồng thuận của Mỹ và Trung Quốc là bước tiến quan trọng để hiệp định Paris về biến đổi khí hậu chính thức có hiệu lực kể từ cuối năm nay – theo Infonet.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay trong hội nghị biến đổi khí hậu tại Paris hồi tháng 11/2015. Cho tới nay đã có hơn 170 quốc gia tham gia ký kết hiệp định Paris với cam kết chống lại tình trạng biến đổi khí hậu bằng cách cắt giảm thải khí carbon. Tuy nhiên, thỏa thuận này yêu cầu ít nhất 55 quốc gia vốn xả thải tới 55% lượng khí thải toàn cầu, cần có thêm bước phê chuẩn trước khi hiệp định có hiệu lực. Còn theo số liệu của Liên Hợp Quốc, trước tuyên bố hôm 3/9 của Mỹ và Trung Quốc, mới chỉ có 24 nước vốn chỉ chiếm 1,08% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, chính thức thông qua hiệp định Paris. Trước cuộc họp vào sáng 3/9, cố vấn cấp cao của Tổng thống Obama, ông Brian Deese cho biết Mỹ và Trung Quốc đã trở thành “hai đối tác lớn trong lĩnh vực biến đổi khí hậu”.  “Trong 8 năm qua, chúng tôi là hai quốc gia phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới. Do đó, nếu có thể hợp tác cùng nhau, chúng tôi sẽ giúp thế giới đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”, ông Deese nói.

Thế giới tiến gần đến mục tiêu phục hồi các khu rừng bị hư hại

Ngày 3/9, tại Hội nghị Bảo tồn thiên nhiên Thế giới do Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức ở Honolulu, thuộc bang Hawaii của Mỹ, các quan chức cho rằng thế giới đã tiến gần đến mục tiêu phục hồi các khu rừng và đất đai tự nhiên bị hư hại vào năm 2020. Theo nguồn tin trên, Malawi và Guatemala đã cam kết phục hồi tổng cộng 4,54 triệu ha đất bị hư hại. Các cam kết này là một phần trong sáng kiến “Thách thức Bonn” nhằm phục hồi 150 triệu ha đất bị hư hại vào năm 2020. Trả lời họp báo, nhà hoạt động Bianca Jagger nói: “Chúng tôi đã vượt qua cột mốc 100-113 triệu ha và đang trên đường đạt được mục tiêu “Thách thức Bonn.” Đây có lẽ là một trong những sáng kiến quan trọng nhất trên thế giới.”

Sáng kiến “Thách thức Bonn” do Đức và IUCN đưa ra năm 2011 và được Hội nghị về chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc thông qua năm 2014. Mục tiêu cuối cùng là phục hồi 350 triệu ha đất vào năm 2030. Theo IUCN, việc đạt được mục tiêu trên sẽ đem lại 170 tỷ USD/năm nhờ vào nguồn nước được bảo vệ, cải thiện mùa màng, các sản phẩm từ rừng, đồng thời có thể giảm tới 1,7 tỷ tấn khí thải CO2/năm. Hiện tổng cộng có 36 chính phủ, tổ chức và các công ty đã cam kết thực hiện sáng kiến “Thách thức Bonn.” Các quốc gia mới cam kết gần đây gồm Panama, Côte d’Ivoire, Cộng hòa Trung Phi, Guinea và Ghana – theo VietnamPlus.

Nguồn: Minh Cường – Moitruong

Tin khác đã đăng