Đô thị thích ứng với ngập lụt



Áp dụng mô hình về thủy văn đô thị để biến nước lụt trở thành tài nguyên, thích ứng với ngập lụt đang được các nhà quy hoạch Việt Nam nói chung và TP.HCM tính đến.

8335805a893c46075a2969c939b3e2e9
Ngập lụt ngày càng gia tăng tại TP.HCM. Ảnh: Xuân Cường

*Xu hướng bão dịch chuyển về phía Nam

Trong nghiên cứu về hiện trạng và diễn biến tác động của biến đổi khí hậu đến TP.HCM,  Phân viện Khoa học khí tượng – thủy văn và biến đổi khí hậu (BĐKH) đưa ra lời cảnh báo: Bão miền Trung có xu hướng dịch chuyển từ Nam Trung bộ về phía Nam. Điều này đồng nghĩa, sắp tới khu vực phía Nam sẽ gánh chịu những cơn bão mạnh và tình hình thời tiết khắc nghiệt như miền Trung.

Nghiên cứu này khá trùng khớp với các nghiên cứu trong kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) cập nhật mà Bộ TN&MT vừa hoàn tất mới đây. Kịch bản cho hay, trong số các cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông thì áp thấp nhiệt đới có xu hướng tăng, bão trung bình có xu hướng giảm nhưng bão mạnh tăng nhẹ, bão rất mạnh có xu hướng tăng. Hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có xu hướng dịch chuyển về phía Nam.

*Bê tông hóa đô thị

Cùng với việc gia tăng của bão lũ, tình trạng lũ lụt đô thị tại TP.HCM ngày càng tăng cao do biến đổi khí hậu. Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng trên một phần do quá trình bê tông hóa đô thị bằng cách xóa bỏ hệ sinh thái nước và vùng ven đô ngày càng phát triển.

Thực tế, dựng nhà trên sông, kênh, rạch là một trong những nếp sống của người dân miền Nam Việt Nam. Các con số thống kê cho thấy, đạt đến 850km2 xây dựng vào năm 2025, mức độ đô thị hóa chóng mặt tại TP.HCM đã lấp 47 kênh rạch chính và hệ thống hồ trữ nước tự nhiên quý giá. Điều này đã đặt TP.HCM vào nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng và dự tính thành phố phải cần hơn 100.000 tỷ đối phó lụt lội.

Bên cạnh đó, sự phát triển đô thị điển hình tại TP.HCM là khu đô thị Phú Mỹ Hưng bị các chuyên gia cho rằng là hệ quả của dạng đô thị kết bè mảng đặc kín. Đây là kiểu quy hoạch không cho đô thị “thở”, triệt tiêu vòng tuần hoàn sinh thái của nước gây ngập lụt nghiêm trọng.

*Sử dụng khoa học chống ngập

Trong khi giải quyết nhà trên kênh rạch TP.HCM còn xét đến việc cân đối giữa chỉnh trang, cải thiện môi trường với bảo tồn thì lũ lụt đô thị đã trở thành thường niên và con người phải “trả nợ tự nhiên” bằng các chi phí đắt đỏ chống ngập lụt.

Theo PGS.TS.Kiến trúc sư. Nguyễn Hồng Thục, ngập đô thị đã khiến các nhà quy hoạch buộc phải tính đến việc áp dụng mô hình về thủy văn đô thị.Với mô hình này, quy hoạch đóp vai trò liên kết, các đầu mối điều tiết nước, đê chắn, kè dẫn, hồ chứa và các không gian “ưu tiên”, thời gian ngập để giải cứu các khu vực quan trọng của thành phố.

Mô hình coi nước mưa và nước mặt (kể cả nước lụt) là vốn tài nguyên quí giá để đô thị duy trì hoạt động và “đứng dậy” một cách nhanh chóng sau sự “tấn công”của lũ lụt, tiếp tục phát triển. Theo đó, chú trọng đến những yếu tố khởi nguyên của vòng tuần hoàn nước như: Bảo tồn các không gian tự nhiên sông, hồ, đầm lầy, đất trũng để vận chuyển nhanh nhất có thể lượng nước mưa tiêu thoát cho thành phố. Sau đó là sự phân nhỏ hơn các khu đô thị mới và không gian xây dựng để liên kết giữa chúng bằng các diện tích chứa nước mặt khi mưa lũ như hồ nhỏ, kênh rạch…

Trong mô hình này, các nhà quy hoạch cần chú trọng việc tích trữ nước mưa và nước thô để làm mát khí hậu vốn bị xe cộ và bê tông làm ô nhiễm, nóng bức. Song song đó, để bảo vệ vòng tuần hoàn nước, các nhà hoạch định cần đưa vấn đề này vào các đạo luật và quy chuẩn xây dựng đô thị.

Mô hình đặc biệt hạn chế quá trình mở rộng đô thị xâm lấn hệ sinh thái nước vốn còn ít ỏi sau quá trình đô thị hóa. PGS.TS.Kiến trúc sư. Nguyễn Hồng Thục cho rằng, cần phải nghiên cứu  “tách” việc xây không gian đô thị ra khỏi sự chồng lấn lên không gian tự nhiên. Cụ thể, cần đề ra yêu cầu bắt buộc các quy hoạch và nhà đầu tư tuân thủ luật pháp và phạt tiền nặng hành vi xâm lấn vòng tuần hoàn nước đô thị.

Nguồn: K.Linh – Bộ TN&MT

Tin khác đã đăng