Khắc phục bất cập trong cấp sổ đỏ



(TN&MT) - Thực hiện theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ TN&MT công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã có nhiều chuyển biến. Đến nay, cả nước đã cấp GCN gần 95% diện tích cần cấp, tuy vậy, không ít tồn tại cần tháo gỡ trong quy trình cấp “sổ đỏ” cho người dân.

cap-so-do

Cán bộ Sở TN&MT Hậu Giang đo đạc, cắm mốc dự án khu xử lý chất thải rắn tại xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp

Nhiều tồn tại

Theo thống kế, hiện cả nước đã cấp Giấy chứng nhận (GCN) được 94,9% diện tích cần cấp, trong đó, tỷ lệ cấp GCN còn đạt thấp ở một số loại đất (nhất là đất chuyên dùng), tỷ lệ đã cấp GCN theo bản đồ địa chính còn thấp, chất lượng GCN đã cấp còn hạn chế do địa phương đã phải sử dụng các phương pháp đơn giản để đo vẽ, cấp GCN hoặc còn đang thực hiện nhiều chương trình, nhiệm vụ khác nhau như dồn điền đổi thửa, quy hoạch lại đồng ruộng, xây dựng nông thôn mới làm thay đổi về nội dung GCN đã cấp… cần phải cấp đổi, cấp lại GCN theo Nghị quyết số 39/2012/QH12 của Quốc hội. Mặt khác, công tác theo dõi, tổng hợp, báo cáo kết quả cấp giấy chứng nhận nói chung, cấp GCN có tọa độ theo bản đồ địa chính ở một số địa phương còn chưa đầy đủ, kịp thời.

Đồng thời, tiến độ cấp sổ đỏ cho các dự án phát triển nhà ở vẫn chưa được như kỳ vọng do gặp phải một số vướng mắc liên quan đến sai phạm của chủ đầu tư (vi phạm quy định pháp luật về đất đai, vi phạm về trật tự xây dựng, nợ nghĩa vụ tài chính…). Về đất ở đô thị, đất ở mặc dù đạt tỷ lệ trên dưới 95% nhưng vẫn còn nhiều người dân phản ánh chủ yếu về công tác cấp GCN.

Cụ thể, từ tháng 4/2016, sau khi công bố đường dây nóng đến ngày 30/8/2016, Tổng cục Quản lý đất đai đã tiếp nhận 1.682 trường hợp, trong đó, có 488 trường hợp phản ánh rõ nội dung sai phạm liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai và có địa chỉ để xử lý, trong đó, chủ yếu là về công tác cấp GCN ở địa phương.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TN&MT, từ tháng 5/2016, Tổng cục Quản lý đất đai cùng Thanh tra Bộ và các đơn vị có liên quan đã thành lập các đoàn công tác liên ngành tại 9 tỉnh, thành phố. Trên cơ sở báo cáo của các Tổ công tác và các địa phương, Tổng cục sẽ tổng hợp và báo cáo Bộ trưởng kết quả thực hiện; đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan, nhằm tháo gỡ các vướng mắc; đẩy mạnh việc thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, cấp GCN…

Ngoài ra, Bộ TN&MT, Tổng cục cũng tập trung giải quyết và xử lý đối với nhiều số vụ việc nổi cộm mà các cơ quan truyền thông phản ánh như: vụ Bà Đàm Thị Lích tại Lâm Đồng, vụ việc liên quan đến cấp Giấy chứng nhận tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng…

Khắc phục những tồn tại

Ông Lê Thanh Khuyến, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho rằng, để khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác cấp GCN cần ban hành ngay Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện các biện pháp để tăng cường, bảo đảm việc thi hành Luật Đất đai năm 2013 ở địa phương, trong đó, đặc biệt chú trọng chỉ đạo khắc phục những bất cập, tồn tại về lĩnh vực đăng ký đất đai, cấp GCN.

Đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung một số quy định tại các Nghị định và Thông tư có liên quan đến công tác cấp GCN đặc biệt là các quy định liên quan đến nghĩa vụ tài chính về đất đai. Ngoài ra, phải tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra thi hành Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai đối với các địa phương để phòng ngừa, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong việc quản lý đất đai.

Đến nay, cả nước đã có trên 50 tỉnh, thành phố thành lập các đường dây nóng tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (trực thuộc Sở TN&MT) để kịp thời tiếp nhận, xử lý phản ánh của người dân về công tác cấp GCN nói riêng và quản lý, sử dụng đất nói chung.

Nguồn: Tuyết Nhi – TN&MT

Tin khác đã đăng