Khoanh tạo rừng ngập mặn



Khoanh tạo rừng ngập mặn bãi bồi là giải pháp thử nghiệm đang được Cục bảo tồn Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) thực hiện qua một đề tài khoa học. Mô hình đang được triển khai tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, tiểu khu IB.1 xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Mô hình được xây dựng gồm 2 phần chính là diện tích trên bờ đê và diện tích trong đê. Phần diện tích đối chứng không được đắp đê nằm từ khu rừng hiện hữu đến phía ngoài bãi bồi. Mô hình thử nghiệm đã mang lại kết quả rất khả quan. Cụ thể như trên bờ đê khu vực khoanh tạo, cây tái sinh với mật độ rất cao và tăng mạnh từ tháng 3 đến tháng thứ 12.

Theo mô hình này, phương pháp khoanh tạo bằng cách đắp các dãy bờ bao bằng xáng múc để thiết lập thành hệ thống vật cản sóng biển ở khu rừng mắm trắng và đước đôi.

Kết quả bước đầu cho thấy: số lượng, mật độ, tốc độ sinh trưởng, phát triển của cây tái sinh rừng ngập mặn khá tốt và tốc độ bồi lắng gia tăng. Đó là cơ sở để mở rộng diện tích rừng ngập mặn, tạo môi trường sinh cảnh cho các loài động, thực vật trú ngụ.

Cùng với đó, giải pháp khoanh tạo và tái sinh rừng ngập mặn còn làm tăng khả năng phòng hộ, chống xói lở, tạo môi trường cảnh quan, điều hòa khí hậu, làm sạch nguồn nước…

Ưu điểm của mô hình này là 100% dựa vào cây tái sinh tự nhiên, đẩy nhanh quá trình hình thành rừng, giúp tiết kiệm được chi phí trồng rừng ngập mặn ven biển.

Nguồn: Bùi Thọ – Bộ TN&MT

Tin khác đã đăng