Khoanh vùng trượt lở để giảm thiệt hại



Trượt lở đất đá (TLĐĐ) là một trong những loại hình thiên tai xảy ra phổ biến ở các vùng miền núi Việt Nam. Thiệt hại về người, cơ sở vật chất và môi trường do TLĐĐ gây ra thường nghiêm trọng hơn so với nhận thức và đánh giá hiện nay của xã hội.

khoang-vung-truot-lo

Nhằm điều tra tổng thể hiện trạng TLĐĐ các khu vực miền núi Việt Nam, đánh giá và phân vùng có nguy cơ TLĐĐ, để có cái nhìn tổng quát, định hướng phát triển kinh tế, dân cư, giao thông, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 351/QĐ-TTg ngày 27/3/2012 về việc phê duyệt Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam”, giao cho Bộ TN&MT thực hiện, trong đó Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản là cơ quan chủ trì.

Tháng 11/2014, tại Hội nghị Chuyển giao Sản phẩm Bước 1 của Đề án do Bộ TN&MT chủ trì, được tổ chức tại tỉnh Yên Bái, bộ sản phẩm điều tra hiện trạng TLĐĐ tỷ lệ 1:50.000 khu vực miền núi 10 tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thanh Hóa và Nghệ An đã được chuyển giao về các địa phương. Các sản phẩm đã nhận được rất nhiều ý kiến góp ý và phản hồi tích cực từ các địa phương và đơn vị liên quan trực tiếp sử dụng kết quả Bước 1 của Đề án.

Tiếp nối thành công của Hội nghị chuyển giao đợt I tại Yên Bái, Ngày 1/11/2016, Bộ TN&MT cùng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản tiếp tục tổ chức Hội nghị chuyển giao đợt II tại tỉnh Quảng Ninh. Các sản phẩm được chuyển giao trong đợt này là các kết quả Bước 1 – 2 theo quy trình toàn Đề án đã hoàn thiện vào các năm 2014 – 2015. Bộ sản phẩm bao gồm: Bản đồ hiện trạng TLĐĐ tỷ lệ 1:50.000 các tỉnh Cao Bằng, Bắc Giang, Quảng Ninh và Hòa Bình; Bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ tỷ lệ 1:50.000 các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An.

Các bản đồ này đã xác định và khoanh  được các điểm, vùng nguy hiểm, tiềm ẩn các nguy cơ trượt lở đất đá có thể ảnh hưởng đến điều kiện kinh tế, giao thông, dân cư và kế hoạch phát triển kinh tế địa phương. Các kết quả này là những dữ liệu quan trọng phục vụ công tác công tác phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá gây ra trong mùa mưa bão tại các vùng miền núi Việt Nam.

Tại Hội nghị chuyển giao đợt II, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc đánh giá cao nỗ lực của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng Sản, các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT như Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Cục Đo đạc Bản đồ Việt Nam, Trung tâm Viễn thám Quốc gia, Trung tâm Quy hoạch Điều tra Tài nguyên Nước Quốc gia; chính quyền và nhân dân các tỉnh miền núi phía Bắc để có thể sớm hoàn thành bước 1 của Đề án.

Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, nội dung các sản phẩm của Đề án giúp cho chính quyền các cấp, các ban ngành quản lý, quy hoạch, giao thông và xây dựng có cái nhìn tổng quát về hiện trạng và nguy cơ TLĐĐ ở địa phương mình, và có cơ sở khoa học cho công tác xây dựng các kế hoạch và biện pháp phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai phù hợp cho địa bàn dân cư địa phương.

Để thực hiện giai đoạn tiếp theo của Đề án, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc đề nghị, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản và đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ thành lập các bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ các tỉnh miền núi, tập trung vào các khu vực có nguy cơ cao, có dân cư sinh sống và đang là khu vực trong điểm phát triển kinh tế xã hội; Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị cảnh báo, dự báo thiên tai như: Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ở trung ương cũng như địa phương để chuyển tải nhanh các thông tin liên quan đến trượt lở đất đá, góp phần nâng cao hiệu quả cảnh báo thiên tai.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc yêu cầu Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan đoàn thể, truyền thông từ Trung ương đến địa phương để triển khai tuyên truyền công tác chuyển giao kết quả, nâng cao nhận thức cộng đồng về tai biến địa chất, trượt lở đất đá tăng cường khả năng ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá gây ra.

Nguồn: Phạm Thu Hà – Bộ TN&MT

Tin khác đã đăng