Kiểm toán môi trường: Đo lường ô nhiễm



Theo Luật Bảo vệ môi trường 2014, kiểm toán môi trường là công cụ quản lý sắc bén và hiệu quả giúp cho các doanh nghiệp nhận thức rõ những vấn đề môi trường đang xảy ra tại doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, đề ra các biện pháp ngăn ngừa và cải thiện môi trường một cách có hiệu quả.

do-luong-o-nhiem

Qua kiểm toán, doanh nghiệp sẽ hiểu rõ hơn về mức độ tuân thủ chính sách môi trường

Với tầm quan trọng đó, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo quy trình kiểm toán môi trường.

Lợi ích lớn

Kiểm toán môi trường không còn xa lạ ở các nước có nền công nghiệp hiện đại, tuy vậy, lại khá mới mẻ ở các nước đang phát triển, trong đó, có Việt Nam.

Theo các chuyên gia môi trường, kiểm toán tác động môi trường là việc kiểm tra có hệ thống các tác động môi trường thực tế của một doanh nghiệp đang hoạt động, dựa trên cơ sở các số liệu quan trắc môi trường nhằm mục đích giảm thiểu các rủi ro về môi trường.

Qua kiểm toán, đơn vị được kiểm toán sẽ hiểu rõ hơn về mức độ tuân thủ các chế độ, chính sách hiện hành về quản lý và bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động của đơn vị, xác định được những tồn tại cụ thể trong việc thiết kế và vận hành các hệ thống quản lý môi trường của đơn vị, nhất là đối với đơn vị đã triển khai áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14000.

Theo các chuyên gia tư vấn môi trường, không chỉ có các doanh nghiệp quy mô lớn mới có điều kiện triển khai kiểm toán môi trường, mà cả các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa cũng có thể làm được vì chi phí đầu tư cho kiểm toán môi trường không nhiều so với lợi ích mà nó mang lại. Kết quả kiểm toán môi trường sẽ đưa ra kết luận và những con số cụ thể về hạn chế hoặc sai phạm trong quá trình và kết quả quản lý môi trường của đơn vị, chỉ ra những bất cập như rò rỉ khí đốt, rò rỉ điện… gây lãng phí năng lượng và ô nhiễm môi trường, hay vấn đề chất thải công nghiệp chưa được xử lý đúng yêu cầu…

Những tồn tại đó vừa dẫn đến tăng chi phí, giảm lợi nhuận vừa dẫn đến ô nhiễm môi trường, và có thể doanh nghiệp phải chịu thêm khoản tiền phạt lớn hay ảnh hưởng xấu đến uy tín và vị thế cạnh tranh của đơn vị…

Theo các chuyên gia, nếu kiểm toán môi trường được thực hiện sớm và hiệu quả, sẽ giúp lường trước mức độ ảnh hưởng của các dự án đến môi trường để phòng tránh. Nhất là từ nay đến năm 2020, Việt Nam đặt mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại, công tác này càng cần được triển khai nhanh, mạnh và rộng khắp trên cả nước. Nếu không Việt Nam sẽ khó tránh khỏi “vết xe đổ” ô nhiễm mà không ít các quốc gia đã từng gặp phải.

Xây dựng 3 quy trình kiểm toán

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức, kiểm toán môi trường được chia 5 loại hình: kiểm toán tuân thủ thể chế chính sách, kiểm toán tác động đến môi trường, kiểm toán vận chuyển, kiểm toán năng lượng, kiểm toán chất thải.

Tuy vậy, công cụ kiểm toán môi trường hiện có của Việt Nam chưa đạt được kết quả cao do thiếu các hướng dẫn về kỹ thuật, quy trình thực hiện. Do đó, Tổng cục Môi trường đã phối hợp với nhóm chuyên gia đến từ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) tiến hành nghiên cứu, xây dựng 3 quy trình kiểm toán, gồm: kiểm toán tác động đến môi trường, kiểm toán tuân thủ thể chế chính sách, kiểm toán vận chuyển.

Kiểm toán tác động môi trường là việc kiểm tra có hệ thống các tác động môi trường thực tế của một doanh nghiệp đang hoạt động, dựa trên cơ sở các số liệu quan trắc môi trường nhằm mục đích giảm thiểu các rủi ro về môi trường. Kiểm toán môi trường gồm 3 giai đoạn, giai đoạn hoạt động chuẩn bị kiểm toán; thực hiện kiểm toán (kiểm toán hiện trường); hoạt động sau kiểm toán.

Kiểm toán thể chế chính sách là việc đánh giá một cách hệ thống tính hiệu quả của việc thực hiện và tuân thủ các thể chế, chính sách, quy định của pháp luật; nội quy, quy định nội bộ về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động của một doanh nghiệp. Kiểm toán chính sách sẽ đánh giá toàn diện việc thực hiện và tuân thủ các chính sách, quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, bên cạnh đó sẽ phân tích, đánh giá tính phù hợp, hiệu quả của chính sách, pháp luật, các quy định về bảo vệ môi trường và đề xuất việc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Kiểm toán vận chuyển sẽ đánh giá hiệu quả sử dụng phương tiện, nhiên liệu và đảm bảo an toàn theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong nước và quốc tế. Từ đó góp phần đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của hoạt động vận chuyển, nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm thiểu các tác động nguy hại đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Theo các chuyên gia, việc xây dựng hướng dẫn quy trình kiểm toán tác động môi trường là hết sức cần thiết và dự thảo do Tổng cục Môi trường xây dựng đã đưa ra được khái niệm, mục tiêu tương đối rõ ràng. Tuy vậy, các bước thực hiện còn chung chung, khó áp dụng được cho các ngành, cần có những ví dụ cụ thể cho một số bước, đưa vào những kinh nghiệp sẵn có mà Việt Nam cũng như quốc tế đã làm. Đồng thời, cần có sự kết nối với các hoạt động kiểm toán khác như: kiểm toán chất thải, kiểm toán khí thải…

Nguồn: Bộ TN&MT

Tin khác đã đăng