Môi trường biển: Nhiều điểm “nóng” ô nhiễm



(TN&MT) - Với quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên lục địa, biển Việt Nam đang là nơi gánh chịu rất nhiều nguồn thải đổ xuống và ngày càng xuất hiện nhiều điểm gây ô nhiễm cục bộ.

moi-truong-bien

Môi trường biển đang đối mặt nhiều nguy cơ ô nhiễm. Ảnh: Hoàng Minh

Ô nhiễm hữu cơ ngày càng tăng
Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011 – 2015 đã cho thấy, chất lượng nước biển ven bờ ở Việt Nam còn khá tốt với hầu hết giá trị các thông số đặc trưng cho chất lượng nước biển nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam 10 – MT: 2005/BTMT. Tuy vậy, do ảnh hưởng của khu vực cửa sông và sự tiếp nhận chất thải của hoạt động phát triển kinh tế ven biển, một số vùng biển có hàm lượng chất TSS (tổng hợp chất rắn vô cơ và hữu cơ lơ lửng) cao. Bên cạnh đó, sự gia tăng hàm lượng chất hữu cơ và dầu mỡ cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc bảo vệ chất lượng nước biển ven bờ trong những năm gần đây.
Sự gia tăng hàm lượng TSS trong nước biển ven bờ chủ yếu bị ảnh hưởng bởi phù sa các cửa sông, trong đó, các vùng biển ven bờ ở phía Bắc thường có giá trị cao vượt ngưỡng QCVN. Dải ven biển miền Trung có hàm lượng TSS thấp, trong khi đó, khu vực biển ven bờ phía Nam có hàm lượng TSS giảm dần trong những năm gần đây.
Vấn đề ô nhiễm bởi chất hữu cơ trong nước biển ven bờ đã và đang diễn ra khá phổ biến ở các tỉnh thành ven biển Việt Nam. Hàm lượng các thông số quan trắc như COD, NH+4 trong giai đoạn 2011 – 2015 tại hầu hết các khu vực đã ở mức cao vượt ngưỡng QCVN (hầu hết tại các khu vực bãi tắm và nuôi trồng thủy sản), đặc biệt ở phía Bắc và phía Nam. Âu thuyền Thọ Quang thuộc Đà Nẵng là 1 trong những điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước biển trong những năm gần đây. Nguyên nhân là do ở khu vực xung quanh có 23 cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản, 11 cơ sở đóng, sửa chữa tàu thuyền và 8 cống thải ra biển. Trong khi hệ thống xử lí nước thải và thu gom rác thải chưa đáp ứng được yêu cầu.
Khảo sát của Bộ TN&MT cũng chỉ ra rằng, mức độ ô nhiễm hữu cơ ở các khu vực biển ven bờ phía Bắc cao hơn ở khu vực miền Trung và miền Nam. Tại các vùng biển Nam Trung Bộ thuộc các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, hiện tượng thủy triều đỏ đã xuất hiện và gây nhiều hậu quả khá nghiêm trọng đến tài nguyên sinh vật và môi trường. Nguyên nhân của hiện tượng này được cho là do quá trình phát triển du lịch, đô thị hóa, nông nghiệp, công nghiệp… đem đến lượng chất thải hữu cơ và dinh dưỡng quá nhiều trong nước.
Bên cạnh đó, xu hướng gia tăng hàm lượng dầu mỡ khoáng trong nước biển tại các khu vực cảng biển đang diễn ra khá phổ biến. Một số khu vực cảng biển có hàm lượng dầu mỡ khoáng vượt ngưỡng QCVN. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động của các tàu thuyền làm rò rỉ nhiên liệu dầu mỡ. Tại một số khu vực như: Vịnh Hạ Long, biển Cần Giờ, bãi Trước, bãi Sau (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã phát hiện hàm lượng dầu mỡ khoáng. Theo số liệu của Trung tâm quan trắc và Phân tích môi trường tỉnh Quảng Ninh, tại khu vực vịnh Cửa Lục – cầu Bãi Cháy, hàm lượng dầu có xu hướng tăng trong giai đoạn 2011 – 2015, đạt giá trị từ 0,012 – 0,826mg/l so với quy chuẩn 0,2mg/l. Tại khu vực ven bờ bến chợ Hạ Long 1 và khu vực ven bờ cột 5, cột 8 (Hạ Long), hàm lượng dầu mỡ khoáng tuy có xu hướng giảm trong năm 2013 và 2014 nhưng vẫn vượt ngưỡng cho phép tất cả các đợt.
Chất lượng nước biển khơi vẫn tốt
Theo nhiều nhận định, nước biển khơi ở Việt Nam được đánh giá có chất lượng tốt. Hầu hết các thông số đặc trưng cho chất lượng nước biển xa bờ đều đạt QCVN 10-MT:2015/BTNMT. Kết quả quan trắc của Trung tâm quốc gia Quan trắc và Cảnh báo môi trường biển – Viện Nghiên cứu hải sản đã cho thấy, hầu hết tại vùng biển Tây Nam Bộ và khu vực biển Côn Sơn các thông số đặc trưng cho các chất đều nằm dưới ngưỡng 70µg/l cho phép của tiêu chuẩn Việt Nam và ASEAN. Tuy vậy, tại một số vùng, hàm lượng Phốt phát trong nước được ghi nhận đã ở mức cao hơn giới hạn QCVN. Bên cạnh đó, hàm lượng dầu tại khu vực biển ngoài khơi có giá trị cao hơn tiêu chuẩn ASEAN.
Trong tháng 4/2016, tại ven biển 4 tỉnh miền Trung đã xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng làm cá chết hàng loạt. Nguyên nhân được xác định do nguồn thải từ Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh chứa độc tố phenol, xyanua. Bộ TN&MT đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành liên quan thực hiện các chương trình quan trắc, đánh giá nước biển. Kết quả cho thấy, về giá trị các thông số sắt, tổng phenol và xyanua (là nguyên nhân chính gây sự cố môi trường) đã giảm đi đáng kể, số lượng mẫu có hàm lượng vượt giới hạn cho phép cũng đã giảm xuống. Đến thời điểm tháng 8/2016 (theo kết quả quan trắc kiểm chứng trong tháng 8/2016), hàm lượng tổng phenol trong nước biển đã giảm đến giá trị nhỏ hơn giới hạn cho phép.
Để bảo vệ môi trường biển trong thời gian tới, theo nhiều chuyên gia bên cạnh công tác tuyên truyền vận động cộng đồng, đặc biệt là các ngư dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, chú trọng việc kiểm soát chặt chẽ môi trường biển, nhất là sử dụng các công cụ pháp lý liên quan trong kiểm soát, đánh giá tiêu chuẩn, tác động môi trường; quan trắc – cảnh báo xác định các “điểm nóng” môi trường hoặc ô nhiễm… để có biện pháp xử lý kịp thời. Nhà nước sớm xây dựng và ban hành các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường biển, nhất là chi tiết hóa mức độ vi phạm, xử phạt; tăng cường tham vấn với các bên liên quan, tạo chuyển biến tích cực trong quản lý, bảo vệ môi trường biển, đảo của Tổ quốc.
Nguồn: Thái Bình – TN&MT

Tin khác đã đăng