Năm 2017 : Hạn hán và xâm nhập mặn sẽ đến sớm



Năm 2017 hạn hán và xâm nhập mặn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ đến sớm do dòng chảy sông Cửu Long thiếu hụt. Đó là nhận định mới đây của Tổng cục Thủy lợi.

Mùa mưa đến muộn

Theo Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thủy lợi, tình hình khí tượng thủy văn mùa mưa năm 2016 bắt đầu vào cuối tháng 5/2016, đến muộn hơn cùng kỳ 2015 và trung bình nhiều năm khoảng gần 1 tháng. Đầu mùa mưa đến nay, lượng mưa, diện mưa phân bổ không đều cộng với ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino gây khô hạn, mặn xâm nhập sớm trên diện rộng khắp các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL.

Hiện nay, mùa mưa lũ ở ĐBSCL sắp kết thúc. Nước trên hệ thống sông Cửu Long đang hạ thấp dần. Trước dự báo mùa khô năm 2017 tuy không khốc liệt như 2016, nhưng dòng chảy sông Cửu Long có thể thiếu hụt, hạn đến sớm và khả năng xâm nhập mặn xảy ra.

Còn theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, khu vực ĐBSCL từ tháng 3 đến tháng 6 lượng mưa giảm, có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm. Trong suốt mùa khô 2016 – 2017, tổng lượng dòng chảy sông Mekong về ĐBSCL sẽ thiếu hụt so trung bình nhiều năm từ 15 – 30%, tương đương mùa khô năm 2014 – 2015, cao hơn 2015 – 2016. Trong khi đó, tình hình hạn, xâm nhậm mặn mùa khô 2016 – 2017 có khả năng thuộc năm thủy văn có dòng chảy nhỏ, do vậy, diễn biến mặn rất phức tạp và gay gắt, xâm nhập sớm và kéo dài, nhưng mức độ ít nghiêm trọng hơn so mùa khô 2015 – 2016.

images1771248_10446065_524653574338843_887542354452092560_o

Hiện tượng El Nino gây khô hạn, mặn xâm nhập sớm trên diện rộng. Ảnh: MH

Vận hành linh hoạt các công trình thủy lợi

Do khô hạn, mặn xâm nhập sớm trên diện rộng tại khu vực ĐBSCL và các tỉnh ven biển đã tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp, trong đó 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo thống kê, tại Bạc Liêu, sản xuất lúa đông xuân 2016 bị thiệt hại trên 1.300 ha; vụ lúa hè thu thiệt hại 20 ha lúa… do mặn còn lại trên hệ thống kênh từ đầu mùa khô và lượng mưa đầu mùa mưa chưa đủ để rửa mặn.

Nuôi trồng thủy sản cũng thiệt hại hơn 1.500 ha nhưng nhờ khôi phục nuôi thâm canh và bán thâm canh nên cả năm thực hiện đạt và vượt kế hoạch cả về năng suất, sản lượng.

Ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Đối với Sóc Trăng, hạn và xâm nhập mặn ảnh hưởng rất nghiêm trọng, thiệt hại sản xuất nông nghiệp trong mùa khô năm 2016 lên đến 31.000 ha, tổng thiệt hại gần 900 tỷ đồng. Qua theo dõi có 7 đợt xâm nhập mặn từ phía Bạc Liêu và thị xã Ngã Năm, độ mặn có thời điểm rất cao.

Tuy vậy, nhờ có sự phối hợp giữa 3 tỉnh trong việc điều tiết, vận hành hệ thống cống vùng sản xuất lúa tại Sóc Trăng và Cà Mau làm giảm và khống chế được độ mặn, giảm thiểu thiệt hại cho nhiều vùng đất lúa”.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cảnh báo: “Chúng ta phải lường trước được thời tiết bất thường, hạn hán, mặn xâm nhập mặn có thể xảy ra trong thời gian tới. Vùng ĐBSCL nguồn nước ngọt đóng vai trò quan trọng, cần chủ động các giải pháp giảm tác động do ảnh hưởng xâm nhập mặn. Trong năm 2017 mặn tuy không khốc liệt như năm 2016, nhưng vẫn nghiêm trọng hơn trung bình nhiều năm”.

Ông Tỉnh cho rằng, từ tháng 2 – 3/2017 sẽ có xâm nhập mặn. Các địa phương cần chủ động điều tiết, vận hành linh hoạt các công trình thủy lợi phù hợp, nhất là chú trọng vùng ranh giới mặn ngọt nên tập trung mô hình tôm lúa.

Để chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, Ban chỉ đạo Hệ thống thủy lợi cần triển khai kế hoạch phối hợp với các Chi cục Thủy lợi, Trung tâm Quản lý công trình thủy lợi 3 tỉnh, vận hành hệ thống cống đập đồng bộ, trước mắt đảm bảo cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất vụ lúa đông xuân.

“Tuy vậy, thông tin dự báo hạn mặn người dân chưa được biết rõ ràng, cụ thể, vì vậy đề nghị các cơ quan chuyên môn, Tổng cục Thủy lợi có dự báo sát tình hình, nhất là xâm nhập mặn để các sở ngành trong tỉnh kịp thời chỉ đạo giải pháp ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất” – ông Tỉnh đề nghị.

Nguồn: TN&MT

Tin khác đã đăng