Ngăn chặn, xử lý việc khai thác cát, sỏi trái phép: Sẽ sớm xây dựng Thông tư hướng dẫn



Khai thác cái, sỏi trái phép khiến môi trường ô nhiễm, sạt lở nghiêm trọng bờ sông, tác động xấu tình hình an ninh trật tự, đe dọa cuộc sống của người dân địa phương, gây bức xúc trong dư luận. Vậy các cơ quan chức năng làm gì để kiểm soát tình trạng này? Báo Tài nguyên & Môi trường đã có cuộc trao đổi với TS. Lại Hồng Thanh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam về vấn đề này.

soi-da
PV: Những năm gần đây, tình trạng cát, sỏi bị khai thác trái phép tràn lan diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước, đâu là nguyên nhân dẫn đến việc này thưa ông?

TS. Lại Hồng Thanh: Về nguyên nhân của tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép theo tôi có nhiều nguyên nhân, nhưng có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất: Cát, sỏi lòng sông thường có ở các khu vực ranh giới giữa hai hay nhiều địa phương cấp tỉnh/huyện/xã nên khi có hoạt động khai thác trái phép, việc kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các địa phương liên quan.

Thứ hai: Việc khai thác cát, sỏi lòng sông khác với khai thác các loại tài nguyên khác vì đầu tư không lớn; phương tiện khai thác có thể nhỏ lẻ, hoặc có quy mô lớn nhưng di chuyển linh hoạt có thể khai thác được cả ngày lẫn đêm; cát, sỏi hút lên là có thể bán được ngay, thậm chí bán ngay trên sông mà không cần tới điểm tập kết lên lợi nhuận cao.

Do đó, các lực lượng chức năng rất khó khăn trong việc truy quét, xử lý vì thiếu nhân lực, phương tiện, kinh phí. Đặc biệt, nhiều khi bị cơ quan chức năng phát hiện, truy quét, các đối tượng sẵn sàng đánh chìm thuyền và bỏ chạy.

Thứ ba: Tại một số địa phương còn chưa xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, nhất là lãnh đạo chính quyền cấp cơ sở có hành vi bao che, dung túng để hoạt động khai thác trái phép diễn ra mà không xử lý, hoặc để kéo dài. Đồng thời, cho xây dựng các bãi tập kết cát, sỏi trái phép mà không xử lý.

Tuy vậy, từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 03 ngày 30/3/2015 và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng) chủ trì Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành và các Bộ ngành liên quan để bàn về các giải pháp ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác cát, sỏi lòng sông tình trạng này đã giảm nhiều. Theo thống kê, đến cuối năm 2015, hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép đã giảm gần 20 địa phương so với năm 2012, chỉ còn diễn ra tại trên 30 tỉnh, thành phố.

PV: Bộ TN&MT, Tổng cục đã triển khai những giải pháp nào để giải quyết vấn đề này, thưa ông?

TS. Lại Hồng Thanh: Thực tế, thẩm quyền cấp phép, quản lý cát sỏi là của UBND cấp tỉnh và được quy định tại Luật Khoáng sản 2010. Chính vì vậy, giải pháp đầu tiên thực hiện vẫn là của UBND cấp tỉnh. Về phía Bộ TN&MT, trực tiếp là Tổng cục Địa chất & Khoáng sản là xây dựng thể chế, chính sách để quản lý. Tuy vậy, trước thực trạng khai thác trái phép, thời gian qua, Tổng cục đã trình Bộ nhiều Văn bản gửi các địa phương đề nghị thực hiện các biện pháp xử lý, ngăn chặn thông qua các đợt thanh, kiểm tra định kỳ và đột xuất hàng năm.

Bên cạnh đó, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong Quý IV năm nay, Tổng cục sẽ chủ trì, phối hợp với một số Bộ ngành và địa phương tiến hành kiểm tra công tác lập quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông. Đồng thời, kiểm tra việc thu hồi cát từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng, lạch. Qua đó, sẽ nắm tình hình và đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để tăng cường hiệu quả công tác quản lý cát, sỏi lòng sông.

Ngoài ra, trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15 năm 2012 của Chính phủ có giao Bộ TN&MT ban hành Thông tư hướng dẫn công tác quản lý cát, sỏi lòng sông. Đây là một điểm mới, lần đầu tiên giao Bộ hướng dẫn nội dung này để áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

PV: Ông có thể cho biết những điểm cơ bản của Thông tư này?

TS. Lại Hồng Thanh: Sau khi Nghị định thay thế Nghị định số 15 năm 2012 được ban hành, Tổng cục sẽ trình Bộ thành lập Tổ soạn thảo xây dựng Thông tư này, khi đó Tổng cục sẽ xây dựng đề cương chi tiết. Theo đó, nội dung của Thông tư này phải hướng dẫn được việc khai thác trên lòng sông từ khâu điều tra, đánh giá khoáng sản cát, sỏi lòng sông đến khâu lập quy hoạch, cấp phép, tổ chức quản lý trong quá trình khai thác. Bên cạnh đó, phải quy định được 3 điểm:

Thứ nhất, về xây quy hoạch tài nguyên cát, sỏi lòng sông trách nhiệm điều tra thuộc Bộ TN&MT. Tổng cục đã đề xuất Bộ Xây dựng nhiệm vụ, đề án chung để chúng ta đánh giá tiềm năng cát, sỏi trên phạm vi toàn quốc.

Thứ hai, quy định về lập công tác,  hiện nay, thực hiện theo quy định của Luật Khoáng sản, các địa phương đã lập quy hoạch riêng của mình, tuy vậy, quy hoạch này không thể lập trên cơ sở “cát cứ” giữa địa phương này với địa phương khác, bởi cát, sỏi ở phần giáp ranh nhiều địa phương, ở lưu vực sông, thậm chí ở 5 – 7 tỉnh. Do đó, nguồn cát không phải của riêng mà là của chung, cung cấp cho nhu cầu cả nước, khu vực, phải được cân đối. Bộ TN&MT sẽ hướng dẫn theo hướng có tính liên vùng, phát huy tối đa tiềm năng của cát sỏi trong quá trình xây dựng quy hoạch cung cấp cho cả nước, cũng như khu vực và địa phương.

Bên cạnh đó, ngay khi lập quy hoạch phải đánh giá tác động của khai thác cát sỏi với việc xói lở bờ, ổn định dòng chảy, môi trường, trên cơ sở cân đối nhu cầu để đưa ra kế hoạch khai thác hợp lý của cả một dòng sông, chứ không phải riêng một địa phương nào. Nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề này thì địa phương này khai thác, địa phương kia không khai thác cũng không giải quyết được vấn đề gì cả vì đều chung một dòng sông. Ngoài ra, cần phải quy định trách nhiệm chung của các địa phương về việc này.

Thứ ba, về cấp phép. Thời gian gần đây, thực hiện xã hội hóa về nạo vét luồng lạch bằng vốn tổ chức cá nhân không cấp phép; trên luồng đó lập chuẩn thiết kế về nạo vét, nếu có cát thì được thu hồi. Tuy vậy, đã xuất hiện việc nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc này để khai thác cát, sỏi trái phép và xử lý số cát, sỏi nạo vét đó ra sao cũng cần quy định cụ thể.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 03 năm 2015, nhiều địa phương có chung ranh giới hành chính là dòng sông đã ban hành quy chế phối hợp trong quản lý, nhất là xử lý các tổ chức cá nhân khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông. Đặc biệt đã xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, làm rõ trách nhiệm, hình thức xử lý đối với người đứng đầu địa phương các cấp khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, để xảy ra kéo dài mà không xử lý. Tuy vậy, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc xử lý, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số tổ chức, cá nhân khai thác trái phép gây hiệu quả nghiêm trọng.

Nguồn: Bộ TN&MT

Tin khác đã đăng