Tái cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL: Không thể dậm chân tại chỗ



Biến đổi khí hậu và toàn cầu hóa kinh tế đặt tái cơ cấu nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào bối cảnh mới, không thể “dậm chân tại chỗ”. Tiến hành xâu kết chuỗi giá trị các ngành hàng nông sản và liên kết phát triển vùng là những đề xuất của GS Nguyễn Ngọc Trân cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL thời gian tới.

dong-bang-song-cuu-long

Bối cảnh mới

GS Nguyễn Ngọc Trân cho rằng, ĐBSCL đang đối diện với hai thách thức toàn cầu là biến đổi khí hậu và toàn cầu hóa kinh tế, hội nhập quốc tế. Các thách thức không tác động riêng lẻ, mà cùng lúc và liên hoàn tác động lên nhau làm cho bối cảnh không ngừng biến đổi.

Biến đổi khí hậu đang đặt đồng bằng vào các nguy cơ về: khan hiếm nước ngọt và những tình huống cực đoan xảy ra nhiều hơn, với cường độ mạnh hơn; lũ thấp hơn, nguồn lợi thủy sản giảm; trầm tích về ít hơn, cán cân trầm tích âm kéo theo biến đổi địa mạo lòng sông, cửa sông, bờ biển xói lở nhiều hơn bồi; phù sa về ít hơn, độ phì của đất giảm, mặt đất sụt lún tự nhiên.

“Toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập toàn cầu không cho phép đồng bằng dẫm chân tại chỗ, càng không thể tụt hậu; đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu,nước biển dâng và hậu quả của việc sử dụng nguồn nước trên thương nguồn”, GS Nguyễn Ngọc Trân nhận định.

Trong bối cảnh mới, ĐBSCL cần tái cơ cấu vì mô hình tăng trưởng phát triển theo chiều rộng hơn chiều sâu, chú trọng lượng hơn chất. Yêu cầu đặt ra cho tái cơ cấu nông nghiệp cho ĐBSCL thời gian tới sẽ nặng nề hơn khi phải kết hợp các yếu tố: Sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên nước ngọt; “dưỡng đất”, bồi dưỡng bù lại việc giảm phù sa; sớm tiến tới một nền nông nghiêp thông minh, ít phát thải khí nhà kính; chung sống với mặn, ngập, hạn, xem nước mặn là tài nguyên; phù hợp với môi trường và quy luật thủy văn của một châu thổ sông; phát triển liên kết tiểu vùng và trên quy mô toàn ĐBSCL…

Liên kết phát triển vùng

Theo GS Nguyễn Ngọc Trân, tái cơ cấu nông nghiệp sẽ không đi vào nền nếp nếu không thực hiện liên kết phát triển giữa các tỉnh, các tiểu vùng, và vùng ĐBSCL.

Cụ thể các địa phương trong vùng cần phối hợp hài hòa trong khai thác và chia sẻ các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường; phối hợp trong việc lập và phê duyệt các quy hoạch tổng thể, các quy hoạch ngành và địa phương, đặc biệt trong quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng; phối hợp trong việc ban hành các chính sách thu hút đầu tư; phối hợp trong phát triển nguồn nhân lực; phối hợp trong các chính sách về an sinh xã hội, và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

GS Nguyễn Ngọc Trân đề xuất 7 chương trình mục tiêu tiểu vùng vừa cấp bách vừa mang tính thí điểm cho sự liên kết phát triển tiểu vùng có tiền đề thuận lợi để triển khai ngay là: Chương trình lúa gạo; Chương trình trái cây đặc sản; Chương trình thủy sản sạch; Chương trình trồng lại rừng tràm, trữ nước ngọt và khôi phục chuỗi dinh dưỡng đa dạng vốn có, kết hợp phát triển du lịch sinh thái; Chương trình nước sạch cho tiêu dùng; Chương trình cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông thủy bộ; Chương trình giải quyết vùng trũng về giáo dục và đào tạo nghề cho tiểu vùng.

Xâu kết chuỗi giá trị

Ngoài liên kết phát triển vùng, tái cơ cấu tại ĐBSCL cần thực hiện xâu kết chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều viện, trường tại ĐBSCL hoạt động rất tốt trong từng khâu sản xuất nông sản nhưng kết quả hoạt động không được xâu kết vào chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, ở ĐBSCL xuất hiện nhiều doanh nghiệp đã xâu kết các khâu của chuỗi giá trị gạo và trở thành tác nhân xâu kết chuỗi giá trị.

Công nghệ cao thời gian qua cũng đã được áp dụng trong các khâu sản xuất và trở thành một tiền đề khác, cho việc xâu kết chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL. Việc xâu kết chuỗi giá trị này sẽ khiến nhiều công đoạn được xâu kết với nhau, sau mỗi công đoạn giá trị mặt hàng được gia tăng.

Nguồn: K.Linh – Bộ TN&MT

Tin khác đã đăng