Thừa Thiên Huế: Sớm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường



Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao vừa ban hành Chỉ thị số 29/CT-UBND về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về công tác bảo vệ môi trường trong ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

images1767379__nh__38_

Vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh xả khói, xả nước chưa được xử lý trực tiếp ra môi trường

Nhằm thực hiện tốt Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 29/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, chế biến nông lâm sản, thủy sản; đồng thời để tăng cường kiểm soát, sớm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế xây dựng kế hoạch quản lý, kiểm soát và lộ trình khắc phục ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp, chú trọng các cơ sở chăn nuôi và giết mổ tập trung; tăng cường công tác kiểm tra, rà soát và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân phát triển chăn nuôi theo quy hoạch, hạn chế và tiến đến không phát triển chăn nuôi trong khu vực tập trung đông dân cư.

Chủ tịch Nguyễn Văn Cao nhấn mạnh, triển khai tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường đến từng doanh nghiệp, hộ gia đình và mọi người dân nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm của cá nhân, hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ môi trường trong nông nghiệp…

Bên cạnh đó, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tập huấn chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ về khoa học công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ thu gom và xử lý chất thải đối với các cơ sở chăn nuôi, giết mổ tập trung có hiệu quả và phù hợp với điều kiện của từng địa phương; hướng dẫn tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng định kỳ đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung, nơi giết mổ, mua bán động vật, sản phẩm động vật. Tuyên truyền việc xã hội hóa công tác tiêu độc khử trùng để người dân chủ động thực hiện. Phát động và tổ chức thực hiện các Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường…

Ngoài ra, Chủ tịch giao Sở TN&MT có trách nhiệm thống kê, rà soát, phân loại về quy mô, mức độ ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, làng nghề, các cơ sở chế biến nông lâm sản, thủy sản, các cơ sở nuôi trồng thủy sản thuộc dự án có quy mô phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, Đề án bảo vệ môi trường chi tiết; tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề, xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản theo thẩm quyền. Xử lý nghiêm đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc các cơ sở không thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả…

Công an tỉnh chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, về vệ sinh an toàn thực phẩm trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến nông lâm sản, thủy sản.

Nguồn: TN&MT

Tin khác đã đăng