Thực hiện đồng bộ các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch về khí tượng thủy văn và biến đối khí hậu



Đối với lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Chương trình hành động của Bộ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020 nhấn mạnh mục tiêu thực hiện đồng bộ các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch về khí tượng thủy văn và biến đối khí hậu: Quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới; phát triển hệ thống cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn; các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển nền kinh tế các-bon thấp bảo đảm an ninh và phát triển bền vững quốc gia; thu hút nguồn lực ngoài nước để hiện đại hóa ngành khí tượng thủy văn, thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

dong-bo-chien-luoc-quy-hoach

Để thực hiện mục tiêu trên, Chương trình tập trung vào 04 nhóm nhiệm vụ chính. Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện thế chế, chính sách pháp luật: Tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khí tượng thủy văn và các nội dung liên quan đến khí tượng thủy văn trong Luật phòng, chống thiên tai, xây dựng mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, mạng lưới trạm giám sát biến đổi khí hậu quốc gia, thực hiện các đề án về xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia, cơ sở dữ liệu biến đổi khí hậu quốc gia; điều tra, khảo sát khí tượng thủy văn; quản lý phục vụ, dịch vụ khí tượng thuỷ văn; giám sát biến đổi khí hậu, giám sát và kiểm kê việc phát thải khí nhà kính và môi trường; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon tại Việt Nam; hoàn thiện hệ thống kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo khí tượng thủy văn của Việt Nam và tăng cường năng lực cho chính quyền địa phương trong quản lý hoạt động khí tượng thủy văn trên địa bàn; về biến đối khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn tập trung vào việc xây dựng các chính sách pháp luật về thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo các quy định của quốc tế và các cam kết của Việt Nam, làm cơ sở để xây dựng Luật Biến đổi khí hậu dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào sau năm 2020.

Thứ hai, tiếp tục trin khai thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2020, Thảo thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu nhằm phát huy những kết quả đã đạt được và tạo cơ sở cho việc huy động các nguồn lực quốc tế cho ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng và phát triển kinh tế – xã hội nói chung.

Thứ ba, tăng cường tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật: Tổ chức quán triệt, phổ biến các nội dung pháp luật về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, trong đó trọng tâm là Luật Khí tượng thủy văn và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/01/2014 của Chính phủ, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; tập huấn chuyên sâu trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu cho các cấp quản lý và cộng đồng dân cư, nhất là tại các khu vực dễ bị tổn thương bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu. Song song với công tác truyền thông trong nước là công tác truyền thông đối ngoại nhằm nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế nhằm hiện đại hóa lĩnh vực khí tượng thủy văn và ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra: Tổ chức kiểm tra, thanh tra hoạt động khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu tại các Bộ, ngành, địa phương; coi đây là nhiệm vụ thường xuyên nhằm giám sát, hướng dẫn việc thực hiện chính sách, pháp luật, tháo gỡ các vướng mắc, kịp thời phát hiện những bất cập để điều chỉnh, sửa đổi.

Nguồn: CTTĐT – Bộ TN&MT

Tin khác đã đăng