Thực trạng ô nhiễm môi trường ở thành phố Hồ Chí Minh



Ô nhiễm nguồn nước và không khí Theo kết quả quan trắc chất lượng môi trường tại các bãi chôn lấp và khu liên hợp xử lý chất thải rắn do Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải TP. Hồ Chí Minh thực hiện trong năm 2013, chất lượng nước mặt […]

Ô nhiễm nguồn nước và không khí

Theo kết quả quan trắc chất lượng môi trường tại các bãi chôn lấp và khu liên hợp xử lý chất thải rắn do Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải TP. Hồ Chí Minh thực hiện trong năm 2013, chất lượng nước mặt một số khu vực xung quanh khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc – Củ Chi bị ô nhiễm dinh dưỡng, hữu cơ, sắt và vi sinh phát hiện có nhiều thông số vượt xa mức độ cho phép. Trước bức xúc của người dân, UBND TP. Hồ Chí Minh đã phải từng bước đóng cửa khu xử lý chất thải này. Lượng rác hằng ngày sẽ chuyển về Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước xử lý. Cách đây vài năm, bãi rác Đông Thạnh, Gò Cát cũng phải ngừng chôn lấp rác thải.

Con kênh Gò Công đã thành kênh nước đen từ nhiều năm nay. Kênh Tân Hóa – Lò Gốm đang được kè, nạo vét hết sức ì ạch, là nỗi bức xúc của người dân các quận 6, 11, Bình Tân… nhiều năm nay. Con kênh ô nhiễm này chủ yếu do nước thải, rác thải sinh hoạt của chính người dân hai bên bờ xả ra.

Ngoài ra, Thành phố còn rất nhiều những con kênh, bãi tập kết rác, khu dân cư ven kênh rạch ô nhiễm nằm rải rác ở khắp các quận, huyện với mức ô nhiễm rất đáng báo động.

Theo thống kê của UBND Thành phố, trên địa bàn hiện có 3.300 nguồn thải của các cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ nhưng mới có 1.140 cơ sở xây dựng hệ thống xử lý môi trường đạt chuẩn. Hiện mới có khoảng 80% nguồn thải có lưu lượng từ 50m3/ngày đêm được kiểm soát. Còn hơn 2.000 cơ sở chưa có hệ thống xử lý môi trường hoặc có nhưng chưa đạt chuẩn vẫn ngày đêm thải ra môi trường hàng ngàn tấn chất thải, nước thải độc hại.

Ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi và ánh sáng

thuc-trang-o-nhiem
Các loại xe chen chúc nhau xả khí thải làm ô nhiễm không khí là cảnh thường xuyên diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh

Theo số liệu quan trắc của Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, tại 150 điểm của 30 tuyến đường trung tâm thành phố, tiếng ồn ở mọi lúc, mọi nơi đều vượt mức cho phép.

Kết quả quan trắc tiếng ồn của Chi cục Bảo vệ Môi trường TP. Hồ Chí Minh vừa qua cũng cho thấy, tất cả số lần đo ở 6 trạm quan trắc đều cho kết quả tiếng ồn đạt tới 85 decibels (dBA), trong đó ngưỡng vượt tiếng ồn cho phép cao nhất là 75dBA. Điểm có mức độ ồn cao nhất hiện nay là ngã tư An Sương, “thủ phạm” chủ yếu là do lượng xe tải, xe cơ giới qua lại đông gây cộng hưởng tiếng ồn quá lớn.

Trong khi đó, ô nhiễm ánh sáng cũng là vấn đề đáng báo động. Hầu hết các tuyến đường trung tâm của Thành phố đều được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng công cộng, đèn từ các biển hiệu quảng cáo có công suất từ 100W đến 500W sáng suốt đêm. Hầu như những tuyến phố chính như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Nguyễn Trãi… không có bóng tối, khiến cho người dân choáng ngợp trước thứ ánh sáng đủ sắc màu mỗi khi đêm xuống.

Ánh sáng đèn điện là rất cần thiết cho cuộc sống con người nhưng tình trạng lạm dụng ánh sáng đèn chiếu sáng ở đô thị suốt ngày đêm như ở thành phố này hiện rất đáng báo động. Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại các thành phố “không ngủ”, người dân thường mắc các chứng bệnh về thị lực, đau đầu, chóng mặt, thậm chí là mất ngủ, chán ăn, suy nhược cơ thể… Có thể nói những cảnh báo như trên có thể nhiều người đã biết, nhưng tình trạng ô nhiễm ánh sáng ở TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Nguồn: Nguyễn Hường – tapchicongthuong

Tin khác đã đăng