Tối ưu hóa lợi ích từ năng lượng tái tạo ở Việt Nam



Thị trường năng lượng tái tạo của Việt Nam được đánh giá có tiềm năng rất lớn và cần có chính sách đúng đắn để thực hiện những cam kết và tối ưu hoá lợi ích từ năng lượng tái tạo.

nang-luong-tai-tao
Tuy có những thay đổi chính sách đáng khích lệ nhưng sản xuất điện ở Việt Nam vẫn sẽ phụ thuộc vào than và than cũng là nguyên nhân chủ yếu gây phát thải khí nhà kính – đồng nghĩa với việc Việt Nam đi ngược lại xu hướng trên thế giới. Theo các chuyên gia, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị thu hẹp đầu tư do điện than là hiểm hoạ môi trường đối với quốc gia và toàn cầu trong những thập niên sắp tới.

Nguyên nhân của tình trạng này là do điện than thường được coi là nguồn điện rẻ, và gánh nặng lớn do điện than gây ra thường không được tính đến trong các lựa chọn chính sách và ngân sách. Việc khai thác, vận chuyển và sử dụng than chứa đựng nhiều chi phí ẩn đối với nền kinh tế, môi trường, thu nhập hộ gia đình và sức khoẻ của người dân. Tuy vậy, việc khai thác, vận chuyển và sử dụng than vẫn được gián tiếp ủng hộ, gây tổn hại cho nhà nước, tức là người nộp thuế.

Trên thế giới, năng lượng tái tạo đang có nhiều thay đổi nhanh và tích cực về mặt kỹ thuật cũng như tài chính. Việt Nam cần tiếp cận và tận dụng được những đổi thay này. Việt Nam cần có chính sách và hướng dẫn cụ thể nhằm khuyến khích việc áp dụng giao thông điện, túi ủ khí sinh học và lắp đặt hệ thống quang điện mặt trời trên nóc nhà, như ở Tòa nhà Xanh Một Liên Hợp quốc, nhờ đó vừa giảm đáng kể chi phí sử dụng điện và bảo vệ môi trường.

Tại hội thảo về phát triển năng lượng tại Việt Nam ngày 24/05 ở Hà Nội, ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng mới và tái tạo, Tổng Cục Năng lượng, Bộ Công thương, đã trình bày Chiến lược Phát triển Năng lượng Tái tạo tại Việt Nam trong đó mục tiêu chung của chiến lược năng lượng tái tạo là giảm 25% phát thải khí nhà kính của Việt Nam và phần lớn các hộ gia đình sẽ được tiếp cận với các dịch vụ năng lượng đáng tin cậy, bền vững và hiện đại với giá cả phải chăng vào năm 2030.

Một trong những trọng tâm của chiến lược năng lượng tái tạo là ưu tiên các công nghệ đã được công nhận trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, bao gồm thuỷ điện, năng lượng gió, mặt trời, năng lượng sinh khối và khí sinh học

“Chiến lược này nhằm khuyến khích và huy động mọi nguồn lực từ xã hội, phát triển năng lượng tái tạo với giá hợp lý để tăng dần thị phần năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng và tiêu dùng năng lượng quốc gia” – ông Thực cho biết – “Điều này sẽ giúp giảm phụ thuộc vào các nguồn hoá thạch và góp phần cải thiện an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế-xã hội bền vững.”

Nghiên cứu của UNDP nhấn mạnh lợi thế của quang điện mặt trời và khuyến nghị các biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng. Nghiên cứu cho thấy quang điện mặt trời có rất ít tác động tiêu cực đối với môi trường, sức khoẻ và sinh kế trong khi phát điện từ năng lượng mặt trời có thể giúp các cộng đồng ở vùng sâu cùng xa và hải đảo cũng như các doanh nghiệp lớn và nhỏ cải thiện việc cung cấp điện và giảm hóa đơn tiền điện.

UNDP khuyến nghị cần điều tiết mức “Giá bán cho lưới điện” (FiT) là 15 xu USD/kWh đối với các nhà máy quang điện mặt trời trên đất liền, và 19 xu USD/ kWh đối với các nhà máy điện ngoài đảo trong vòng 20 năm. UNDP cũng khuyến nghị cần hỗ trợ tài chính cho các hệ thống quang điện mặt trời độc lập cũng như hoà lưới ở các vùng sâu và hải đảo, đồng thời có các chính sách ưu đãi nhằm giảm chi phí đầu tư vào các nhà máy quang điện mặt trời, hệ thống điện mặt trời trên nóc nhà và các hệ thống quang điện mặt trời cộng đồng.

“Trên thế giới, kỹ thuật và tài chính năng lượng tái tạo đang thay đổi tích cực và nhanh chóng; Việt Nam cần tiếp cận và tận dụng những đổi thay này” – ông Bakhodir Burkhanov, Phó Giám đốc Quốc gia của UNDP tại Việt Nam, cho biết – “Việt Nam cần có chính sách và hướng dẫn cụ thể nhằm khuyến khích việc áp dụng giao thông điện, túi ủ khí sinh học và lắp đặt các tấm quang điện mặt trời trên nóc nhà, như ở Tòa nhà Xanh- Một Liên hợp quốc với chi phí sử dụng điện giảm đáng kể nhưng lại góp phần bảo vệ môi trường.”

Chiến lược Phát triển Năng lượng Tái tạo Quốc gia là bước đi then chốt đúng hướng nhằm phản ánh cam kết phát triển ít carbon và Đóng góp Dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) của Việt Nam đối với Công ước Khung Liên Hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC). Chiến lược cũng hỗ trợ thực hiện Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu mà Việt Nam đã cùng với hơn 175 nước ký kết tại trụ sở Liên Hợp quốc tháng trước.

Hướng tới thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, nhất là mục tiêu thứ 7 – tăng khả năng tiếp cận năng lượng cho tất cả mọi người thông qua tăng cường năng lượng tái tạo và hiệu suất năng lượng, chiến lược quốc gia của Việt Nam đi theo đúng hướng phát triển bền vững, vì dân và do dân.

Nguồn: moitruong

Tin khác đã đăng