TPHCM dồn sức cải thiện chất lượng môi trường



Đó là khẳng định của PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Viện phó Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, Phó giám đốc Trung tâm công nghệ môi trường (Entec). Điều này xuất phát từ thực tế chất lượng môi trường của TPHCM đang suy giảm nhanh chóng. Những nỗ lực đầu tư cải thiện chất lượng môi trường của thành phố dù đã được triển khai đẩy mạnh từ năm 2011 nhưng không tương xứng những gì môi trường đang gánh cho phát triển kinh tế.

images665334_images612422_8b

Môi trường kênh Tân Hóa – Lò Gốm đang dần được cải thiện. Ảnh: THÀNH TRÍ

Lo với ô nhiễm môi trường

Thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, trong số 76km tổng hệ thống chiều dài kênh rạch nội thành, có đến 60% – 70% chiều dài tuyến kênh đang bị ô nhiễm. Điển hình như một số hệ thống kênh chính như Nhiêu Lộc – Thị Nghè, kênh Đôi – kênh Tẻ, Tân Hóa – Lò Gốm, Rạch Tra – Thầy Cai, An Hạ…. Về chất lượng nguồn nước sông, cho đến nay cơ bản chỉ còn nguồn nước sông Đồng Nai là đạt tiêu chuẩn nước cấp sinh hoạt. Riêng sông Sài Gòn đã không đạt tiêu chuẩn cho nước cấp sinh hoạt. Các chỉ tiêu quan trắc đều vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2,5 – 8,3 lần, thậm chí với hàm lượng vi sinh tại nhiều thời điểm vượt quy chuẩn cho phép lên đến 700 lần.

Không chỉ lo ngại về chất lượng nguồn nước đang bị xuống cấp nghiêm trọng, người dân thành phố đang phải từng ngày, từng giờ hít thở lượng lớn khí thải ô nhiễm. PGS-TS Phùng Chí Sỹ cho biết, sự gián đoạn trong hoạt động quan trắc đã khiến cho Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như các đơn vị liên quan không đưa ra được chỉ số đo đạc liên tục. Tuy nhiên, chỉ cần tính toán thải lượng ô nhiễm khí thải dựa trên số lượng doanh nghiệp đang hoạt động cũng có thể thấy được mức độ lo ngại ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố. Cụ thể, hoạt động của các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp hiện trung bình mỗi ngày thải ra  môi trường khoảng 32 tấn bụi, 487 tấn SO2 và 27 tấn NO2. Chưa kể, hơn 55% số lượng doanh nghiệp nằm rải rác trên địa bàn các quận, huyện cũng chưa có hệ thống xử lý khí thải hoặc xử lý khí thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Ngoài ra, môi trường không khí thành phố thường xuyên tiếp nhận lượng lớn khí thải phát sinh từ hoạt động giao thông vận tải và xây dựng.

Tăng đầu tư cho cải thiện môi trường

Để cải thiện chất lượng môi trường hiện tại, thành phố đã thực hiện tăng tổng chi phí đầu tư lại cho các hoạt động bảo vệ môi trường. Cụ thể, so với năm 2010, chi phí đầu tư cho các hoạt động môi trường hiện đã tăng gấp 4 lần, đạt mức hơn 21.000 tỷ đồng/năm. Việc đầu tư cho hạ tầng phục vụ hoạt động kiểm soát môi trường đang gấp rút hoàn thiện. Đơn cử như hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hoạt động kiểm soát chất lượng không khí, nước dưới đất, nước mặt vừa mới được thông qua với tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng và dự kiến đi vào vận hành năm 2018. Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, khẳng định, sở cũng đang gấp rút làm việc với các nhà đầu tư nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ hiện đại để từng bước giảm thiểu lượng rác chôn lấp. Riêng hạng mục cải thiện nước thải đô thị, hiện tổng công suất xử lý của các nhà máy nước thải đạt 13% tổng lượng nước thải đô thị ra. Do vậy, trong thời gian tới, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập của thành phố đang nỗ lực để kêu gọi nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này với hình thức xã hội hóa. Về việc cải thiện môi trường kênh rạch, gần đây nhất, lãnh đạo thành phố đã tiến hành thị sát nhiều tuyến kênh rạch và gỡ rối trực tiếp cho hoạt động quản lý chất lượng nguồn nước kênh. Theo đó, trách nhiệm quản lý trực tiếp chất lượng nguồn nước kênh sẽ tính toán lại để giao cho đơn vị quản lý chịu trách nhiệm rõ ràng, tránh tình trạng một con kênh 4 đơn vị cùng quản lý, cải tạo chất lượng nguồn nước. Kết quả là “cha chung không ai khóc” và hệ thống kênh rạch tốn tiền tỷ cải tạo vẫn tái ô nhiễm.

Có thể nói, gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường đã và đang tác động nặng nề đến sức khỏe người dân trực tiếp (hít thở không khí) và gián tiếp (thông qua chuỗi thực phẩm). Do vậy, ngăn chặng và cải thiện chất lượng môi trường sống là vấn đề hết sức cấp bách. Riêng với đặc thù đô thị lớn như TPHCM, PGS-TS Phùng Chí Sỹ cho rằng, thành phố cần phải thay đổi cách thức đầu tư. Theo đó, thay vì dàn trải đầu tư theo kiểu mỗi loại hình ô nhiễm một chút thì nên dồn lực cho từng nội dung cải thiện ô nhiễm cụ thể. Đơn cử, trong vòng năm tới, thành phố chỉ tập trung nguồn lực giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu hạ tầng kiểm soát chất lượng môi trường. Kế đến là tập trung đầu tư hệ thống nhà máy thu gom và xử lý nước thải đô thị. Riêng với chất thải rắn, đây là nguồn tài nguyên quý giá nên nếu thành phố cho phép chủ trương đổi hạ tầng lấy nhà máy thì hoàn toàn có thể không phải tiêu tốn thêm khoản ngân sách khổng lồ chi cho xử lý rác mà kết quả nhận lại là núi rác chôn lấp… Cách đầu tư trên có thể sẽ chậm nhưng hiệu quả cải thiện môi trường chắc chắn sẽ cao hơn nhiều so với cách đầu tư dàn trải như hiện nay. Ngoài ra, với hoạt động đầu vào ô nhiễm như kêu gọi, ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp, sản xuất, kinh doanh cần phải thắt chặt hơn những quy định về bảo vệ môi trường. Với người dân, cần phải xây dựng những quy định có tính chất chế tài hành vi vi phạm môi trường. Có như vậy mới đảm bảo ngăn chặng tình trạng gia tăng ô nhiễm môi trường trong thời gian tới, đồng thời tạo điều kiện để các cơ quan chức năng liên quan xây dựng hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường và cái giá phải trả cho môi trường cũng sẽ được giảm nhẹ.

Nguồn: Ái Vân – SGGP

Tin khác đã đăng