TPHCM triển khai công tác ứng phó áp thấp nhiệt đới gần bờ



Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TPHCM (BCH) đã xuống huyện Cần Giờ kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ do đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM làm trưởng đoàn.

images686866_ap2

Đồng chí Lê Thanh Liêm kiểm tra công tác phòng chống áp thấp nhiệt đới tại huyện Cần Giờ.

Theo UBND huyện Cần Giờ, ngay sau khi nhận được công điện khẩn của BCH, huyện đã triển khai công tác phòng chống, ứng phó với áp thấp nhiệt đới.

Ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ báo cáo: “Qua đợt áp thấp lần trước, UBND huyện đã tổ chức rút kinh nghiệm từ đó rút ra được mọi tình huống để triển khai nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, cũng như tài sản. Các cán bộ trực 24/24 để triển khai nếu áp thấp đến gần bờ. Đài truyền thanh huyện liên tục thông báo tình hình để người dân chủ động phòng chống ứng phó kịp thời. Ngoài ra, có khoảng 2.000 ha diện tích nuôi trồng thủy hải sản (nghêu, sò, hàu..) có nhiều người ở trong chòi, trên bè để canh giữ. Phần lớn những người dân lo sợ mất thủy hải sản nên không vào trong bờ. Hiện nay, cán bộ đang xuống từng nơi để vận động người dân vào bờ để đảm bảo an toàn tính mạng”.

Sau chuyến đi thực địa, Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm chỉ đạo: Diễn biến áp thấp nhiệt đới gió giật cấp 6-7, ngoài khơi cấp 8-9 và đang hết sức phức tạp có khả năng mạnh lên. UBND huyện cần chủ động trong mọi tình huống, có phương án và cơ chế vận hành các cấp để cán bộ biết được nhiệm vụ phải làm.

Đối với người dân còn sinh sống trên chòi, bè và các tàu thuyền phải tìm mọi cách vận động di chuyển vào nơi an toàn. Nếu người dân lo mất tài sản phải có người đảm bảo, canh giữ. Nếu xảy ra tình huống áp thấp mạnh, chuyển biến phức tạp làm hư hỏng tài sản của người dân thì lực lượng địa phương phải có mặt đầu tiên để khắc phục.

Ngoài ra, BCH cũng có công điện khẩn gởi các quận – huyện ven sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè. Đối với khu vực có bờ bao, đê bao ven sông, vùng trũng thấp phải rà soát lại và chủ động thực hiện phương châm “Bốn tại chỗ” là chuẩn bị kinh phí, vật tư, lực lượng. Lực lượng phải trực tiếp túc trực tại những vị trí xung yếu có nguy cơ tràn, bể bờ bao và phải xử lý ngay sau khi phát hiện và không để xảy ra ngập úng kéo dài gây thiệt hại cho người dân. Đối với khu vực có nguy cơ sạt lở cao thì tổ chức lực lượng sẵn sàng phương tiện để chủ động quyết định sơ tán, di chuyển dân đến địa điểm tạm cư kiên cố.


Theo thống kê, trên địa bàn huyện Cần Giờ có 1.019 phương tiện đánh bắt thủy hải sản với tổng số 1.832 thuyền viên, trong đó có 760 phương tiên đánh bắt ven bờ. Có 54 phương tiện đánh bắt xa bờ thì có 18 thuyền đang đậu bờ, còn lại 36 phương tiện đang hoạt động vùng nguy hiểm. Toàn huyện có 732 căn nhà phải chằng chống để đảm bảo an toàn thì có 102 căn nhà đã được chằng chống và gần 6.000 người dân cần phải di chuyển đến nơi an toàn nếu áp thấp chuyển biến phức tạp.

Nguồn: Báo SGGPO

Tin khác đã đăng