Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế gắn với bảo vệ môi trường



Vừa qua, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Lễ phát động cuộc vận động xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam. Đánh dấu mốc son quan trọng trong đời sống của cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam đồng thời để tạo sức lan tỏa sâu, rộng đến toàn xã hội với quyết tâm xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định lấy ngày 10/11 hằng năm là “Ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp; nhằm tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức về văn hóa doanh nghiệp, thúc đẩy việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và trong toàn xã hội. Tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp có thành tích suất xắc trong việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp; góp phần tạo môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế.

van-hoa-dn

Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ phát động cuộc vận động xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam tại hát Lớn Hà Nội

Văn hóa doanh nghiệp là sự tổng hòa của quan niệm giá trị, tiêu chuẩn đạo đức, triết lý kinh doanh, quy phạm hành vi, ý tưởng kinh doanh, phương thức quản lý và quy tắc được toàn thể thành viên trong doanh nghiệp chấp nhận, thực hiện. Văn hóa doanh nghiệp lấy việc phát triển toàn diện con người làm mục tiêu cuối cùng.Cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp là tinh thần doanh nghiệp và quan điểm giá trị của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp là khởi nguồn cho mọi suy nghĩ, khởi nguồn cho mọi hành động, là khát vọng, nền tảng của thành công. Sự kết tinh giá trị văn hóa là tài sản để lại cho các thế hệ sau.

Trong quá trình phát triển, mỗi doanh nghiệp đều nỗ lực xây dựng một hệ thống quan điểm giá trị để lãnh đạo và nhân viên thực hiện, tạo ra sự hài hòa trong nội bộ doanh nghiệp, một không khí văn hóa tích cực để phát huy thế mạnh văn hóa của tập thể, tăng cường nội lực và sức mạnh của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp là một giai đoạn phát triển của tư tưởng quản lý doanh nghiệp hiện đại, thể hiện sự chuyển dịch chiến lược phát triển nhằm tạo nên những sản phẩm chứa hàm lượng văn hóa cao. Bởi thế, có thể coi văn hóa doanh nghiệp là yếu tố tối quan trọng của thực tiễn doanh nghiệp.

Phát triển văn hóa doanh nghiệp gắn liền với văn hóa bảo vệ môi trường, thực hiện đầy đủ các cam kết trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp về nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường và đạo đức kinh doanh. Các hành vi bỏ quên những cam kết về trách nhiệm xã hội, chạy theo lợi nhuận, trực tiếp gây ra những vấn đề nghiêm trọng về môi trường, sức khỏe và tác động tiêu cực đến cuộc sống, sinh kế của người dân, sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín, đến hình ảnh của doanh nghiệp

Văn hóa doanh nghiệp phải coi bản sắc văn hóa dân tộc là cơ sở để phát triển. Bản chất của văn hóa doanh nghiệp là phải tăng cường tiềm lực, quy tụ được sức sáng tạo của lãnh đạo và nhân viên, khích lệ họ sáng tạo ra nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp. Các nhân tố này đều liên quan tới văn hóa dân tộc, liên quan tới quan niệm giá trị, đặc trưng hành vi của dân tộc. Nếu doanh nghiệp xây dựng văn hóa doanh nghiệp trên cơ sở bản sắc văn hóa dân tộc thì họ sẽ thành công, còn nếu chỉ biết bê nguyên mẫu hình văn hóa của doanh nghiệp nước ngoài, không gắn kết với văn hóa dân tộc sẽ thất bại.

Việt Nam là quốc gia có hàng nghìn năm lịch sử văn hiến, qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, dân tộc Việt Nam đã xây dựng hệ quan điểm giá trị, nguyên tắc hành vi và tinh thần cộng đồng mang bản sắc Việt Nam đậm nét. Mỗi dân tộc trên đất nước Việt Nam có một bản sắc văn hóa với những nét đẹp khác nhau, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, đi đôi với việc tiếp thu kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp của các nước phát triển, chúng ta phải nỗ lực xây dựng văn hóa doanh nghiệp tiên tiến, hài hòa với bản sắc văn hóa dân tộc, với văn hóa từng vùng, miền khác nhau thúc đẩy sự sáng tạo của tất cả các thành viên trong các doanh nghiệp.

Đổi mới văn hóa doanh nghiệp và văn hóa kinh doanh là vấn đề tất yếu để hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và hội nhập thế giới. ASEAN là thị trường đặc biệt, có tầm quan trọng. Do đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn thị trường ASEAN về văn hóa kinh doanh quốc tế khu vực ASEAN cũng như các chính sách hỗ trợ mà AEC mang lại để xây dựng chiến lược kinh doanh, tạo dựng văn hóa kinh doanh trong AEC thích hợp, cần tích cực hơn nữa trong việc nghiên cứu và phân tích văn hóa kinh doanh của các nước để tìm ra sự tương thích, phù hợp trong sản xuất tiêu dùng và phân phối sản phẩm. Trong quá trình khai thác và tiếp cận thị trường châu Á và thế giới, các doanh nghiệp nên nghiên cứu và tìm kiếm thị trường ngách hoặc phương thức kinh doanh mới. Đây cũng là cách để doanh nghiệp Việt Nam khai thác cơ hội, tránh sự cạnh tranh trực diện với doanh nghiệp nước ngoài.

Khi gia nhập cộng đồng AEC, các doanh nghiệp Việt Nam cần tạo dựng hình ảnh của doanh nghiệp bằng văn hóa kinh doanh, khẳng định chữ tín trên thị trường trong nước và quốc tế. Các doanh nghiệp trong nước có lợi thế là am hiểu địa lý, lối sống, phong tục, tập quán, văn hóa tiêu dùng Việt Nam. Vì vậy, cần sử dụng lợi thế này để nghiên cứu và phát triển sản phẩm đồng bộ từ bao bì, mẫu mã, chất lượng sản phẩm, phương thức và thời điểm đưa sản phẩm ra thị trường phù hợp. Đây là nền tảng vững chắc để các doanh nghiệp Việt Nam có thể vươn xa tới các thị trường quốc tế, cụ thể là ASEAN, tiếp đến là các thị trường khác trên phạm vi toàn cầu.

Trong thời điểm hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam nên nhận thức kỹ lưỡng về cơ hội, thách thức từ việc hội nhập, tìm hiểu những lợi ích và khó khăn mà hội nhập quốc tế mang lại, chủ động xây dựng và đổi mới văn hóa kinh doanh, theo những chuẩn mực mới của hội nhập quốc tế trong thời đại toàn cầu hóa kinh tế và toàn cầu hóa văn hóa. Cùng với nhận thức sâu sắc, đầy đủ về xu thế phát triển của nền kinh tế châu Á và thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự phân tích chính xác, so sánh lợi thế giữa các quốc gia và nâng cao năng lực nhận thức về sản xuất kinh doanh của chính doanh nghiệp mình để có những điều chỉnh và đầu tư thích hợp. Đó là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam xây dựng văn hoá doanh nghiệp, xây dựng chiến lược kinh doanh và hội nhập quốc tế, thiết thực góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, hướng tới xây dựng Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại có vị thế trên thị trường quốc tế

Nguồn: vacne

Tin khác đã đăng