Ý thức xanh của người Đà Nẵng



“Môi trường là của chung, bởi vậy, nếu không có sự chung tay của cộng đồng sẽ không thể xây dựng một môi trường bền vững. Với Đà Nẵng, ý thức bảo vệ môi trường đã “ngấm” vào mỗi người dân và biến thành hành động” - Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng Lê Quang Nam nói với tôi trong một lần gặp mới đây.


Thanh niên tình nguyện vì môi trường ở Đà Nẵng 

Một “ý thức xanh”

Chiều thứ 7, thấy ông Nguyễn Bốn (69 tuổi, tổ trưởng tổ 12, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) đi qua là các cụ, các bà trong tổ hỏi ngay: “Bác ơi, sáng mai vẫn dọn vệ sinh chứ?”. Ông Bốn nói: “Có chứ” và nở nụ cười mãn nguyện. 25 năm gắn bó với chức tổ trưởng tổ dân phố – “vác tù và hàng tổng”, ông bảo: “Dân mình giờ ý thức lắm. Sự sạch sẽ bắt đầu từ trong nhà, mọi người tự ý thức thu dọn rác để vào thùng, có nắp đậy đàng hoàng. Sáng Chủ nhật nào, bà con cũng ý ới gọi nhau tay chổi, xẻng bắt đầu dọn dẹp nhà mình, rồi đến vỉa hè, cổng ngõ. Cả đoạn phố bỗng chốc tinh tươm, bừng lên trong sớm”.

Những năm gần đây, phong trào ngày Chủ nhật xanh – sạch – đẹp đã dần thành nếp, thành thói quen của người dân Đà thành. Không chỉ làm vệ sinh trong nhà, ngoài ngõ, hàng năm, các đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội, các địa phương thành phố huy động hàng chục đợt ra quân, thu gom hàng ngàn tấn rác, nạo vét hàng ngàn mét kênh, mương, trồng hàng chục ngàn loại cây, chăm sóc các bồn hoa, thảm cỏ…

Các bãi biển, tuyến đường du lịch, công viên, khu vực trung tâm thành phố luôn được giữ gìn sạch sẽ, tươm tất. Sau các đợt mưa bão, hàng chục nghìn cán bộ, công nhân, công viên chức, bộ đội, công an, học sinh, sinh viên cùng tham gia dọn dẹp vệ sinh đường phố. Anh Phan Minh Đức từ TP. Hồ Chí Minh về thăm quê Quảng Nam nhân dịp lễ, ghé qua Đà Nẵng, không khỏi ngạc nhiên khi thấy tinh thần người dân Đà Nẵng chủ động dọn dẹp vệ sinh môi trường. “Người Đà Nẵng đối xử với cây cỏ, với đất đai, bãi biển, đường phố… khác lắm, có tình lắm” – anh Đức nói.

Không chỉ thu gom, thấy nhiều thứ rác thải có thể tái chế, sử dụng lại được, nhiều tổ dân phố nảy ra “sáng kiến” phân loại rác, bán lấy tiền giúp đỡ những gia đình khó khăn. Ông Đoàn Minh Vương, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 35, 36, trưởng nhóm thu gom rác phường Thuận Phước, quận Hải Châu cho biết: “Từ đầu 2012, chúng tôi bắt đầu gom rác phế liệu, nhôm nhựa… bán được hàng chục triệu đồng. Số tiền ấy giúp cho hàng chục hộ nghèo trong tổ có thêm điều kiện mưu sinh, giúp nhiều cháu học sinh yên tâm tới trường rồi đó”.

Gần đây, Đà Nẵng hoàn thành thí điểm thực hiện thu gom rác theo giờ ở một số tuyến đường. Việc bỏ rác đúng giờ, đúng nơi đã dần trở thành thói quen. “Cứ khoảng 15 giờ chiều tôi mang rác ra để đúng nơi quy định, chứ không còn tiện lúc nào bỏ lúc đó như trước nữa, vừa không đẹp mắt vừa mất vệ sinh” – Bà Lê Thị Hay (68 tuổi, nhà ở đường Nguyễn Chí Thanh thuộc tổ 12, phường Hải Châu 1) nói.

Sáng tạo trong cách làm

Có lẽ, chưa ở đâu hình thành nhiều mô hình câu lạc bộ, nhóm, tổ chức thanh niên tình nguyện vì môi trường như ở Đà Nẵng, như CLB Vì biển xanh, CLB Búp sen hồng, CLB Tuổi trẻ Thuận Phước… đã mang lại một luồng gió mới, trở thành nét đẹp trong lối sống hành động của tuổi trẻ. “Hơn 40 thành viên của câu lạc bộ tụi mình đều có chung niềm yêu thích thiên nhiên và muốn làm thật nhiều để bảo vệ môi trường. Mình nghĩ môi trường chính là tương lai của chúng ta. Bởi vậy, chúng ta – những người trẻ phải đi đầu trong hoạt động này” – bạn Nguyễn Thị Ly Ly, Phó chủ nhiệm CLB yêu thiên nhiên và môi trường Đà Nẵng (gọi tắt Green Viet) thổ lộ.

CLB này bắt nguồn từ những ý tưởng xây dựng một CLB gắn liền với việc bảo tồn đa dạng sinh học trên bán đảo Sơn Trà thông qua các hoạt động truyền thông và nghiên cứu của sinh viên, cựu sinh viên và cán bộ trẻ Khoa Sinh – Môi trường (trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng). Hoạt động của những tình nguyện viên trẻ tuổi của CLB có thể là phơi mình dưới cái nắng gay gắt để tuyên truyền cho du khách hưởng ứng chương trình hành động “Vì màu xanh bán đảo Sơn Trà” hay bày bán những quầy hàng nhỏ xinh để quảng bá về sự đa dạng sinh học trên bán đảo Sơn Trà, gây quỹ để tổ chức các hoạt động thiết thực khác. Và với số tiền thu được, các bạn đã phối hợp với các trường tiểu học trên địa bàn Đà Nẵng tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu về thiên nhiên Sơn Trà hay tổ chức hoạt động dọn vệ sinh, thu gom rác trong Khu Bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà…

Vì Biển Xanh cũng là một cái tên khá quen thuộc trong việc bảo vệ môi trường. Hơn 10 năm hoạt động, CLB này đã có khá nhiều hoạt động bổ ích lôi cuốn hàng trăm thanh niên tham gia như: Triển lãm trưng bày bức tranh khủng làm từ 75.000 vỏ chai với thông điệp hưởng ứng “Giờ Trái Đất – tắt điện, bật tương lai”; hay triển lãm trưng bày các vật dụng, sản phẩm lưu niệm làm từ phế phẩm… Từ bỏ những ngày nghỉ lễ cuối tuần, các bạn trẻ đốt chung ngọn lửa đam mê cùng xắn tay áo nhặt từng cộng rác làm sạch các con phố và bãi biển.

Đến Đà Nẵng nhiều lần, người ta sẽ không còn ngạc nhiên khi thấy có những cụ già chuyên đi lượm rác ngoài bãi biển hay những bóng áo xanh cùng thu gom rác thải, vui vẻ đi xóa quảng cáo rao vặt. Và Đà Nẵng đẹp bởi những điều đơn giản như thế…

Tin khác đã đăng