Đà Nẵng: Bảo vệ rừng hiệu quả nhờ phân cấp quản lý



Giai đoạn 2012-2017, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành quyết định phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp cho UBND quận, huyện và UBND xã, phường nhằm xác định trách nhiệm cụ thể của chính quyền địa phương.

Đồng thời, ban hành các quyết định giao rừng, đất lâm nghiệp và diện tích rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp nhà nước chưa giao, chưa cho thuê cho 17 UBND xã, phường nơi có rừng, Ban quản lý và 2 Hạt Kiểm lâm quản lý rừng đặc dụng để trực tiếp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, từng bước tiến đến lập thủ tục giao, cho thuê cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Hiệu quả từ phân cấp trách nhiệm quản lý rừng

Qua thực hiện phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp và giao trách nhiệm quản lý diện tích rừng chưa có chủ, chính quyền địa phương cấp huyện, xã đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo theo thẩm quyền, chủ động triển khai thực hiện các biện pháp chống chặt phá, lấn chiếm rừng, bẫy bắt động vật rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực trồng rừng phát triển kinh tế địa phương.

Công tác quản lý bảo vệ rừng đã đạt được hiệu quả tích cực so với các giai đoạn về trước, diện tích mất rừng do cháy, chặt phá, lấn chiếm đã giảm; diện tích rừng kinh tế được trồng mới cũng tăng đáng kể, đóng góp tích cực vào GDP của thành phố, tạo thêm nhiều việc làm, phát triển kinh tế, thay đổi diện mạo nông thôn vùng rừng.

Đặc biệt là sự vào cuộc với thái độ quyết liệt, trách nhiệm cao của UBND các quận, huyện, phường, xã nơi có rừng trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo phân công, phân cấp của UBND thành phố. Các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân sự địa phương đã đẩy mạnh các hoạt động phối hợp đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật xâm hại tài nguyên rừng. Ngân sách thành phố, quận, huyện đã quan tâm đầu tư hỗ trợ cho các xã, phường nơi có rừng thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng tại cơ sở; thành lập và tổ chức hoạt động lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách một cách có hiệu quả.

Tuy nhiên, qua thực tiễn tại địa phương đã nổi lên vướng mắc lớn là chính sách đối với tổ chức và hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của UBND thành phố giao rừng và đất lâm nghiệp để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, rừng sản xuất và rừng ngoài quy hoạch 03 loại rừng mà Nhà nước chưa giao cho tổ chức, cá nhân như hội nghị đã thảo luận.

Nguyên nhân do hiện nay các Bộ, ngành liên quan chưa kịp thời cụ thể hóa chính sách của Thủ tướng Chính phủ bằng các quy định cụ thể về tổ chức, biên chế, tiền lương, bảo hiểm cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của xã, phường.

Ngoài ra, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như các địa phương gặp lúng túng trong việc thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động do hiện nay Chính phủ chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về tổ chức, biên chế, tiền lương, bảo hiểm, trang bị phương tiện làm việc… cho người lao động là bảo vệ rừng chuyên trách của UBND cấp phường, xã. Các địa phương cũng gặp khó khăn trong việc xác định quyền và trách nhiệm của các bên tham gia đồng quản lý rừng và cơ chế chia sẽ lợi ích từ rừng. Ngoài ra, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thành phố cho UBND cấp xã tổ chức bảo vệ rừng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế tại cơ sở, trong đó có kinh phí để đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người lao động tham gia lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, kinh phí trang bị đồng phục, phương tiện, công cụ hỗ trợ để thi hành công vụ.

Nhằm thực hiện tốt các chính sách về bảo vệ rừng, TP. Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị, lực lượng, sở, ngành phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý và bảo vệ rừng

Phối hợp thực hiện để bảo vệ rừng

Nhằm tiếp tục thực hiện tốt các chính sách về bảo vệ rừng, TP. Đà Nẵng  yêu cầu UBND các quận, huyện có rừng phối hợp với Sờ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và củng cố lực lượng bảo vệ rừng chuvên trách của xã, phường hoạt động ổn định, hiệu quả và chuyên nghiệp. Thành phố đề nghị, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố có kế hoạch hướng dẫn, chỉ đạo lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng công an xã tham gia công tác bảo vệ rừng ở cơ sở. Đồng thời, chỉ đạo, điều hành các lực lượng phối hợp có hiệu quả với lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của địa phương trong công tác bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, giao Sở Tài chính tham mưu UBND thành phố cân đối kế hoạch ngân sách hàng năm đảm bảo cho công tác quản lý bảo vệ rừng; quy định cụ thể mức hỗ trợ, cấp phát, quản lý, chi tiêu, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ cho ngân sách xã để thực hiện bảo vệ rừng tại cơ sở theo đúng quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định quy hoạch ổn định sử dụng đất lâm nghiệp trên bản đồ và ngoài thực địa theo phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia; rà soát thủ tục pháp lý công nhận quyền sử dụng rừng và đất lâm nghiệp của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nhằm tạo điều kiện cho các chủ rừng có đủ cơ sở pháp lý để phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững.

Ngoài ra, UBND TP. Đà Nẵng cũng yêu cầu các chủ rừng là doanh nghiệp cần tiếp tục củng cố xây dựng lực lượng bảo vệ rừng  chuyên trách có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ rừng. Đảm bảo các chế độ về tiền lương, BHXH, BHYT và các chế độ khác cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của doanh nghiệp.

Nguồn: TN&MT

Tin khác đã đăng