Đà Nẵng: Chế tạo thành công trạm quan trắc môi trường nước tự động



Ngày 06/01, tại dự án Golden Hills (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng), đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố Đà Nẵng, bà Phan Thị Hiền – Phó Chi cục trưởng đã tiếp nhận hệ thống quan trắc môi trường nước tự động do Công ty Cổ phần Trung Nam tài trợ với tổng vốn đầu tư 10 tỷ đồng.

Đại diện Công ty Cổ phần Trung Nam, ông Nguyễn Anh Huy- Phó Tổng giám đốc phát biểu tại buổi lễ

Xuất phát từ ý tưởng xây dựng “thành phố môi trường” của Thành ủy Đà Nẵng, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố Môi trường” đến năm 2020. Đà Nẵng là địa phương điển hình trong cả mước có định hướng xây dựng thương hiệu môi trường. Đề án đã đặt là 23 tiêu chí bao gồm tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, môi trường không khí, môi trường nước, quản lý chất thải rắn, cây xanh.

Với ý tưởng hay, hướng đi đúng, được Đẳng bộ, Chính quyền và nhân dân đồng thuận cao, Đề án nhánh chóng tạo sức lan tỏa, chỉ mới qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án, đến nay đã đạt được những kết quả nhất định.

Là một doanh nghiệp lớn, hoạt động lâu năm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Trung Nam mong muốn được chung tay góp sức để giải quyết bài toán về môi trường. Với sự tài trợ để chế tạo 08 trạm quan trắc môi trường nước của Công ty Cổ phần Trung Nam, đơn vị thực hiện nghiên cứu, chế tạo, sản xuất sản phẩm là Trung tâm Vi Mạnh Đà Nẵng (CENTIC) đã sản xuất thành công hệ thống quan trắc môi trường nước tự động.

Ông Nguyễn Hoài Đức- Phó giám đốc Trung tâm Vi mạch Đà Nẵng giới thiệu về tính năng hoạt động của trạm quan trắc môi trường nước tự động do các kỹ sư lập trình của Trung tâm Vi mạch Đà Nẵng chế tạo thành

Sau khi sản xuất hệ thống quan trắc môi trường nước thành công, Trung Nam sẽ tặng toàn bộ sản phẩm cho thành phố Đà Nẵng để giải quyết bài toán bảo vệ môi trường sống trong lành của hơn 01 triệu người dân thành phố. Đây có thể nói hệ thống đầu tiên của cả nước do các kỹ sư lập trình của Trung tâm Vi mạch Đà Nẵng chế tạo. Hệ thống quan trắc này được thiết kế hoạt động hoàn toàn dựa vào nguồn năng lượng mặt trời, hoạt động hoàn toàn tự động và cung cấp nhanh chóng các thông số, các chỉ tiêu đánh giá mức độ ô nhiễm của nguồn nước và truyền số liệu về trung tâm thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng.

Để thực hiện chương trình này, Công ty CP Trung Nam phối hợp hỗ trợ Trung tâm Vi mạch Đà Nẵng thực hiện chế tạo thành công giai đoạn 1 là 04 trạm quan trắc đầu tiên (trong tổng số 08 trạm) và sẽ lắp đặt tại 08 vị trí thuộc các hồ: Hồ Công viên 29/3, Hồ Xuân Hà A, Hồ Phước Lý, Hồ Bàu Tràm, Hồ Đò Xu, Hồ Khu E2 mở rộng, Hồ Nguyễn Phước Tần, Sông Phú Lộc nhằm giám sát chất lượng nước và cảnh báo ô nhiễm ở sông, hồ tự nhiên; đánh giá chất lượng nước thải công nghiệp, giám sát hoạt động xả thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp,… bảo vệ môi trường nước, phòng ngừa các sự cố ô nhiễm.

Các trạm quan trắc này không chỉ có ý nghĩa về mặt bảo vệ môi trường, mà còn mang ý nghĩa về mặt khoa học công nghệ to lớn, vì đây là những sản phẩm “made in Da Nang” do chính đội ngũ khoa học kỹ thuật của thành phố Đà Nẵng, trực tiếp là Trung tâm Vi mạch Đà Nẵng nghiên cứu chế tạo thành.

Đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố Đà Nẵng, bà Phan Thị Hiền – Phó Chi cục trưởng đã tiếp nhận hệ thống quan trắc môi trường nước tự động do Công ty Cổ phần Trung Nam tài trợ với tổng vốn đầu tư 10 tỷ đồng

Cụ thể, ngoại trừ các cảm biến có độ chính xác cao do tập đoàn HACH (Hoa Kỳ) cung cấp (tập đoàn hàng đầu thế giới về thiết bị cảm biến môi trường nước), toàn bộ các bộ phận cơ khí, điện tử và CNTT còn lại đều được thiết kế và sản xuất trong nước. Nhờ vậy, thành phố Đà Nẵng có thể yên tâm khi có sẵn nguồn lực kỹ sư vận hành tại chỗ để duy trì, hỗ trợ kỹ thuật lâu dài, bảo đảm cho các trạm quan trắc có thể hoạt động bền bỉ ổn định trong nhiều năm.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Bùi Xuân Định- Tổng giám đốc  Công ty CP Trung Nam (Thành viên Trungnam Group) cho biết: Trung Nam là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây với các dự án lớn trên cả nước, trong suốt 15 năm qua chúng tôi đã thực hiện công tác thiện nguyện hơn 90 tỷ đồng cho các hoạt động này. Tuy nhiên, việc tài trợ chương trình hệ thống quan trắc môi trường nước là một hoạt động mới của doanh nghiệp và chúng tôi thấy đây là những dự án phát triển bền vững cần được nhân rộng. Tôi thật sự đánh giá cao những nỗ lực mà đội ngũ kỹ sư của CENTIC bởi họ đã tạo ra sản phẩm chất xám cao mang thương hiệu “Made in Danang”.

“Những ưu việt của Sản phẩm như độ chính xác cao, giá thành giảm nhiều hơn so với hàng ngoại nhập và quan trọng là họ có thể làm chủ được công nghệ mà không phải phụ thuộc vào các đội ngũ kỹ thuật nước ngoài. Tôi tin rằng với 04 sản phẩm đầu tiên được hoàn thành và thử nghiệm thành công thì đây là một bước tiến mới cho lĩnh vực bảo vệ môi trường của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng”- ông Định phân tích thêm.

Kỹ sư trưởng Trung tâm Vi mạch Đà Nẵng trình bày về tính năng hoạt động của trạm quan trắc môi trường nước tự động

Tại Đà Nẵng, Trungnam Group đã và đang tiếp tục triển khai nhiều dự án lớn góp phần phát triển hạ tầng và kinh tế thành phố như Cầu Vượt Ngã Ba Huế, Khu đô thị sinh thái Golden Hills, đường Nguyễn Tất Thành nối dài, trường THCS Đàm Quang Trung và đặc biệt là đẩy mạnh đầu tư vào khu Công nghệ thông tin tập trung Danang IT Park.

Việc tài trợ đầu tư vào hệ thống quan trắc môi trường nước chính là cam kết lâu dài của Trungnam Group nói chung trong việc tiếp tục đồng hành cùng thành phố Đà Nẵng mở rộng hoạt động đầu tư để đóng góp cho sự phát triển của thành phố Đà Nẵng. Với vai trò là doanh nghiệp lớn hoạt động tại địa phương, Trungnam Group cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng thành phố không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh mà còn đóng góp vào các hoạt động xã hội, cải thiện chất lượng sống của thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

Nguồn:TN&MT

Tin khác đã đăng