Điện Biên: Hoàn thành và đưa vào sử dụng 467 công trình thủy lợi
Tỉnh Điện Biên có hệ thống sông suối dày, lượng mưa trung bình hàng năm cao; ven sông, suối có những bãi đất tương đối bằng phẳng, sườn đồi có độ dốc không lớn có thể khai hoang làm ruộng nước, cho nên có điều kiện để phát triển thủy lợi nhỏ và khai hoang phát triển lúa nước.
Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh Điện Biên đã huy động 2.817,670 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương, ngân sách địa phương và nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng, sửa chữa 497 công trình thủy lợi; hoàn thành và khai thác, sử dụng 467 công trình, với tổng số vốn đã thanh toán là 2.327,129 tỷ đồng. Nâng tổng số công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Điện Biên lên 866 công trình (tính đến tháng 10 năm 2016), bao gồm 13 hồ chứa, 02 trạm bơm điện, 02 trạm bơm thủy luân và 849 công trình lấy nước bằng đập dâng.
Hầu hết các dự án, công trình thủy lợi, sau khi được đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả đầu tư của nguồn vốn, đáp ứng được yêu cầu cung cấp nước tưới, phục vụ sản suất nông nghiệp, chăn nuôi; tăng diện tích tưới từ 23.011,9ha năm 2011 lên 28.034,2 ha năm 2015.
Thực hiện tưới cho diện tích mới khai hoang, tăng thêm vụ và tưới ổn định hơn cho diện tích hiện có. Tạo điều kiện phát triển cây trồng, nâng hiệu suất sử dụng đất, giúp nhân dân các dân tộc trên địa bàn định canh, định cư, góp phần tăng sản lượng lương thực (lúa, ngô) tỉnh Điện Biên từ 226.097 tấn năm 2011 lên 250,375 tấn năm 2015. Ngoài ra, hệ thống thuỷ lợi còn cung cấp nước sinh hoạt cho đồng bào các dân tộc, góp phần tăng tỷ lệ dân cư nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh.
Nhờ được đầu tư các công trình thủy lợi nên nhiều diện tích đất nương rẫy, đất bỏ hoang được khai hoang chuyển thành ruộng nước; chuyển diện tích ruộng sản xuất 1 vụ thành 2 vụ, hạn chế tình trạng phá rừng làm nương rẫy, từng bước thay đổi tập quán canh tác của nhân dân trong vùng hưởng lợi, hạn chế đáng kể tình trạng du canh du cư, giảm dần tỷ lệ đói nghèo theo từng năm. Năm 2015, tỷ lệ đói nghèo giảm xuống còn 28,01% (giảm 17,18% so với năm 2011), góp phần giữ vững quốc phòng – an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Nguồn: TN&MT
Tin khác đã đăng
- Mặt kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè thông thoáng trở lại sau nhiều ngày nỗ lực vớt rác 25/05/2024
- Nỗ lực vớt lượng rác “ngộp thở” trên kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè 15/04/2024
- Nguy cơ ô nhiễm trở lại tài dòng kênh đẹp nhất TP.HCM 05/04/2024
- Hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác tại nguồn 25/12/2023
- Những điểm mới trong cách tính phí bảo vệ môi trường đối với nước thải 24/12/2023