TP HCM chi tiếp 11.000 tỷ cho dự án vệ sinh môi trường



Dự án này sẽ xử lý nguồn nước thải sinh hoạt trong lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và quận 2 trước khi thải ra môi trường, cải thiện chỉnh trang đô thị TP HCM.

UBND TP HCM vừa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng vệ sinh môi trường thành phố giai đoạn hai với tổng số vốn hơn 11.000 tỷ đồng (524 triệu USD). Trong đó có 450 triệu USD là vốn vay ODA từ Ngân hàng thế giới (WB), còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách của thành phố. Mục tiêu nhằm xử lý nguồn nước thải sinh hoạt trong lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè và quận 2 trước khi thải ra môi trường.

nhieu-loc-thi-nghe

Dự án vệ sinh môi trường giai đoạn 1, (lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè) – công trình dân sinh nổi bật của TP HCM – được khánh thành vào tháng 8/2012. Ảnh: Hữu Công.

Về lâu dài, dự án được cho là sẽ cải thiện, nâng cao sức khỏe đời sống của người dân thành phố; khôi phục và bảo tồn hệ sinh thái sông Sài Gòn và lưu vực hạ lưu sông Đồng Nai; cải tạo, chỉnh trang đô thị, thúc đẩy phát triển du lịch, sản xuất, kinh tế cho thành phố.

Theo quyết định của UBND thành phố, dự án gồm nhiều hợp phần như tuyến cống bao dẫn nước thải từ giếng Bờ Đông đến nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè tại quận 2 (8 km); nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè công suất 480.000 m3/ngày; mạng lưới cống thoát nước cấp 2, cấp 3 và hệ thống đấu nối hộ gia đình tại quận 2 (lưu vực Thảo Điền, Lưu vực Nam Thảo Điền, Lưu vực Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây); Tư vấn Giám sát thi công và nâng cao công tác quản lý vệ sinh môi trường và triển khai dự án.

Nhà máy xử lý nước thải sẽ được xây dựng tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 với diện tích gần 39 ha. Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2015 đến năm 2020.

Trước đó, dự án vệ sinh môi trường nước TP HCM giai đoạn 1 (lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè) với tổng số vốn đầu tư hơn 300 triệu USD cũng từ nguồn vốn của WB đã hoàn thành vào tháng 8/2012. Hơn 7.000 hộ dân với gần 50.000 người đã chấp nhận di dời, giải tỏa và tái định cư phục vụ cho dự án.

Công trình giai đoạn một đã thi công được hơn 9 km tuyến cống bao có đường kính từ 2,5 đến 3 m cùng với 36 giếng chính và 59 thiết bị tách dòng để thu nước dọc kênh, một trạm bơm có lược rác với công suất 64.000 m3/h. Công trình cũng đã lắp đặt gần 16 km bờ kè đứng bằng cừ bản bêtông dự ứng lực và nạo vét gần 1,1 triệu m3 đất, gia cố 16 cây cầu dọc tuyến kênh…

Nguồn: Hữu Công – VnExpress

Tin khác đã đăng