Bão, áp thấp nhiệt đới năm nay kéo dài tới tháng 1 và 2-2017



Từ chiều 5-11, áp thấp nhiệt đới đã gây mưa lớn ở các tỉnh Nam Trung bộ, khiến lũ trên các sông dâng cao, nhiều khu vực bị chia cắt. Theo dự báo, bão và áp thấp nhiệt đới trong năm nay sẽ còn ảnh hưởng kéo dài đến thời tiết nước ta sang đầu năm 2017.

Áp thấp nhiệt đới vào Đông Nam bộ, suy yếu thành áp thấp

Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn Trung ương cho biết, chiều 5-11, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở Nam biển Đông đã đi vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực các tỉnh từ Bình Thuận đến Bà Rịa – Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống còn dưới cấp 6. Trước đó, ATNĐ đã gây gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8 trên vùng biển Ninh Thuận đến Bà Rịa – Vũng Tàu. Mặc dù ATNĐ đã suy yếu nhưng dự báo do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, Lâm Đồng và khu vực Nam bộ những ngày tới vẫn có mưa vừa, mưa to (lượng mưa phổ biến khoảng 20-50mm, có nơi trên 70mm), trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

bao-lu

Bão, lũ ảnh hưởng nhiều đến đời sống đồng bào miền Trung trong thời gian qua

Trong khi đó, theo bản cập nhật dự báo tình hình thời tiết cả nước trong tháng 11-2016 và các tháng đầu mùa đông năm 2016-2017 của Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn Trung ương, trong tháng 11, hình thế thời tiết ảnh hưởng đến nước ta chủ yếu là hoạt động của không khí lạnh tăng cường xuống phía Nam, với khoảng 4-6 đợt không khí lạnh gây ảnh hưởng tới thời tiết tại Bắc bộ và Bắc Trung bộ (trong đó có 2-3 đợt từ trung bình đến mạnh). Do không khí lạnh nén từ trung tâm lục địa châu Á tràn xuống nên sẽ đẩy rãnh thấp có trục ở khoảng 6-9 độ vĩ Bắc về phía Nam. Các rãnh thấp là điều kiện để hình thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoặc phát triển lên thành bão. Dự báo trong tháng 11 có khoảng 1-2 cơn bão hoặc ATNĐ trên biển Đông, vị trí hoạt động nghiêng về khu vực phía Nam. Hiện Nam bộ đã bắt đầu chịu ảnh hưởng của trường gió Đông Bắc có cường độ trung bình đến mạnh do chịu tác động gián tiếp của lưỡi áp cao lạnh (không khí lạnh) tăng cường.

Còn theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng – Thủy văn Quốc gia, hiện tại thời tiết cả nước đã bắt đầu bước vào chu kỳ ENSO (chuyển tiếp giữa El Nino và La Nina). Tổng hợp các mô hình dự báo mới nhất cho thấy, nhiều khả năng La Nina sẽ xuất hiện từ tháng 11-2016, nhưng cường độ yếu và không kéo dài. Hệ quả của quá trình chuyển pha ENSO đối với chế độ thời tiết, khí hậu nước ta trong những tháng cuối năm 2016, đầu năm 2017 là khả năng mùa bão sẽ kết thúc muộn, gió mùa Đông Bắc hoạt động sớm, mưa lũ tiếp tục xuất hiện với tần suất cao hơn năm 2015 trên khu vực miền Trung và Nam bộ trong những tháng cuối năm 2016.

Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng – Thủy văn Quốc gia cũng cho biết thêm, trong 2 tháng 11 và 12-2016, bão và ATNĐ vẫn còn có khả năng xuất hiện trên biển Đông (tổng khoảng 4 cơn bão và có 2 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta). Ngoài ra, bão và ATNĐ nhiều khả năng còn hoạt động trên khu vực phía Nam biển Đông trong tháng 1 và tháng 2-2017.

Mưa lũ diễn biến phức tạp

Tại địa bàn huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế, mưa lũ đã cuốn trôi cầu tràn ở xã Hồng Kim bắc qua sông Tà Rình và 2 cầu Khe Chai, A Sáp bắc qua sông A Sáp. Người dân và chính quyền địa phương phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh dùng gỗ, đóng giúp dân 3 chiếc cầu tạm để đi qua các đoạn cầu này; giúp 9 hộ dân ở các xã Hồng Vân, Hồng Trung, Hồng Thủy dựng lại nhà cửa bị sập và tốc mái trong mưa lũ; đến thăm hỏi, động viên và trao quà cứu trợ các gia đình vùng rốn lũ, góp phần gắn kết tình quân dân.

Chiều 5-11, do ảnh hưởng của ATNĐ, lũ trên sông Kỳ Lộ, hạ lưu sông Ba (Phú Yên), các sông ở tỉnh Khánh Hòa, sông Sê-rê-pok ở tỉnh Đắk Lắk vẫn đang lên và sẽ còn tiếp tục lên; riêng các sông ở khu vực từ Bình Định đến Ninh Thuận đang xuống, nhưng sẽ lên lại do mưa tái diễn. Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn Trung ương cảnh báo: “Đặc biệt đề phòng mưa lũ ảnh hưởng an toàn hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai và lưu vực sông Sê-rê-pok”.

Chiều cùng ngày, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trần Quang Hoài dẫn đầu đã làm việc với tỉnh Khánh Hòa về tình hình mưa lũ trong những ngày vừa qua.

Tại buổi làm việc, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa cho biết, từ ngày 2 đến 5-11, trên địa bàn tỉnh đã có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa từ 250 – 300mm, riêng huyện miền núi Khánh Vĩnh lượng mưa đạt 730mm. Lũ trên các sông đạt đỉnh, trong đó đỉnh lũ trên sông Cái tại Nha Trang đạt hơn 11m, trên báo động 3 là 0,06m, mực nước trên sông Dinh tại Ninh Hòa đạt 4,94m, trên báo động 2 là 0,14m.

Mưa lũ trên địa bàn tỉnh đã khiến 246 ngôi nhà bị ngập, 35 ngôi nhà bị sập và tốc mái; trên 1.700ha lúa bị ngập, 147ha hoa màu bị hư hỏng, 770 gia cầm bị chết; 7 tàu cá bị nạn; 2km kênh mương, 4,1km đê, kè sông, 3 cầu và tràn bị hư hỏng; khối lượng đất, đá sạt lở trên 30.000m³, chủ yếu tại 4 vị trí trên tuyến đường từ đèo Khánh Lê, huyện Khánh Vĩnh đi tỉnh Lâm Đồng. Những ngày qua, tỉnh đã thực hiện sơ tán 53 hộ với 219 khẩu ở vùng thấp trũng đến nơi an toàn… Ước tính, tổng thiệt hại do mưa lũ ở Khánh Hòa là 124 tỷ đồng. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị Trung ương hỗ trợ cho tỉnh 100 tỷ đồng để khắc phục mưa lũ.

Trước tình hình áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào các tỉnh Đông Nam bộ, trong đó có tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã kêu gọi 3.410 phương tiện đánh bắt với 17.528 ngư dân vào bờ an toàn; cùng với đó là 2.699 phương tiện với 20.708 lao động trên biển đã thoát khỏi vùng nguy hiểm, chủ động tìm nơi tránh trú an toàn.

Trong ngày 5-11, địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có mưa trên diện rộng, một số tuyến giao thông trong TP Vũng Tàu bị ngập cục bộ.

hoc-sinh-xa-bien-gioi

Học sinh xã Biên Giới, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh tạm nghỉ học vì lũ lụt. Ảnh: ĐẠI DƯƠNG

Tại ấp Rạch Tre, Tân Định (xã Biên Giới) và một phần xã Phước Vinh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, mưa lũ đã cô lập hàng trăm hộ dân trong hơn nửa tháng qua.

Con đường độc đạo vào ấp Rạch Tre đã bị chìm sâu dưới biển nước. Muốn vào thăm hơn 100 hộ dân ở đây, phải đi bằng xuồng, ghe, vỏ lãi hoặc phà vì nước ngập sâu hơn 2m. Vì thế, trẻ em ở đây phải nghỉ học, người lớn thì thất nghiệp, cuộc sống người dân vốn đã khó càng thêm khó khăn.

Ở ấp Phước Lập (xã Phước Vinh), cả tuần nay, nước dâng lên ngập hết đường sá, trường học nên học sinh phải tạm nghỉ học. Hương lộ 12 – con đường chính nối liền ấp Rạch Tre với xã Biên Giới cũng chỉ còn một vài đoạn nổi trên mặt trước. Dọc hai bên hương lộ 12, khung cảnh tiêu điều với nhiều căn nhà tường, nhà vách ván, vách lá đóng cửa bỏ nằm chơ vơ giữa bốn bề sóng nước.

Ấp Tân Định cũng bị nước lũ cô lập. Hương lộ 8 – con đường độc đạo vào ấp Tân Định cũng bị chìm nghỉm dưới nước. Từ ấp Tân Định, muốn đến UBND xã, chợ xã hoặc Trường THCS Biên giới, người dân và học sinh trong ấp phải đi qua chốt Cây Da sang nước bạn Campuchia, rồi đi trên lãnh thổ nước bạn khoảng 2km, đến cửa khẩu Vàm Trảng Trâu trở về Việt Nam.

Ông Đặng Thanh Hải, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, hiện nay, mực nước ở các ấp này có dấu hiệu hạ xuống, nhưng lũ từ phía Campuchia vẫn cuồn cuộn chảy về. Theo dự báo trong những ngày tới các tỉnh Nam bộ bị ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, tình hình lũ lụt còn diễn biến phức tạp.

Ngày 5-11, Bộ Công thương đã có báo cáo kết quả kiểm tra tình hình vận hành các đập thủy điện tại Gia Lai và Phú Yên, nơi vừa tiến hành xả lũ với lưu lượng lập kỷ lục trong vòng 7 năm trên sông Ba Hạ là 10.400m³/giây. Tại Nhà máy thủy điện An Khê (Gia Lai), đoàn công tác đã xác định việc xả lũ là “đúng quy trình”, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc cường độ mạnh kết hợp lưỡi áp cao lạnh lục địa tăng cường và lấn sâu xuống phía Nam nên có mưa vừa đến mưa to, lưu lượng nước về hồ An Khê – Ka Nắk tăng đột biến, làm dung tích hồ tăng nhanh, mực nước dâng cao. Tuy nhiên, đơn vị quản lý công trình chỉ gửi văn bản và gọi điện cho Văn phòng thường trực Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) của tỉnh mà chưa thông báo cho Trưởng ban PCTT và TKCN tỉnh (tức Chủ tịnh UBND tỉnh Gia Lai) theo quy định.

Liên quan đến Nhà máy thủy điện sông Ba Hạ (Phú Yên) xả lũ lưu lượng cao nhất lên tới 10.400m³/giây, lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên đánh giá, công tác phối hợp điều hành xả lũ của các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Ba Hạ đáp ứng các diễn biến của thời tiết, để Trưởng ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Phú Yên ban hành các lệnh điều hành xả lũ; qua đó đảm bảo an toàn công trình và hạ du đập, trong đó có công tác tham mưu kịp thời của Công ty cổ phần Thủy điện sông Ba Hạ.

Nguồn: SGGP

Tin khác đã đăng