Báo động về ô nhiễm bụi ở Việt Nam



Nghiên cứu mới nhất về Chỉ số hiệu suất môi trường của Đại học Yale (Mỹ) cho thấy, Việt Nam là một trong mười quốc gia ô nhiễm không khí nhất thế giới. Theo các nhà khoa học, với tiêu chí đánh giá của Đại học Yale (Mỹ), có thể hiểu Việt Nam nằm trong top 11 quốc gia ô nhiễm bụi nhất thế giới.

o-nhiem-bui
Ô nhiễm bụi ở Hà Nội. Ảnh: Như Ý.
Top 11 quốc gia ô nhiễm bụi nhất thế giới?

Nghiên cứu về Chỉ số hiệu suất môi trường của Đại học Yale (EPI) nhằm đánh giá và xếp hạng các quốc gia về các vấn đề môi trường thuộc hàng ưu tiên trong hai lĩnh vực là bảo vệ sức khỏe con người và bảo vệ hệ sinh thái. Năm vấn đề chính được đánh giá, xếp hạng gồm nước và điều kiện vệ sinh, chất lượng không khí, ảnh hưởng tới sức khỏe, nông nghiệp, đa dạng sinh học và môi trường sống. Nghiên cứu được thực hiện 2 năm một lần với dữ liệu lấy từ các cơ quan chính phủ và các cơ quan nghiên cứu khác.

Theo nghiên cứu mới nhất công bố đầu năm 2016, tính tổng quát năm vấn đề được đánh giá, Việt Nam xếp hạng thứ 131 trên thế giới, thấp hơn Trung Quốc ở vị trí số 109, Syria xếp thứ 101, Mỹ xếp thứ 26, đứng đầu bảng xếp hạng là quốc gia Bắc Âu- Phần Lan. Trong đó, với xử lý nước thải, Việt Nam đạt số điểm 19,8/100, xếp hạng 124/139 quốc gia. Về mật độ che phủ rừng, Việt Nam đạt điểm 23,97/100, xếp hạng 100/116 quốc gia. Khí hậu và Năng lượng, Việt Nam đứng gần đáy 105/113 quốc gia.

Về chỉ số ảnh hưởng tới sức khỏe, Việt Nam đạt điểm 69,61/100 và đứng thứ 93. Số điểm này được đo bởi chỉ số Mức độ Rủi ro do tiếp xúc với Môi trường (ERE), dùng để đánh giá các mối nguy hiểm đối với sức khỏe con người gây ra bởi 5 yếu tố môi trường gồm nguồn nước, vệ sinh, ô nhiễm chất dạng hạt, ô nhiễm không khí trong gia đình và ô nhiễm ozon. Điều này cho thấy, Việt Nam phải đối mặt với nhiều rủi ro sức khỏe từ môi trường.

Đáng chú ý nhất trong số 5 vấn đề được đánh giá, xếp hạng thì chất lượng không khí ở Việt Nam đứng thứ 170/180 quốc gia được đánh giá, xếp hạng với điểm số đạt 54,76/100. Trước đó, nghiên cứu của Forbes Việt Nam cũng cho thấy, chất lượng không khí ở Việt Nam rất thấp khi gam màu đỏ đậm, đỏ, vàng bao trùm khắp cả nước. Trong đó miền Bắc ô nhiễm nặng hơn miền Nam.

Liệu không khí Việt Nam có thuộc nhóm ô nhiễm nhất thế giới? Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, tại Mỹ họ đánh giá ô nhiễm không khí dựa trên thành phần không khí ô nhiễm nhất. Cụ thể, trong 56 thành phần ô nhiễm không khí cơ bản, thành phần nào ô nhiễm nhất thì lấy đó làm đại diện cho chất lượng không khí ở quốc gia đó.

Một số nước châu Âu, Mỹ La tinh thì tính trung bình nồng độ các chất ô nhiễm cơ bản làm con số đại diện cho chất lượng không khí. Ở Việt Nam, trong các thành phần ô nhiễm không khí cơ bản thì ô nhiễm bụi rất nặng, gấp 3-5 lần quy chuẩn Việt Nam và cao hơn nữa so với quy chuẩn thế giới. Theo cách xếp hạng của Mỹ, người ta lấy chỉ số ô nhiễm bụi để xếp hạng chất lượng không khí ở Việt Nam. Vì vậy, với các xếp hạng của EPI, có thể hiểu Việt Nam nằm trong top 11 quốc gia ô nhiễm bụi nhất thế giới.

Ô nhiễm không khí ngày một tăng

Ở Việt Nam, hệ thống quan trắc môi trường không khí cực kỳ ít ỏi. Tuy vậy, với những số liệu ít ỏi có được, bức tranh ô nhiễm không khí ở Việt Nam cũng không sáng sủa. Theo Báo cáo Môi trường Quốc gia về môi trường không khí (phát hành năm 2014, mỗi báo cáo có giá trị trong 5 năm-PV) thì không khí ở các đô thị lớn có dấu hiệu ô nhiễm bụi, đặc biệt là ô nhiễm bụi mịn PM2,5 và ô nhiễm ozon tăng mạnh. Mới đây, công bố từ các chuyên gia Chính phủ Đức qua khảo sát tình trạng ô nhiễm môi trường tại TPHCM cho thấy, bụi mịn PM2,5 tăng cao, nhiều hơn gấp 23 lần so với các thành phố tại Đức.

Theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Hà Nội, TPHCM cũng như nhiều thành phố ở châu Á ngày càng bị ô nhiễm không khí. Đáng báo động nhất là ô nhiễm bụi và ozon. Điều này thể hiện qua số ngày chất lượng không khí ở mức kém, xấu với nồng độ bụi vượt quy chuẩn cho phép ngày càng tăng lên. “Việc này chúng tôi cũng đã báo động nhiều lần, đã đưa vào Báo cáo môi trường quốc gia cũng như báo cáo lên Chính phủ, Quốc hội”, ông Tùng nói.

Ông Tùng cho biết, có bốn nguyên nhân chính gây ô nhiễm bụi là sự gia tăng các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, đốt rơm rạ và hoạt động của các nhà máy nhiệt điện. Dù các nhà máy này cách xa Hà Nội song bụi mịn PM2,5 có khả năng phát tán rất xa. Trong 4 nguyên nhân này thì giao thông đang là thủ phạm chính. Thêm nữa các tòa nhà, công trường xây dựng mọc ngay trung tâm thành phố càng làm cho không khí ô nhiễm hơn.

Theo ông Tùng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trình Chính phủ dự thảo Kế hoạch Hành động Quốc gia Kiểm soát ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, kế hoạch này có thực hiện được hay không dựa vào sự quyết tâm của nhiều bộ, ngành, địa phương liên quan.

Nguồn: Tiền Phong

Tin khác đã đăng