Cá mới chết hoặc lờ đờ trong kinh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, ăn được hay không?
Sáng ngày 17 tháng 5 năm 2016, hàng vạn con cá hoặc đang nổi lên dày đặc để hớp không khí hoặc đã chết trôi lềnh bềnh trên mặt nước của kinh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Cá trong kinh bắt đầu nổi lên hớp không khí và chết từ ngày hôm trước. Hiện tượng nầy đã xảy ra nhiều lần trước đây, chỉ khác là lần nầy, số cá chết lên gần 70 tấn.
Các cơ quan chuyên môn của thành phố đã công bố nguyên nhân cá chết nhưng có vẻ không đầy đủ và thiếu trung thực vì dự án thoát nước Nhiêu Lộc-Thị Nghè chỉ có khả năng thanh lọc một phần nước thải trong mùa khô. Trong mùa mưa, nước thải trong hệ thống cống được pha loãng bằng nước mưa rồi xả thẳng ra sông Sài Gòn.
Dữ kiện thu thập được ở kinh Nhiêu Lộc-Thị Nghè và ảnh hưởng của ammonia đối với cá cho phép kết luận rằng cá trong kinh Nhiêu Lộc-Thị Nghè chết hàng loạt vì ammonia trong nước thải chưa được thanh lọc, tích tụ trong hệ thống cống ngầm, bị nước mưa tống thẳng ra kinh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Hiện tượng cá chết hàng loạt sau những trận mưa đầu mùa sẽ còn tiếp diễn trong tương lai cho đến khi nào nước thải được thanh lọc trước khi xả ra kinh.
Vì ammonia không có ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe con người ngoại trừ việc tiếp xúc với ammonia đậm đặc; cho nên, cá mới chết (nhưng chưa ươn) hay lờ đờ vì ammonia thì vẫn có thể ăn được mà không có ảnh hưởng đến sức khỏe, nếu được nấu nướng kỹ lưỡng. Điều nầy cũng áp dụng cho cá chết dọc duyên hải miền Trung trước đây, vì chúng cũng chết do nồng độ ammonia rất cao trong nước thải của Formosa-Vũng Áng chứ không phải do kim loại nặng hay độc tố nào khác.
Theo tin tức đăng trên báo chí trong nước [1-2], sáng ngày 17 tháng 5 năm 2016, hàng vạn con cá hoặc đang nổi lên dày đặc để hớp không khí hoặc đã chết trôi lềnh bềnh trên mặt nước của kinh (kênh) Nhiêu Lộc-Thị Nghè, kéo dài từ Quận 1 cho đến Quận 3 ở Sài Gòn. Dân chúng trong vùng cho biết, cá trong kinh bắt đầu nổi lên hớp không khí và chết từ ngày hôm trước. Ngay sau đó, ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP HCM đã yêu cầu Ủy ban Nhân dân chỉ đạo các cơ quan liên hệ để kiểm tra và xác định nguyên nhân cá chết và giải quyết nhanh chóng số cá chết để tránh ô nhiễm môi trường của kinh Nhiêu Lộc-Thị Nghè [3].
Việc cá trong kinh Nhiêu Lộc-Thị Nghè nổi lên để hớp không khí hoặc chết trôi lềnh bềnh trên mặt nước không phải là một hiện tượng lạ vì nó đã từng xảy ra nhiều lần trước đây [4-8]. Anh Bùi Xuân Trường – ngụ tại đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, cho biết: “Cứ sau mỗi lần có mưa lớn là cá lại nổi dày đặc. Cá nổi như thế này đã nhiều lần rồi chứ không phải lần đầu tiên!” [7]; chỉ khác là lần nầy, số cá chết vớt được đã lên gần 70 tấn [9]. Tại sao cá trong kinh Nhiêu Lộc-Thị Nghè có lúc phải nổi lên mặt nước để hớp không khí hoặc chết nổi lềnh bềnh? Tại sao hiện tượng nầy lại nghiêm trọng sau khi có trận mưa to? Bài viết nầy nhằm mục đích tìm hiểu về hai câu hỏi đó.
Cá ngoi lên mặt nước để thở ngày 17/5/2016 [7]
Dự án thoát nước Nhiêu Lộc-Thị Nghè
Dự án thoát nước Nhiêu Lộc-Thị Nghè, tên gọi tắt của dự án khả thi thoát nước TP HCM (lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè), được phê duyệt vào ngày 19 tháng 5 năm 2000 [10] nhằm mục đích thoát nước cho lưu vực, chuẩn bị cho việc xử lý (thanh lọc) nước thải, chống ô nhiễm dòng kinh, cải tạo và chỉnh trang dòng kinh, cải thiện môi trường sống và thực hiện chủ trương chỉnh trang đô thị. Lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè có diện tích 33,2 km2 nằm trong các Quận 1, 3, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh và Gò Vấp.
Dự án gồm có các công tác như sau:
1. Xây dựng một tuyến cống bao đơn (đường kính 2-3 m) chạy dọc theo kinh và khoảng 15-20 công trình tách dòng và kiểm soát xả tràn dọc bờ kinh để nối hệ thống thu gom vào tuyến cống bao.
2. Xây dựng một trạm bơm có công suất 64.000 m3/giờ với hệ thống lược rác để bơm từ tuyến cống bao ra sông Sài Gòn.
3. Xây dựng một miệng xả ngầm có độ sâu từ 18-20 m dưới đáy sông với hệ thống đặc biệt để tăng độ pha loãng và tránh ảnh hưởng đến dòng chảy hoặc xói mòn đáy sông hiện hửu.
4. Xây dựng hoặc cải tạo 38 km cống hộp lớn và cống có đường kính từ 1-6 m và 240 km cống cấp 3 có đường kính từ 400-800 mm.
5. Xây dựng hệ thống điều khiển và kiểm soát.
6. Cải tạo kinh Nhiêu Lộc-Thị Nghè gồm có việc nạo vét khoảng 750.000 m3, gia cố chân kè (đoạn đã xây dựng) và xây bờ kè đứng (đoạn chưa xây dựng).
Dự án được khởi công vào năm 2003 và được xerm là hoàn tất sau khi trạm bơm Nhiêu Lộc-Thị Nghè bắt đầu hoạt động trong tháng 7/2012 [11].
Trạm bơm Nhiêu Lộc-Thị Nghè [11]
Cá với nước
Cá sống nhờ nước nhưng phải là nước có môi trường trong sạch; do đó, phẩm chất của nước là điều tối quan trọng đối với cá. Môi trường nước thích hợp cho sự sinh sống của cá phải có những điều kiện như sau [12-13]:
1. Độ pH: 6,5-8,2
2. Nồng độ của chlorine và chloramine: 0,0 milligrams per liter (mg/L)
3. Nồng độ của ammonia: 0,0-0,25 mg/L
4. Nồng độ của nitrite: 0,0-0,5 mg/L
5. Nồng độ của nitrate: 0-40 mg/L
6. Độ cứng (hardness): 100-250 mg/L
7. Độ kiềm (alkalinity): 120-300 mg/L
8. Nhiệt độ: 74-82 oF (23-28 oC)
9. Độ đục (turbidity): Đĩa Secchi > 1 foot
10. Nồng độ của oxygen hòa tan (dissolved oxygen): > 5 mg/L
11. Nồng độ của đồng (copper): < 1,0 mg/L
Trong những điều kiện nêu trên, ammonia là một chất độc hại đối với cá, chỉ kém chlorine. Ammonia độc hại vì nó sẵn sàng xuyên qua màng tế bào và rất dễ hòa tan trong chất lỏng. Nó có thể làm tổn thương não, mang, thận, hạch máu và tế bào hạch của cá [14]. Khi ammonia đi vào cơ thể của cá qua đường hô hấp, tiêu hóa hay da, nó phản ứng với nước để tạo ra ammonium hydroxide, một chất độc ăn mòn cao (highly corrosive) có thể hủy hoại tế bào khi tiếp xúc với nó. Độ độc của ammonia đối với cá tùy thuộc vào thời gian và số lần tiếp xúc. Theo tiêu chuẩn của Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (U.S. Environmental Protection Agency), nồng độ ammonia từ 2,9-5,9 mg/L có thể giết cá ngay lập tức. Nồng độ từ 0,26-1,8 mg/L có thể giết hoặc làm tổn thương cá trong thời gian dài [15]. Nhưng một nghiên cứu cho biết nồng độ ammonia trên 0,6 mg/L có thể giết cá trong một vài ngày, trong khi chỉ cần một nồng độ 0,06 mg/L cũng có thể gây tổn hại cho mang và thận của cá, làm chậm lớn, làm não hoạt động không bình thường, và làm giảm khả năng chuyên chở oxygen của cá [16].
Mang cá là cơ quan bị tổn thương trước nhất. Ammonia ở nồng độ cao làm cho nhánh của phiến mô (ligaments) bị sưng lên rồi dính vào nhau làm cho cá khó thở hoặc không thở được rồi chết. Cá trở nên lờ đờ, bỏ ăn, nằm sát đáy với vây xếp lại, hay nổi lên mặt nước để hớp không khí nếu mang cá bị tổn thương [17].
Vì sao cá trong kinh Nhiêu Lộc-Thị Nghè chết hàng loạt?
Theo ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tình trạng cá chết từng xảy ra trong năm 2014 và 2015 (mỗi năm 2 đợt) nhưng lần nầy cá chết dày đặc hơn các lần trước. Ông Trung cho biết: “Nguyên nhân ban đầu dẫn đến cá chết là ô nhiễm hữu cơ và khí độc do cơn mưa đầu mùa cuốn lượng ô nhiễm nầy ra kênh. Kết quả xét nghiệm nước cũng tương đồng so với những lần cá chết trước đây.” Ngoài ra, ông Trung cũng nhìn nhận rằng kết quả phân tích mẫu nước mới đây cho thấy có thêm nhiều chỉ tiêu vượt chuẩn như pH, nhiệt độ… góp phần làm cho cá chết nhiều hơn. Kết quả phân tích mẫu nước thu thập trong ngày 16/5 cho thấy độ đục của nước nhỏ hơn 20 cm (quy định > 30 cm), pH từ 8,7-9,0 (quy định 6,8-8,5) và NH3 là 0,36 mg/L (quy định < 0,3 mg/L) [18].
Ông Trần Văn Sơn, Phó Chi cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản, giải thích thêm rằng cá chết nhiều ở kinh Nhiêu Lộc-Thị Nghè mà không xảy ra ở nơi khác là do đầu tuyến kinh nầy được nối với hệ thống thoát nước từ nhiều khu vực của Quận Tân Bình. Hệ thống nầy thu gom nước thải chưa được thanh lọc lẫn nước mưa. Vì vậy, khi có mưa, một lượng nước thải hòa lẫn với nước mưa thoát ra ngoài kinh, làm gia tăng chỉ số ô nhiễm khiến cho cá chết [18].
Sau khi đổ 25 tấn hóa chất giàu oxygen xuống kinh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, nước trong kinh được cải thiện, mùi hôi giảm, nồng độ oxygen hòa tan tăng. Tuy nhiên, ở một số nơi, NH3 và NH4+ vẫn ở mức cao từ 1-10 mg/L (do xác cá phân hủy[?]) [19].
Công nhân rải hóa chất xuống kinh [20]
Nguyên nhân mà các cơ quan “chức năng” của thành phố nêu ra dường như không đầy đủ và không đúng với chức năng của dự án thoát nước Nhiêu Lộc-Thị Nghè, bởi vì dự án nầy chỉ có khả năng thanh lọc một phần nước thải trong mùa khô rồi pha loãng với nước sông (để đủ tiêu chuẩn) trước khi xả ra sông Sài Gòn. Trong mùa mưa, dự án dùng nước mưa để pha loãng nước thải trong hệ thống cống hộp rồi xả thẳng ra sông Sài Gòn mà không cần “xử lý” [20] vì chỉ cần một trận mưa nhỏ có cường độ khoảng 10 mm/giờ thì trạm bơm hiện nay cũng không thể bơm hết lượng nước mưa trên lưu vực. Vì thế, hiện tượng cá chết hàng loạt sau những trận mưa đầu mùa sẽ còn tiếp diễn trong tương lai cho đến khi nào nước thải không còn được xả thẳng ra kinh mà không được “xử lý.”
Dữ kiện thu thập được ở kinh Nhiêu Lộc-Thị Nghè (nồng độ ammonia trong nước “vượt quy định,” cá nổi dày đặc trên mặt nước để hớp không khí,…) và ảnh hưởng của ammonia đối với cá (nổi lên mặt nước để hớp không khí nếu mang cá bị tổn thương) cho phép kết luận một cách chắc chắn rằng cá trong kinh Nhiêu Lộc-Thị Nghè chết hàng loạt vì ammonia trong nước thải chưa được thanh lọc, tích tụ trong hệ thống cống ngầm, đã bị nước mưa tống ra kinh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Cũng cần nói thêm là 25 tấn hóa chất (nuzeo, zeolite) đổ xuống kinh Nhiêu Lộc-Thị Nghè là những hợp chất giàu oxygen (SiO2, Fe2O3, Al2O3, CaO, MgO, K2O, Na2O, TiO2) dùng để khử (oxy hóa) NH3.
Cá chết vì Ammonia ăn được không?
Ammonia được tạo ra một cách tự nhiên và được dùng trong phản ứng sinh học ở động vật có vú. Phần lớn ammonia trong cơ thể con người do các cơ quan hay tế bào tạo ra hàng ngày, và vi khuẩn sống trong ruột tạo ra một phần nhỏ. Khí ammonia có thể ảnh hưởng tai hại đến sức khỏe con người ở nồng độ cao. Ammonia hiện hửu tự nhiên trong nước và thực phẩm ở nồng độ thấp và ammonia hòa tan trong nước có thể được cảm nhận khi có nồng độ trên 35 mg/L. Khi chúng ta ăn thực phẩm hoặc uống nước có ammonia, nó đi ngay vào máu và được luân lưu khắp cơ thể trong vòng vài giây đồng hồ. Hầu hết ammonia ở trong thực phẩm và nước sẽ được biến thành những chất vô hại đối với cơ thể một cách nhanh chóng. Phần còn lại sẽ được tống ra khỏi cơ thể bằng đường tiểu trong vài ngày.
Ammonia không có ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe con người, ngoại trừ việc tiếp xúc với ammonia đậm đặc (concentrated ammonia). Nếu lỡ ăn hoặc uống ammonia đậm đặc, chúng ta có thể bị phỏng miệng, cuống họng và bao tử [21].
Người dân câu cá về ăn [8]
Dựa theo những đặc tính độc tố của ammonia vừa nêu, cá mới chết (nhưng chưa ươn) hay lờ đờ vì ammonia thì vẫn có thể ăn được mà không có ảnh hưởng đến sức khỏe (vì nồng độ ammonia ở trong cá rất thấp, nếu có). Dĩ nhiên là phải nấu nướng thật kỹ lưỡng để giết hết vi khuẩn, nếu có, ở trong cá. Điều nầy cũng áp dụng cho cá chết dọc duyên hải miền Trung trước đây, vì chúng cũng chết do nồng độ ammonia rất cao trong nước thải của Formosa-Vũng Áng chứ không phải do kim loại nặng hay độc tố nào khác [22].
Kết luận
Tin tức trên báo chí trong nước cho biết, sáng ngày 17 tháng 5 năm 2016, hàng vạn con cá hoặc đang nổi lên dày đặc để hớp không khí hoặc đã chết trôi lềnh bềnh trên mặt nước của kinh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Dân chúng trong vùng cho biết, cá trong kinh bắt đầu nổi lên hớp không khí và chết từ ngày hôm trước, và cứ sau mỗi lần có mưa lớn là cá lại nổi dày đặc. Cá nổi như thế này đã nhiều lần rồi chứ không phải lần đầu tiên; chỉ khác là lần nầy, số cá chết vớt được đã lên gần 70 tấn.
Các cơ quan chuyên môn của thành phố đã công bố nguyên nhân cá chết nhưng có vẻ không đầy đủ và không đúng với chức năng của dự án thoát nước Nhiêu Lộc-Thị Nghè, bởi vì dự án nầy chỉ có khả năng thanh lọc một phần nước thải trong mùa khô rồi pha loãng với nước sông trước khi xả ra sông Sài Gòn. Trong mùa mưa, dự án dùng nước mưa để pha loãng nước thải trong hệ thống cống hộp rồi xả thẳng ra sông Sài Gòn mà không cần “xử lý”.
Dữ kiện thu thập được ở kinh Nhiêu Lộc-Thị Nghè và ảnh hưởng của ammonia đối với cá cho phép kết luận một cách chắc chắn rằng cá trong kinh Nhiêu Lộc-Thị Nghè chết hàng loạt vì ammonia trong nước thải chưa được thanh lọc, tích tụ trong hệ thống cống ngầm, đã bị nước mưa tống thẳng ra kinh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Vì thế, hiện tượng cá chết hàng loạt sau những trận mưa đầu mùa sẽ còn tiếp diễn trong tương lai cho đến khi nào nước thải không còn được xả thẳng ra kinh mà không được “xử lý.”
Vì ammonia không có ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe con người, ngoại trừ việc tiếp xúc với ammonia đậm đặc; cho nên, cá mới chết (nhưng chưa ươn) hay lờ đờ vì ammonia thì vẫn có thể ăn được mà không có ảnh hưởng đến sức khỏe, nếu được nấu nướng kỹ lưỡng. Điều nầy cũng áp dụng cho cá chết dọc duyên hải miền Trung trước đây, vì chúng cũng chết do nồng độ ammonia rất cao trong nước thải của Formosa-Vũng Áng chứ không phải do kim loại nặng hay độc tố nào khác.
Nguyễn Minh Quang, P.E.
Tác giả là Kỹ sư Công chánh Chuyên nghiệp (Professional Civil Engineer) của Tiểu bang California. Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh tại Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ, Sài Gòn năm 1972; Trưởng ty Kế hoạch của Ủy ban Quốc gia Thủy lợi thuộc Bộ Công chánh và Giao thông đến tháng 4 năm 1975. Tốt nghiệp Cao học Thủy lợi tại Ðại học Nebraska, Hoa Kỳ năm 1985; Chuyên viên Thủy học (Hydrologist) của Sở Quản trị Thủy lợi, Broward County, Florida đến năm 1989. Từ năm 1990 đến 2015, Kỹ sư Giám sát trưởng (Senior Supervising Engineer) của Stetson Engineers Inc., một công ty cố vấn về thủy lợi và ô nhiễm nguồn nước, thành lập năm 1957 ở Los Angeles.
Nguồn: danlambao
Tin khác đã đăng
- Tp. HCM phấn đấu đến tháng 06/2025 hoàn thành nhà máy xử lý nước thải hiện đại nhất Đông Nam Á 22/06/2024
- Chung tay xây dựng Tp.HCM xanh sạch và thân thiện với môi trường 11/06/2024
- Ngày hội Sống xanh TP.HCM 2024: Lan tỏa nhiều thông điệp về bảo vệ môi trường 10/06/2024
- Lễ hội mỹ vị chợ nổi trên kênh Nhiêu Lộc 04/06/2024
- Ngày hội Sống xanh 2024 04/06/2024