Đà Nẵng: Giảm dần ô nhiễm tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang



Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang là điểm nóng ô nhiễm môi trường gây nhức nhối cho TP. Đà Nẵng trong những năm qua. Do tính chất của Âu thuyền và Cảng cá nên khu vực này bị ô nhiễm cả về rác thải, nước thải và mùi hôi. Sau gần một năm nỗ lực xóa điểm nóng ô nhiễm này, đến nay đã giảm thiểu được rất nhiều nhưng vẫn còn một số khó khăn tồn đọng khiến cho môi trường nơi đây chưa thể cải thiện hoàn toàn.

Ô nhiễm vẫn còn

Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang đưa vào hoạt động từ năm 2004 với diện tích 25ha mặt đất và 58ha mặt nước; bao gồm khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, Cảng cá và Chợ Đầu mối thủy sản. Hoạt động của Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, Cảng cá và Chợ Đầu mối thủy sản gắn liền với hoạt động của KCN Dịch vụ thủy sản (KCN DVTS).

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường, hiện nay, tại Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng có 37 DN đang hoạt động, trong đó có 36/37 DN đã đấu nối nước thải, tất cả các DN đều có hệ thống xử lý nước thải cục bộ và đảm bảo COD < 1.500mg/l. Bình quân Âu thuyền Thọ Quang thải ra 4,5 – 5 tấn rác thải/ngày, trong đó có rác thải phát sinh từ hoạt động của chợ cá, cảng cá; rác thải phát sinh từ các tàu cá neo đậu trong âu thuyền và rác thải phát sinh từ cơ sở sản xuất kinh doanh đóng tàu thuyền, khu dân cư.

Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang là điểm nóng ô nhiễm trong nhiều năm qua của TP. Đà Nẵng

Về nước thải, hiện Trạm xử lý nước thải Sơn Trà hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 4/2017 với công suất 25.500 m3/ngày đêm đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm nước thải cho Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang. Tuy nhiên, các nguồn nước thải từ tàu cá được thải trực tiếp ra môi trường và nước thải từ các xe chở thủy sản rơi vãi trong đường nội bộ chảy vào nước mưa không thể kiểm soát.

Từ nguồn rác thải quá lớn và nước thải chưa xử lý triệt để cộng với việc lưu giữ phế thải sản xuất, bùn thải, rác thải tập kết nguyên vật liệu từ các doanh nghiệp trong KCN gây nên mùi hôi nặng hơn cho khu vực Âu thuyền. Ngoài ra, mùi hôi phát sinh do bùn đáy và nước trong Âu thuyền không được thông thủy và từ quá trình vận hành Trạm XLNT cục bộ doanh nghiệp, trạm xử lý nước thải tập trung.

Bên cạnh những nguồn thải từ các hoạt động trong Âu thuyền thải ra gây ô nhiễm còn có một số nguồn thải từ bên ngoài đổ về nằm ngoài tầm kiểm soát của ban quản lý như cành cây, củi khô từ thượng nguồn đổ về trong các đợt mưa lũ; tình trạng đổ trộm rác thải, xà bần vào ban đêm, đốt trộm rác thải gây mùi hôi…

Mặt khác, do khu vực Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang được quy hoạch kết hợp cả Âu thuyền và Cảng cá vào cùng một địa điểm nên rất khó tránh khỏi ô nhiễm. Hơn nữa, trước đây khi xây dựng âu thuyền và cảng cá đã cách xa khu dân cư khoảng cách phù hợp, tuy nhiên sau một thời gian hoạt động dân cư được quy hoạch ngày càng gần âu thuyền và đang có xu hướng xây dựng nhiều hơn ở tất cả các mặt của âu thuyền. Đây là nguyên nhân làm cho âu thuyền không có hướng mở để xử lý ô nhiễm và nguồn rác thải phát sinh từ các khu dân cư sẽ tăng thêm ô nhiễm.

Môi trường tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang hiện nay đã được cải thiện rất nhiều nhờ sự quyết tâm vào cuộc của lãnh đạo TP. Đà Nẵng

Từng bước cải thiện môi trường 

Trong gần một năm qua, khi TP. Đà Nẵng kiên quyết xóa điểm nóng ô nhiễm tại Âu thuyền Thọ Quang, nhiều hoạt động đã được triển khai và thực hiện nghiêm túc góp phần cải thiện môi trường ở đây.

Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang  đã triển khai nhiều giải pháp  như: thu gom rác thải dưới bờ kè, trên mặt nước; bố trí khu vực, phương tiện, thiết bị thu gom chất thải để khi tàu thuyền cập cảng các hộ tiểu thương, chủ phương tiện vận chuyển đường bộ… dễ dàng tiếp cận; tăng cường tuyên truyền dưới nhiều hình thức; tổ chức ký cam kết với các cơ sở sản xuất yêu cầu không xả thải vào Âu thuyền dưới mọi hình thức… Đồng thời, đưa vào hoạt động hệ thống thu gom nước thải tại 6/8 cửa xả xung quanh Âu thuyền; cải tạo, nâng cấp hệ thống thu gom nước thải của khu vực Chợ cá và các cầu cảng; …

Qua gần 1 năm thực hiện các giải pháp đã góp phần giảm được lượng chất thải không xử lý đạt quy chuẩn xả thải ra môi trường; tình trạng mùi hôi từ Âu thuyền Thọ Quang và KCN Dịch vụ thủy sản đã được cải thiện. Tuy nhiên, việc ngăn chặn hoàn toàn các nguồn xả thải chưa thu gom hay xử lý đạt quy chuẩn môi trường trước khi xả thải vào Âu thuyền vẫn chưa thể xử lý triệt để, một số công trình xử lý ô nhiễm chưa thể triển khai như nạo vét bùn lắng, nâng cấp, cải tạo trạm bơm thông thủy…

BQL Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang cho rằng, việc ô nhiễm rác thải chủ yếu là ở ý thức của ngư dân. Thói quen xả rác bừa bãi đã ăn sâu, cho dù có thùng rác để sẵn ở các thuyền thì người dân và các thuyền viên vẫn không bỏ rác vào thùng mà cứ vứt xuống Âu thuyền nên dù có tuyên truyền hay xử phạt thì tình trạng xả rác bừa bãi của ngư dân vẫn lặp lại sau một thời gian ngắn. Chính vì thế, bên cạnh việc răn đe, xử phạt thì cần có một tàu chuyên dụng để đi vớt rác trên mặt nước, chỉ có như vậy mới đảm bảo mặt nước sạch bóng rác thải.

Ông Nguyễn Phước Nhiên – Giám đốc Xí nghiệp môi trường Sơn Trà (đơn vị thu gom và vận chuyển rác thải tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang đề nghị cần tăng giá thu gom rác tại các tàu thuyền. Theo ông Nhiên, với lượng rác thải 4,5-5 tấn/ngày mà giá thu gom 10 ngàn đồng/ghe không đủ để xí nghiệp trang trải thù lao cho công nhân và trang bị trang thiết bị, dụng cụ. Xí nghiệp có thể tăng số xe vận chuyển rác thải và vận chyển rác hàng ngày không để tồn đọng rác vừa mất cảnh quan lại phát sinh mùi hôi.

Ngoài ra, do trách nhiệm của BQL các Khu công nghiệp và chế xuất với BQL Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang còn bị chồng lấn trách nhiệm, nhiệm vụ nên việc giải quyết, xử lý công việc còn chậm trễ và không hiệu quả. Cần phân rõ trách nhiệm cho các bên hoặc có thể gộp làm một để công tác quản lý và giải quyết công việc nhanh gọn, hiệu quả hơn.

Ông Phạm Thanh Phúc – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường nhận định, mặc dù còn nhiều khó khăn và ô nhiễm không thể giải quyết triệt để trong ngày một ngày hai nhưng  Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang trong gần một năm qua đã giảm thiểu ô nhiễm rất nhiều. Đó là nhờ sự vào cuộc của các ngành chức năng, các đơn vị, doanh nghiệp và từng cá nhân. Ông đề nghị các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước phải cùng nhau phối hợp để nâng cao ý thức cho người dân, cho nhân viên. Mỗi ngày giảm một chút ô nhiễm thì không bao lâu sẽ cải thiện cảnh quan môi trường cho Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang rất nhiều và điều đó cũng giúp cho các doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi hơn.

Nguồn: TN&MT

Tin khác đã đăng