Đề xuất chính sách phát triển cấp, thoát nước và xử lý nước thải



Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo đề cương chi tiết Luật Cấp, thoát nước. Đáng chú ý, tại dự thảo Luật, Bộ Xây dựng đề xuất chính sách phát triển cấp, thoát nước.

Dự thảo Luật Cấp, thoát nước đề xuất bố trí kinh phí thực hiện điều tra cơ bản về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải.

Theo đó, dự thảo Luật phát triển hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước góp phần đẩy mạnh sự phát triển của hệ thống hạ tầng kỹ thuật đáp ứng các nhu cầu sử dụng nước sạch cho phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường; đồng thời đóng góp vào việc bảo toàn chất lượng nước của lưu vực sông.

Bố trí kinh phí thực hiện điều tra cơ bản về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải; xây dựng hệ thống giám sát, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải. 

Ưu tiên, hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu.

Ưu đãi thuế đối với tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích theo quy định của pháp luật về thuế. 

Hỗ trợ tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm, dịch vụ cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải trong trường hợp phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sa mạc hóa, lũ, ngập lụt, úng. 

Đa dạng hoá hình thức đầu tư; khuyến khích xã hội hóa ngành nước, huy động, khai thác tối ưu nguồn lực tham gia đầu tư phát triển và quản lý, vận hành công trình cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải. 

Hỗ trợ đào tạo, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường trong quản lý, đầu tư phát triển cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật nêu rõ các nguyên tắc quản lý hoạt động cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải. Đó là hoạt động cấp nước sạch là hoạt động sản xuất, kinh doanh có điều kiện, chịu sự kiểm soát của nhà nước; hoạt động thoát nước và xử lý nước thải là hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích. 

Dịch vụ cấp nước phải bảo đảm cấp nước an toàn và thích ứng với biến đổi khí hậu; dịch vụ thoát nước phải bảo đảm quản lý thoát nước an toàn và bền vững, kiểm soát, phòng chống ngập úng. 

Quản lý hoạt động cấp nước sạch theo điều kiện nguồn nước, kinh tế – xã hội và không phụ thuộc vào địa giới hành chính; quản lý hoạt động thoát nước theo điều kiện địa hình, bố trí dân cư và lưu vực sông. 

Tổ chức, cá nhân được quyền tiếp cận nguồn nước sạch theo hệ thống cấp nước sạch; được thoát nước mưa, xả nước thải theo hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn.

Bảo vệ hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân; quản lý rủi ro gắn với việc bảo đảm sự hoạt động bình thường, ổn định của hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước. 

Bảo đảm hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả; bảo đảm an ninh, an toàn cấp thoát nước, bảo vệ môi trường và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.

Ngoài các nội dung quy định trên, dự thảo Luật cũng quy định rõ việc quản lý đầu tư xây dựng công trình thoát nước và xử lý nước thải.

Theo đó, dự thảo Luật quy định chủ quản đầu tư, chủ sở hữu, chủ đầu tư dự án, công trình thoát nước và xử lý nước thải; phân cấp quản lý đầu tư; hình thức đầu tư…

Theo Nguyễn Tâm. Nguồn: Tạp chí Tài Chính

Tin khác đã đăng