Kịch bản tồi tệ khi nước biển dâng cao
Các nhà khoa học dự đoán, đến năm 2100, theo kịch bản tồi tệ nhất, mực nước biển có thể dâng cao 1m và ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ sở hạ tầng, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp của Việt Nam.
Theo tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, trong vòng 30 năm tới, biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam nằm trong top 30 quốc gia chịu ảnh hưởng cực lớn, tác động trực tiếp đến nền kinh tế nước nhà cũng như cuộc sống của người dân. Đặc biệt, biến đổi khí hậu mà cụ thể hơn chính là hiện tượng nước biển dâng ngày càng cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến các bãi biển du lịch của Việt Nam.
Giáo sư Peter Burns, chuyên gia quốc tế về du lịch cho biết, nước biển ăn sâu vào đất liền mỗi năm đến cả 10m khiến các bãi cát bị thu hẹp dần, nhiều khu nghỉ dưỡng tại đây bị tàn phá nghiêm trọng. Vùng biển, khu du lịch ở Vũng Tàu, Kiên Giang… cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Cụ thể, các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, nước mặn đã xâm nhập vào đất liền khoảng từ 40 – 45km, có nơi vào sâu đến 70km. Tại đồng bằng sông Cửu Long, các dự báo cho thấy đến năm 2100, vựa lúa này có nguy cơ mất đi 7,6 triệu tấn/năm, tương đương với 40- 52% tổng sản lượng lúa của cả vùng do nước biển dâng.
Trước tình hình nghiêm trọng và cấp thiết như hiện nay, các chuyên gia về khoa học – môi trường đã cùng nhau đưa ra những giải pháp nhằm hạn chế nước biển dâng.
Trên thế giới, các nhà khoa học của Trường đại học Normal (Bắc Kinh) chỉ ra rằng, để chống lại hiện tượng trái đất ấm dần, con người cần tập trung vào việc cắt giảm khí hiệu ứng nhà kính như công nghệ tạo kho chứa cacbon giúp giảm nồng độ CO2 trong khí quyển, hay việc rải bụi SO2 trong tầng bình lưu giúp làm chậm nước biển dâng.
Ở Việt Nam, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, để đối phó với các hiểm họa, giảm nhẹ và từng bước thích nghi biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Việt Nam cần chú trọng đến việc xây dựng và phát huy hiệu quả các hệ thống và công trình thủy lợi đã có, làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch thủy lợi, thực hiện các dự án trong tương lai… Đồng thời, giáo dục tuyên truyền cho người dân, phát triển công nghệ dự báo nhằm giảm nhẹ thiệt hại do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Các thành phố lớn ở Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ thiên tai. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng khiến ngập lụt đô thị ở nước ta có xu hướng ngày càng gia tăng và trầm trọng hơn. Để đối phó với tình trạng này thì cần phải thực hiện xanh hóa cảnh quan đô thị, khuyến khích đầu tư và phát triển các khoảng không gian xanh.
Tin khác đã đăng
- Mặt kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè thông thoáng trở lại sau nhiều ngày nỗ lực vớt rác 25/05/2024
- Nỗ lực vớt lượng rác “ngộp thở” trên kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè 15/04/2024
- Nguy cơ ô nhiễm trở lại tài dòng kênh đẹp nhất TP.HCM 05/04/2024
- Hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác tại nguồn 25/12/2023
- Những điểm mới trong cách tính phí bảo vệ môi trường đối với nước thải 24/12/2023