Luật dầu khí



Luật dầu khí ngày 06 tháng 7 năm 1993 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 1993, được sửa đổi, bổ sung bởi:

  1. Luật số 19/2000/QH10 ngày 09 tháng 6 năm 2000 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dầu khí, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2000;
  2. Luật số 10/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dầu khí, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2009.

Để bảo vệ, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí nhằm phát triển kinh tế quốc dân, mở rộng hợp tác với nước ngoài;

Căn cứ vào các điều 17, 29 và 84 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;

Luật này quy định về hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí trong phạm vi lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Toàn bộ tài nguyên dầu khí trong lòng đất thuộc đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước Việt Nam thống nhất quản lý.

Điều 2

Nhà nước Việt Nam khuyến khích các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư vốn, công nghệ để tiến hành các hoạt động dầu khí trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia của Việt Nam và tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Nhà nước Việt Nam bảo hộ quyền sở hữu đối với vốn đầu tư, tài sản và các quyền lợi hợp pháp khác của các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài tiến hành các hoạt động dầu khí ở Việt Nam.

Điều 2a

Hoạt động dầu khí phải tuân thủ các quy định của Luật dầu khí và các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam.

Trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật dầu khí và quy định khác của pháp luật Việt Nam về cùng một vấn đề cụ thể liên quan đến hoạt động dầu khí thì áp dụng theo quy định của Luật dầu khí.

Trong trường hợp Luật dầu khí và các quy định khác của pháp luật Việt Nam chưa quy định về vấn đề cụ thể liên quan đến hoạt động dầu khí thì các bên ký kết hợp đồng dầu khí có thể thỏa thuận áp dụng pháp luật quốc tế, tập quán quốc tế trong hoạt động dầu khí hoặc luật của nước ngoài về dầu khí, nếu pháp luật quốc tế, tập quán quốc tế hoặc luật của nước ngoài đó không trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Điều 3

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

  1. Dầu khí gồm dầu thô, khí thiên nhiên và hydrocarbon ở thể khí, lỏng, rắn hoặc nửa rắn trong trạng thái tự nhiên, kể cả khí than, sulphur và các chất tương tự khác kèm theo hydrocarbon nhưng không bao gồm than, đá phiến sét, bitum hoặc các khoáng sản khác có thể chiết xuất được dầu.
  2. Dầu thô là hydrocarbon ở thể lỏng trong trạng thái tự nhiên, asphalt, ozokerite và hydrocarbon lỏng thu được từ khí thiên nhiên bằng phương pháp ngưng tụ hoặc chiết xuất.
  3. Khí thiên nhiên là toàn bộ hydrocarbon ở thể khí, khai thác từ giếng khoan, bao gồm cả khí ẩm, khí khô, khí đầu giếng khoan và khí còn lại sau khi chiết xuất hydrocarbon lỏng từ khí ẩm.
  4. Hoạt động dầu khí là hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí, kể cả các hoạt động phục vụ trực tiếp cho các hoạt động này.
  5. Hợp đồng dầu khí là văn bản ký kết giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam với tổ chức, cá nhân để tiến hành hoạt động dầu khí.
  6. Dịch vụ dầu khí là các hoạt động liên quan đến tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí do Nhà thầu phụ tiến hành.
  7. là một diện tích, giới hạn bởi các tọa độ địa lý, được phân định để tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí.
  8. Nhà thầu là tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc nước ngoài, được phép tiến hành hoạt động dầu khí trên cơ sở hợp đồng dầu khí.
  9. Nhà thầu phụ là tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc nước ngoài ký kết hợp đồng với Nhà thầu hoặc Xí nghiệp liên doanh dầu khí để thực hiện các dịch vụ dầu khí.
  10. Xí nghiệp liên doanh dầu khí là Xí nghiệp liên doanh được thành lập trên cơ sở hợp đồng dầu khí hoặc trên cơ sở Hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài.
  11. Người điều hành là tổ chức, cá nhân đại diện cho các bên tham gia hợp đồng dầu khí, điều hành các hoạt động trong phạm vi được ủy quyền.
  12. Dự án khuyến khích đầu tư dầu khí là dự án tiến hành các hoạt động dầu khí tại vùng nước sâu, xa bờ, khu vực có điều kiện địa lý đặc biệt khó khăn, địa chất phức tạp và các khu vực khác theo danh mục các lô do Thủ tướng Chính phủ quyết định; dự án tìm kiếm thăm dò, khai thác khí than.
  13. Khí than là hydrocarbon, thành phần chính là methane ở thể khí hoặc lỏng, được chứa trong các vỉa than hoặc trong các vỉa chứa lân cận.
  14. Công trình cố định là công trình được xây dựng, lắp đặt cố định và sử dụng để phục vụ hoạt động dầu khí.
  15. Thiết bị là tổ hợp các linh kiện cơ khí, điện, điện tử và các linh kiện cấu thành khác được lắp đặt, sử dụng để phục vụ hoạt động dầu khí.

>>Tải bản đầy đủ

Nguồn: Quốc hội

Tin khác đã đăng