Tăng cường hiệu quả khai thác dữ liệu quan trắc
Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia là yêu cầu cấp bách nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin, dữ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong cảnh báo, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai và ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy vậy, hiện nay mạng lưới quan trắc của nước ta còn những vướng mắc cần khắc phục.
Trạm tự động quan trắc môi trường. Ảnh: MH
Lúng túng trong khai thác, chia sẻ thông tin
Kế hoạch 5 năm (2016 – 2020) về triển khai, thực hiện Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đặt mục tiêu triển khai triển khai, thực hiện Quy hoạch mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia hợp lý, thống nhất, đồng bộ, hiện đại, đạt trình độ hàng đầu khu vực Đông Nam Á và trình độ tiên tiến của khu vực châu Á; đáp ứng nhu cầu thông tin điều tra cơ bản phục vụ quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, tài nguyên đất, biển và hải đảo, khí tượng thủy văn, bảo vệ môi trường và các ngành kinh tế kỹ thuật khác.
Để đạt được mục tiêu này, trước tiên phải giải quyết được những khó khăn hiện nay trong quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường. Thống kê của Bộ TN&MT cho thấy, trên cả nước hiện có khoảng gần 7.500 trạm, điểm quan trắc thuộc quản lý của 10 Bộ và 46 tỉnh/thành phố, chưa kể còn có các trạm quan trắc do các tổ chức, doanh nghiệp tự xây dựng và quản lý phục vụ báo cáo các số liệu liên quan đến môi trường trong quá trình kinh doanh, sản xuất. Tuy vậy, dữ liệu về quan trắc TN&MT vẫn đang được quản lý rời rạc theo 4 nhóm đối tượng (Bộ TN&MT; các Bộ, ngành; các địa phương; doanh nghiệp) và phân cấp quản lý nhỏ hơn nữa. Do đó thông tin, số liệu quan trắc chưa được quản lý thống nhất, đồng bộ.
Theo ông Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ TN&MT), vướng mắc lớn hiện nay là chưa có cơ chế quản lý, khai thác, chia sẻ và sử dụng thông tin, dữ liệu quan trắc giữa các đơn vị trong Bộ TN&MT, với các Bộ, ngành, địa phương. Điều này khiến việc khai thác, chia sẻ thông tin còn lúng túng hoặc mất nhiều thời gian do phải thực hiện các thủ tục hành chính giữa các đơn vị quản lý dữ liệu.
Theo phản ánh tại địa phương, các số liệu quan trắc chủ yếu lưu trữ trong các báo cáo giấy, tệp văn bản và số liệu trong các bảng tính, do đó khi tra cứu, khai thác rất tốn thời gian, chưa phát huy được hết các giá trị của các số liệu này. Số liệu thu thập được chưa được đồng bộ, gây khó khăn cho việc khai thác, sử dụng, chưa đủ tin cậy để đánh giá và dự báo phục vụ cho công tác hoạch định chính sách bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Do chưa có CSDL thống nhất thông tin, dữ liệu về quan trắc TNMT nên công tác khai thác, sử dụng thông tin, số liệu gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với dữ liệu tổng hợp hoặc phạm vi rộng, chưa đáp ứng kịp thời được công tác quản lý Nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ. Trong khi quá trình xử lý chuyên môn của các cơ quan này đòi hỏi càng đầy đủ số liệu càng tốt, nhằm phục vụ hiệu quả nhất nhu cầu khai thác của cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Việc công bố, công khai thông tin quan trắc TNMT vì thế mà không đầy đủ, không cung cấp được cái nhìn tổng quát, đầy đủ đối với hiện trạng về tài nguyên và bảo vệ môi trường, chưa theo thời gian thực, khiến cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp còn hạn chế, bị động trong quá trình ứng phó với thảm họa môi trường, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai và biến đổi khí hậu.
Thiết lập hệ CSDL thống nhất
Thực tế đã đặt ra yêu cầu phải có một hệ thống nhằm phục vụ tập hợp, quản lý thống nhất các thông tin dữ liệu từ các trạm quan trắc, đảm bảo thông tin điều tra cơ bản được khai thác hiệu quả và phát huy tối đa giá trị của dữ liệu. Ông Lê Phú Hà cho biết, Cục CNTT hiện đang xây dựng Đề án hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường, dự kiến triển khai từ năm 2017 – 2022.
Theo đó, giai đoạn 1 (2017 – 2020) tập trung xây dựng các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật, cơ chế vận hành hệ thống, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin để triển khai mô hình kết nối giữa Trung tâm Tích hợp và Xử lý dữ liệu quan trắc với các Trung tâm dữ liệu tại các lĩnh vực, kết nối với một số Bộ, ngành, địa phương đã sẵn sàng về hạ tầng và dữ liệu; Thiết lập nội dung dữ liệu quan trắc các lĩnh vực chuyên ngành, các địa phương, các bộ, ngành. Giai đoạn 2 (2020 – 2022) sẽ hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, kết nối tới các Trung tâm dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương và các trạm quan trắc ngành TNMT.
Với đề án này, dữ liệu quan trắc TNMT được quản lý tập trung, đồng bộ thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo sự lâu dài, toàn vẹn, an toàn an ninh dữ liệu. Đặc biệt, với các Bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, việc thu thập thông tin trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn do chỉ phải tương tác với Trung tâm tích hợp và xử lý số liệu quan trắc. Từ đó, các cán bộ chuyên môn có thể nhanh chóng, chủ động tham mưu cho các cấp lãnh đạo ra quyết định trong quản lý Nhà nước về TNMT.
Bên cạnh đó, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cũng có thể tham gia, theo dõi, tiếp cận thông tin dữ liệu về điều tra cơ bản qua các kênh truyền thông, công bố thông tin của Trung tâm tích hợp và xử lý số liệu; được cung cấp, khai thác thông tin theo quy định. Số liệu của các trạm quan trắc tham gia vào Mạng lưới được thu thập và quản lý tập trung thống nhất, đáp ứng mục tiêu hiện đại hóa, tăng cường hiệu quả mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia.
Nguồn: Bộ TN&MT
Tin khác đã đăng
- Tp. HCM phấn đấu đến tháng 06/2025 hoàn thành nhà máy xử lý nước thải hiện đại nhất Đông Nam Á 22/06/2024
- Chung tay xây dựng Tp.HCM xanh sạch và thân thiện với môi trường 11/06/2024
- Ngày hội Sống xanh TP.HCM 2024: Lan tỏa nhiều thông điệp về bảo vệ môi trường 10/06/2024
- Lễ hội mỹ vị chợ nổi trên kênh Nhiêu Lộc 04/06/2024
- Ngày hội Sống xanh 2024 04/06/2024