Thích ứng biến đổi khí hậu bằng phát triển nguồn gien lúa



Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Do đó, mục tiêu sở hữu các giống lúa có khả năng chống chịu hạn, mặn từ 0,4 đến 0,6‰, thậm chí là cao hơn để lai tạo với những giống lúa hiện có trong nước đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành lúa gạo Việt Nam nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia bền vững.

bien-doi-khi-hau
Kỹ sư Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long kiểm tra chất lượng giống lúa lai tạo chịu mặn trên ruộng thực nghiệm.
Thách thức từ biến đổi khí hậu
Tính đến hết năm 2014 đã có 90 dòng giống lúa lai của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) được công nhận là giống xác nhận ở Việt Nam, phía Việt Nam cũng đã gửi 3.000 giống lúa cho ngân hàng của IRRI để lưu trữ và bảo tồn. Trước đó, IRRI cũng đã gửi 2.000 mẫu lúa cho Việt Nam sử dụng làm vật liệu trong nghiên cứu và chọn tạo giống mới.

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Trồng trọt Trần Xuân Định, hiện năng lực sản xuất trong nước mới đáp ứng 40 đến 45% nhu cầu, với một số tổ hợp lai nghiên cứu chọn tạo trong nước và chủ động được giống bố, mẹ, dòng duy trì (dòng R và A, B) như HYT100; Nhị ưu 838, LC20; TH3-3, TH3-5…Thực hiện chương trình hỗ trợ sản xuất hạt giống lúa lai (cả giống bố, mẹ và hạt lai F1), mỗi năm chúng ta sản xuất được 6.500 – 7.000 tấn giống. Số giống lúa lai còn lại khoảng 11 đến 12 nghìn tấn phải nhập từ nước ngoài.

Tuy nhiên, việc nhập khẩu các giống lúa lai chưa hẳn mang đến nhiều thuận lợi cho sản xuất lúa gạo trong nước. Đặc biệt trong bối cảnh BĐKH, các tác động bất thường của thời tiết như hạn hán, lũ lụt không theo mùa đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất như: ngô kết hạt kém, cà chua ít quả, lúa lép lửng, dưa, đậu mất năng suất do tỷ lệ hoa cái ít… Dẫn đến nguy cơ đói nghèo cho người dân là hoàn toàn có thể xảy ra. Chính vì vậy, hợp tác trong nghiên cứu, lai tạo giống thích ứng với BĐKH đã và đang trở thành yêu cầu cấp bách.

Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu khoa học nông nghiệp Việt Nam, mỗi năm Việt Nam được cung cấp 40 giống lúa tốt nhất ở các nước trên thế giới, tuy nhiên các giống này không thể sử dụng ngay, bởi khi trồng ở điều kiện nước ta lại không hiệu quả hơn giống đối chứng. Do đó các giống này cần chọn lọc, cải tạo, đưa những gien chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất cao để tạo ra được những giống lúa phù hợp với điều kiện BĐKH tại Việt Nam.

Hợp tác trong lai tạo giống lúa mới

IRRI là đối tác truyền thống của ngành lúa gạo Việt Nam, từ những năm 80 của thế kỷ trước, có thời điểm nền nông nghiệp miền bắc sử dụng 70 – 80% nguồn gốc lúa của IRRI. Trong cuộc hội thảo bàn về các chương trình ưu tiên nhằm nâng cao vị thế cho ngành lúa gạo Việt Nam, diễn ra ngày 4-11 vừa qua tại Hà Nội, ông M.Mo-ren, Tổng Giám đốc IRRI khẳng định, các ngân hàng gien của IRRI hiện đang tập hợp nguồn gien tự nhiên, các cấu trúc di truyền và đại diện dòng lúa chọn tạo… là nguồn tài nguyên quan trọng cho việc tổng hợp các tính trạng quan trọng cũng như các giống thích ứng với tác động của BĐKH mà Việt Nam đang cần. IRRI có thể hỗ trợ các đối tác của Việt Nam tăng năng suất, giảm đầu vào (thuốc trừ sâu, phân bón, nước, lao động, giống) mà vẫn nâng cao chất lượng gạo. Những nghiên cứu của IRRI có thể giúp giảm thất thoát trong và sau thu hoạch, tối ưu hóa nguồn cung cấp và chất lượng sản phẩm…

Trước thách thức của BĐKH, việc tăng cường hợp tác giữa ngành lúa gạo Việt Nam với IRRI là hết sức cần thiết, không chỉ là truyền thống mà còn tạo cơ hội cho lúa gạo Việt Nam tiếp tục phát triển, giữ vững ngôi vị quán quân trong xuất khẩu lúa gạo. Trước mắt, việc hợp tác, theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đề xuất, là nên thay đổi cách hợp tác chọn tạo giống với IRRI. “Không chỉ đơn giản là gửi nguồn gien cho nhau mà phía Việt Nam mong muốn có những hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực nghiên cứu chọn tạo giống lúa phù hợp với điều kiện sản xuất của Việt Nam, tiến tới xây dựng thương hiệu lúa gạo cho Việt Nam.

Để sự hợp tác đi đến thành công, làm giàu thêm ngân hàng gien của Việt Nam, ngoài việc mở rộng hợp tác, cùng phát triển, vẫn cần sự chủ động của các nhà khoa học trong nước. Muốn có sự chủ động này, Nhà nước nên đầu tư phát triển giống lúa theo hướng chủ động lai tạo giống và chủ động sản xuất giống trong nước. Như Giáo sư Lê Huy Hàm, Viện trưởng Di truyền nông nghiệp Việt Nam đề xuất, Việt Nam đã có nhiều giống lúa nên không muốn tạo nhiều giống lúa nữa mà muốn đưa những gien có khả năng thích ứng với BĐKH vào những giống lúa đã có. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng mong muốn hợp tác trong các lĩnh vực khoa học mới như gien nông học…

Hiện tại, các đơn vị nghiên cứu trong nước đã hoàn toàn chủ động công nghệ chọn, tạo giống thông qua phương pháp lai truyền thống kết hợp với kỹ thuật công nghệ sinh học, cho nên việc chủ động trong sản xuất giống lai, thuần chủng là hoàn toàn trong tầm tay của các nhà khoa học Việt Nam. Đây chính là giải pháp để hạn chế và đi dần đến nói không với nhập khẩu giống lúa từ nước ngoài phục vụ cho sản xuất trong nước. Đồng thời, dành nguồn lực cho hợp tác với nước ngoài để trao đổi nguồn vật liệu, phối hợp nghiên cứu cho một số đối tượng mà chúng ta còn hạn chế: nghiên cứu lúa lai, lúa japonica, lúa theo hướng thực phẩm chức năng, nhằm đa dạng sản phẩm lúa gạo xuất khẩu.
Nguồn: moitruong

Tin khác đã đăng