Thói quen rửa tay với xà phòng: Dễ mà khó



Mục tiêu: Cung cấp cho người dân các kiến thức đúng đắn về việc rửa tay với xà phòng, thời điểm rửa tay, cách rửa tay. Ngoài ra, kêu gọi hình thành thói quen rửa tay với xà phòng để phòng tránh bệnh tật, nhất là hình thành thói quen cho trẻ nhỏ.

Rửa tay với xà phòng từ lâu luôn được các bác sĩ khuyến cáo là có thể ngăn ngừa được các loại bệnh truyền nhiễm từ đôi tay. Thế nhưng thói quen không rửa tay, đặc biệt là rửa tay bằng xà phòng đã trở nên “thâm căn cố đế” trong nhiều thế hệ người Việt. Và đây chính là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ người dân, nhất là trẻ em mắc các bệnh truyền nhiễm vẫn còn cao.

* Rửa tay bằng xà phòng: Vắc-xin đa năng phòng bệnh

Mặc dù các nhà khoa học đã nghiên cứu và đưa ra nhận định trên 1cm2 bàn tay con người có chứa 4,6 triệu vi khuẩn gây bệnh, tuy nhiên một khảo sát của Bộ Y tế Việt Nam cho thấy, chỉ có khoảng 23% người dân rửa tay trước khi ăn và 36% sau khi đi vệ sinh. Những hành vi quen thuộc của nhiều người như đưa tay dụi mắt, miệng, cầm nắm đồ vật bẩn nhưng không rửa tay sạch… đã vô tình làm “cầu nối” giúp những vị khách không mời dễ dàng vào cơ thể, gây nhiều bệnh nguy hiểm. Các bệnh hay gặp như đau mắt, tiêu chảy, nhiễm trùng hô hấp cấp…thường mắc phải cũng chính là do thực hiện vệ sinh kém.

Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh – đô thị có lối sống hiện đại bậc nhất cả nước, một kết quả khảo sát cũng cho thấy đại đa số người dân Thành phố (98.6%) đều biết rằng rửa tay với xà phòng là có lợi và đại đa số hộ gia đình đều có sẵn xà phòng để rửa tay (97.5%) đặt ở những nơi thuận tiện. Tuy nhiên, bất ngờ là nhiều người dân (hơn 50%) chưa biết các lợi ích cụ thể của rửa tay bằng xà phòng, tỷ lệ người dân biết được ít nhất 3 thời điểm quan trọng cần rửa tay xà phòng còn rất thấp (25%), trong đó tỷ lệ người dân biết thời điểm quan trọng cần rửa tay xà phòng “sau khi vệ sinh cho trẻ” chỉ là (3.7%). Đây cũng chính là lý do mỗi năm có hàng ngàn trẻ em tại đây nhập viện vì các bệnh truyền nhiễm.

Tương tự, theo báo cáo kết quả khảo sát cơ sở của đơn vị tư vấn truyền thông thuộc dự án Vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2, có 44.9% người dân kể ra được ít nhất 2 lợi ích của việc rửa tay xà phòng; có 25% người dân kể ra được ít nhất 3 thời điểm quan trọng của việc rửa tay xà phòng.

Như vậy, không phải người dân nào cũng hiểu đúng, hiểu đủ về vai trò của việc vệ sinh tay, đặc biệt là việc rửa tay với xà phòng. Những năm gần đây, Bộ Y tế đã phát động nhiều chiến dịch vệ sinh tay nhằm nâng cao ý thức của người dân đối với hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa tích cực này. Thứ  trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, rửa tay với xà phòng thường xuyên giúp giảm 35-47% nguy cơ nhiễm các bệnh tay chân miệng, tiêu chảy, thương hàn… Rửa tay với xà phòng diệt khuẩn được hiểu như vắc-xin hiệu quả, tiết kiệm, dễ thực hiện để bảo vệ sức khỏe.

Chia sẻ về vai trò của rửa tay với xà phòng, bác sĩ Hồ Thị Thiên Ngân, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cũng khẳng định, bàn tay bẩn là trung gian gây nên sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, thậm chí đe doạ tính mạng cho trẻ em. Các bệnh tay chân miệng, tiêu chảy cấp, cúm, sởi…là những bệnh do vi khuẩn truyền nhiễm lây lan thông qua bàn tay bẩn. Do đó, rửa tay thường xuyên sẽ như một loại vắc-xin ngăn ngừa các bệnh này lây lan.

Còn bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, tất cả những bệnh cơ bản lây qua đường phân, miệng, hô hấp đều có thể hạn chế được đáng kể nếu rửa tay thường xuyên. Rửa tay dưới vòi nước chảy là đúng nhưng chưa đủ mà cần rửa tay với xà phòng bởi xà phòng mới có thể đẩy được một số vi khuẩn, virus ra khỏi bàn tay mà nước không thể làm được. Rửa tay với xà phòng phòng ngừa các bệnh như thủy đậu, cúm, tay chân miệng, tả, thương hàn… Thực tế hàng năm, có hàng ngàn trẻ nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh để điều trị các bệnh tay chân miệng, hô hấp, thủy đậu, cúm…mà nguyên nhân mắc bệnh theo bác sĩ Trương Hữu Khanh là do phụ huynh chưa có ý thức rửa tay.

Dù mới chỉ 8 tháng tuổi nhưng bé Nguyễn Bảo Long, con trai của chị Trần Thị Kim Dung (ngụ quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh) đã phải nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng. Ban đầu, chị Dung rất băn khoăn khi con mình chưa hề ra khỏi nhà, cũng không tiếp xúc với bất cứ nguồn lây bệnh nào nhưng tại sao lại mắc bệnh truyền nhiễm này. Tuy nhiên, qua phân tích của bác sĩ Trương Hữu Khanh, chị Dung mới nhận ra có thể chính đôi bàn tay của mình đã mang mầm bệnh về cho con mà không hề hay biết. “Nhiều khi đi ra ngoài về, mình không rửa tay ngay mà ẵm con liền, mình không biết là điều này vô tình đã tạo điều kiện cho các bệnh truyền nhiễm lây cho con mình”, chị Dung chia sẻ.

*Rửa tay đúng cách: dễ mà không dễ

Hơn 20 năm làm việc trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, đại đa số người dân Việt Nam vẫn chưa nhận thức đúng và đủ về tác dụng của việc rửa tay sạch, đặc biệt là rửa tay với xà phòng. Đưa ra ví dụ, bác sĩ Khanh cho biết có những người ăn xong mới rửa tay mà không rửa trước khi ăn. Hay có người lúc tay có vết bẩn mới rửa, lúc rửa thì rửa qua loa đại khái… Ông cho biết: “Nhiều người thấy tay mình không có vết bẩn nghĩ là tay sạch nhưng thật ra hoàn toàn sai, soi kỹ thì có rất nhiều vi trùng trên bàn tay, nhất là ở trong móng tay, các khe, mép trên bàn tay càng có nhiều vi khuẩn, vi trùng mà mắt thường không thể nhìn thấy được”.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh phân tích, sở dĩ bàn tay có chứa nhiều virus, vi khuẩn vì đây là bộ phận giao tiếp, tiếp xúc với nhiều đồ vật, vật dụng hàng ngày. Những tiếp xúc của đôi bàn tay sẽ khiến cho vi khuẩn, virus phát tán khắp nơi và là trung gian khiến cho bệnh truyền nhiễm gia tăng. “Vì thế,  đừng nhầm tưởng bàn tay không có vết bẩn là bàn tay sạch, mà bàn tay sạch đúng nghĩa là khi đã được tẩy rửa hết vi khuẩn, virus”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.

Do đó, ở mọi thời điểm, mọi lúc, mọi nơi cần rửa sạch tay bằng xà phòng để hạn chế lây bệnh truyền nhiễm. Nhiều người chỉ nghĩ đến việc rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, nhưng thực tế đó chỉ là một phần cơ bản mà thôi. Không có một quy chuẩn nào đúng cho thời điểm rửa tay mà phụ huynh cần nhớ, phải rửa tay ngay sau khi tiếp xúc với các đồ vật, dụng cụ không sạch sẽ, rửa tay khi cảm thấy tay mình bẩn, khi từ ngoài đường trở về nhà, trước khi chế biến đồ ăn cho con, sau khi thay tã, làm vệ sinh….Khi rửa tay, cũng cần tuân thủ đúng theo 6 bước lần lượt rửa sạch lòng bàn tay, ngón tay, kẽ ngón tay, mu bàn tay, đầu ngón tay, khe móng tay…Thoạt nghe phức tạp nhưng thực chất chỉ mất một vài phút. Để  có thể nắm vững quy trình này, người dân có thể tham khảo các bước rửa tay bằng xà phòng được hướng dẫn chi tiết tại địa chỉ website của Dự án vệ sinh môi trường TP.Hồ Chí Minh (http://duanvesinhmoitruong-tphcm.vn) và trang Fanpage https://www.facebook.com/sachhonnhesaigon/.

Và điều quan trọng nhất vẫn là hình thành thói quen rửa tay cho trẻ. Muốn trẻ có thói quen rửa tay thì người lớn phải làm gương. Cần có sự thống nhất trong việc hình thành thói quen rửa tay cho trẻ từ bố mẹ đến giáo viên. “Thói quen rửa tay rất quan trọng bởi khi một thế hệ trẻ em không biết rửa tay cũng sẽ tạo nên một thế hệ người lớn không biết rửa tay, và điều này là vô cùng xấu”, bác sĩ Khanh nêu ý kiến.

Mỗi buổi chiều từ trường về nhà, bé trai Lê Ngô Minh Tùng (7 tuổi), ngụ xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh lại sà vào bếp tìm đồ ăn. Chị Ngô Hồng Cẩm, mẹ bé Tùng thường sẽ chuẩn bị đồ ăn để sẵn cho con, khi thì bánh bông lan, lúc là bắp ngô nóng hổi. Do đói bụng, Tùng không kịp rửa tay mà cầm đồ ăn ăn ngấu nghiến. Thấy cũng bình thường nên chị Cẩm không nhắc nhở bé. Lâu dần, điều này trở thành thói quen. Cho đến một lần, Tùng bị tiêu chảy, nghe bác sĩ phân tích những yếu tố nguy cơ, chị Cẩm mới giật mình về thói quen không rửa tay trước khi ăn của cả gia đình mình.

Như vậy, rửa tay sạch và rửa tay bằng xà phòng ngỡ chỉ là một thói quen nhỏ nhưng lại có tác dụng vô cùng lớn bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Rửa tay không chỉ để phòng bệnh cho cá nhân mỗi người mà còn góp phần bảo vệ những người xung quanh, phòng tránh bệnh truyền nhiễm lây lan. Điều này lại càng quan trọng ở một đô thị lớn như TP.HCM bởi tốc độ lây lan các bệnh truyền nhiễm ở thành phố nhanh và mạnh gấp nhiều lần so với nông thôn. Và đây cũng chính là cách để mỗi người văn minh hơn, sống xanh hơn, sống sạch hơn, tạo nên bản sắc “Văn minh Sài Gòn – Giữ sạch sống xanh”./.

Hình minh họa:

Hình các em học sinh rửa tay với xà phòng

Quy trình rửa tay

Nguồn: duanvesinhmoitruong-tphcm.vn

Tin khác đã đăng