Thu nước ngầm tạo nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh



Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường Nông thôn Sơn La vừa bàn giao, đưa vào sử dụng công trình thử nghiệm nước sinh hoạt bản Sói, xã Bó Mười, huyện Thuận Châu, thuộc dự án sản xuất thử nghiệm ứng dụng băng thu nước ngầm để thu nước trong tầng đất ẩm ướt, tạo nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho các vùng khan hiếm nước thuộc các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Sơn La.

anh-nuoc-sach-1
Hệ thống ống giảm áp nhằm giảm áp lực nước ngầm trong mùa mưa lũ, tránh gây xáo trộn thay đổi kết cấu tầng thu.

* Nguyên lý đơn giản, nước đạt tiêu chuẩn

Ông Trần Văn Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường Nông thôn Sơn La cho biết: Kết cấu công trình khá đơn giản gồm: Đập thu, bể chứa nước, đường ống dẫn và các trụ vòi cấp nước tại điểm sử dụng. Trong đó, đập thu là công trình thu nước ngầm được đặt trong lòng đất, thu nước qua các băng thu, ống thu và đập chắn ngầm. Bể chứa nước có dung tích 30m3. Đường ống dẫn dài 4.020m.

Nguyên lý thu nước là nước trong tầng chứa nước, do bị chắn bởi màn chắn, nước dâng và giữ lại trong tầng đất phía thượng lưu của đập. Băng thu được đặt giữa lớp cát lọc, nước thấm qua cát vào băng thu theo nguyên lý mao dẫn, các bụi cặn trong nước được hạn chế mang theo, sau đó nước chảy vào ống thu và theo hệ thống ống dẫn về bể tích chứa, tự chảy hoặc bơm dẫn về khu dân cư.

Với giải pháp công nghệ này, công trình thu được vùi kín dưới tầng đất thổ nhưỡng nên chất lượng nước đạt ngay độ trong theo quy chuẩn nước sinh hoạt. Do công trình cấp nước giảm được quy mô bể lắng, lọc, do vậy giảm chi phí đầu tư xây dựng. Chu kỳ bảo dưỡng băng thu từ 5-7 năm, giảm đáng kể chi phí quản lý, bảo dưỡng, vận hành. Đặc biệt, với đặc điểm thu ngầm, bề mặt được hoàn nguyên, các băng thu tự điều tiết cân bằng độ ẩm môi trường đất, trên bề mặt vẫn có thể canh tác bình thường các loại cây rễ chùm, rễ ăn nông, nên công trình không mất đất sản xuất, không nguy hại cho môi trường.

“Nếu được áp dụng và nhân rộng, sẽ tạo bước đột phá trong giải quyết tạo nguồn cho các vùng khan hiếm nước và có khả năng nhân rộng và áp dụng cho xây mới, cải tạo các công trình nước sạch nông thôn miền núi” – ông Trần Văn Hải đánh giá.

* Người dân đồng thuận

Được biết, việc xây dựng công trình nước sinh hoạt ứng dụng băng thu nước ngầm tại Sơn La dựa trên công nghệ cơ sở của Viện Thủy công, thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Đã được áp dụng tại nhiều tỉnh khác như Hòa Bình, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Cạn, Hà Giang… chủ yếu để thu nước ngầm tầng nông, trong tầng cuội sỏi ở lòng suối, lòng sông, cải tạo đập dâng; trong hồ treo, hồ chứa… Tuy nhiên, tại các điểm đã áp dụng của Viện Khoa học Thủy lợi, chưa đề cập nguồn nước xuất lộ qua các điểm cục bộ như kẽ nứt của đá, cửa hang Kast, chưa xét đến áp lực đẩy nổi của nước ngầm… Về bảo dưỡng, mới nêu được giải pháp tháo dỡ, làm vệ sinh bề mặt tấm băng thu, chưa đề cập giải pháp bảo dưỡng tầng cát lọc.

Do đó, để phát triển phù hợp tại địa phương, Trung tâm Nước sạch và VSMT Nông thôn Sơn La đã nghiên cứu, bổ sung một số công nghệ cho phù hợp thực tế. Cụ thể, bổ sung hệ thống ống giảm áp nhằm giảm áp lực nước ngầm trong mùa mưa lũ, tránh gây xáo trộn thay đổi kết cấu tầng thu; đặt hệ thống ống lọc dưới băng thu kết nối máy bơm lắc tay, để dễ dàng phục vụ công tác bảo dưỡng.

anh-nuoc-sach-2

Bơm lắc tay phục vụ công tác bảo dưỡng

Ông Lường Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Bó Mười cho biết: Bó Mười là xã vùng 2 của huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, với 99% dân số là đồng bào dân tộc Thái. Những năm qua, trên địa bàn xã mới có 4 công trình cấp nước tập trung cấp cho 4 bản, nhưng hiện 1 công trình đã hỏng, 1 công trình chỉ hoạt động 9 tháng, còn 3 tháng không hoạt động do khô cạn nguồn nước. Nhiều hộ dân phải sống trong cảnh thiếu nước nghiêm trọng. Không chỉ thế, các nguồn nước tại đây còn bị đe dọa nghiêm trọng bởi nguy cơ ô nhiễm từ thuốc bảo vệ thực vật.

“Từ khi công trình đi vào hoạt động đến nay đã cho hiệu quả cao, tăng lượng nước thu được, đặc biệt là loại bỏ các chất độc hại do ô nhiễm. Mưa lũ, thiên tai cũng không gây ảnh hưởng tới công trình, vì công trình thu được vùi kín dưới lớp đất thổ nhưỡng. Người dân trên địa bàn rất thích dùng nước vì nguồn nước sạch và sử dụng yên tâm hơn. Để bảo vệ, vận hành công trình bền vững, xã Bó Mười luôn chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ khu vực đầu nguồn nước, cấm gia súc vào phá đường ống; không phun thuốc trừ cỏ vào khu đầu nguồn, trồng cây lâu năm để tăng lượng nước.” – ông Lường Văn Hùng phấn khởi.

Trước mắt, để quản lý, vận hành công trình có hiệu quả, UBND xã Bó Mười đã thành lập tổ quản lý vận hành công trình gồm 4 thành viên. Đồng thời, thu tiền sử dụng nước với giá 2.000đồng/m3, được người dân đồng thuận cao.

Công trình nước sinh hoạt bản Sói là công trình đầu tiên ở Sơn La thử nghiệm ứng dụng băng thu nước ngầm. Công trình được thi công từ tháng 2/2016, cấp nước cho người dân từ tháng 6/2016. Quy mô cấp nước sinh hoạt cho 59 hộ dân, 226 người hiện tại, tính phát triển 15 năm sau khoảng 294 người. Định mức cấp nước 55 lít/người/ngày đêm. Tổng công suất 23,44 m3/ngày đêm. Chất lượng nước đạt QCVN-02:2009/BYT. Tổng dự toán công trình hơn 800 triệu đồng, nguồn vốn ngân sách nhà nước và nhân dân đóng góp. Thời hạn sử dụng công trình là 15 năm từ năm hoàn thành.

 

Nguồn: Nguyễn Nga – Bộ TN&MT

Tin khác đã đăng