Vận hành hiệu quả hệ thống hạ tầng thoát nước để giảm ngập



Để công tác xóa, giảm ngập được hiệu quả, trong thời gian tới, trên cơ sở các đồ án quy hoạch được duyệt, Thành phố sẽ tổ chức quản lý một cách hiệu quả và xác định phương hướng đầu tư đảm bảo phù hợp với từng khu vực, lưu vực, đảm bảo đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật hiện hữu và đầu tư mới.

So với cùng kỳ 2019, số trận mưa gây ngập  tai TP. Hồ Chí Minh tăng 41,66%, số tuyến đường ngập tăng 77,77%.

Đó là khẳng định của ông Vũ Văn Điệp- Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (TTHT) (Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh) khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Phóng viên (PV): Ông có thể so sánh tình trạng ngập tại TP.Hồ Chí Minh trong năm 2020 so với năm 2019? Trong năm 2020, TP đã triển khai những giải pháp chống ngập nào?

Ông Vũ Văn Điệp: So với cùng kỳ năm 2019,  năm 2020, tổng số ngày có mưa giảm 20,9%, tổng lượng mưa trung bình tăng 37,10%, số ngày có vũ lượng mưa >50mm tăng 50% so với năm 2019, số ngày mưa vượt tần suất thiết kế tăng 200%. Số trận mưa gây ngập tăng 41,66%, số tuyến đường ngập tăng 77,77%.

Để thực hiện mục tiêu giảm ngập, TP đã và đang thực hiện Chương trình giảm ngập nước (giai đoạn 2011 – 2015; giai đoạn 2016 – 2020). Trong thời gian tới (giai đoạn 2021 – 2025), tiếp tục thực hiện Chương trình giảm ngập nước. Cụ thể: Thực hiện các dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước nhằm giảm ngập do mưa; Xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước tại khu vực chưa có hệ thống thoát nước, đặc biệt là khu vực phía Đông thành phố; Thực hiện nạo vét các trục tiêu thoát nước lớn nhằm tăng cường khả năng tiêu thoát nước, chỉnh trang đô thị cho khu vực trung tâm thành phố về phía Nam; Hoàn thiện giai đoạn 1 nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè, nâng công suất nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 3, tiếp tục kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý nước thải: Tây Sài Gòn, Bắc Sài Gòn 1, Bắc Sài Gòn 2, Cầu Dừa, Tây Bắc, Suối Nhum và tập trung đầu tư thực hiện dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè đến sông Vàm Thuật), quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp; triển khai các dự án xây dựng hệ thống thoát nước lưu vực Tây Sài Gòn và lưu vực Tham Lương – Bến Cát và Cải thiện môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh lưu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé – Đôi – Tẻ (giai đoạn 3) nhằm hoàn thiện hệ thống thoát nước, chỉnh trang đô thị cho các lưu vực trên.

TP đã nâng cao chất lượng quy hoạch, hiệu quả quản lý quy hoạch; triển khai quy chế, giải pháp liên kết giữa các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Tập trung thực hiện các giải pháp công trình để phục vụ giải quyết ngập; Rà soát, bổ sung chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư; cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình giảm ngập; ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành các công trình thoát nước; Tăng cường liên kết, hợp tác khoa học – công nghệ, nâng cao năng lực dự báo phục vụ công tác xóa, giảm ngập nước; Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân.

Song song đó, hàng năm TP thường xuyên thực hiện công tác duy tu, nạo vét hệ thống thoát nước như nạo vét cống, hầm ga, cửa xả; sửa chữa, thay mới cống xuống cấp, sửa chữa máng, lưỡi hầm ga; vận hành phay ngăn triều, máy bơm cố định và máy bơm di động khi có mưa lớn, triều cường; vận hành cống kiểm soát triều (Bình Triệu – Bình Lợi – Rạch Lăng, Rạch Nhảy – Ruột Ngựa, Nhiêu Lộc – Thị Nghè). Đồng thời tổ chức ứng trực mưa, vớt rác tại các miệng thu trước, trong và sau khi mưa nhằm đảm bảo khả năng thu và thoát nước của hệ thống cống hiện hữu.

PV: Vì sao TP vẫn tái diễn tình trạng ngập trong nhiều năm mà chưa xử lý dứt điểm?

Ông Vũ Văn Điệp: Trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy,  UBND TP , cùng với sự tham gia đóng góp ý kiến, giải pháp của các chuyên gia trong lĩnh vực thoát nước, chống ngập trong và ngoài nước nên kết quả xóa, giảm ngập đã đạt được một số kết quả nhất định, các khu vực trước đây được xem là “rốn ngập” như: đường 3 tháng 2, Lê Hồng Phong, Bùng Binh Cây Gõ, Bến xe Chợ Lớn, Tỉnh lộ 43, Quốc lộ 1, Hai Bà Trưng, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, …đã không còn xuất hiện ngập khi có mưa lớn.

Tuy nhiên, vẫn còn một số yếu tố khiến tình trạng ngập trong nhiều năm vẫn chưa xử lý dứt điểm đó là: Hệ thống cống của TP là hệ thống cống chung phục vụ thu gom nước mưa, nước thải, hệ thống được đầu tư qua nhiều thời kỳ, phục vụ chủ yếu cho các Quận nội thành cũ. Kích thước cống nhỏ, đa số bị xuống cấp, hư hỏng (lún sụt, võng, biến dạng…), không đồng bộ (chênh lệch cao độ khi đấu nối hoặc tại cửa xả: cống cấp 2 cao hơn cống cấp 3, đáy rạch cao hơn đáy cửa xả…). Bên cạnh đó, do điều kiện địa hình, hệ thống cống luôn trong tình trạng ngậm nước, diện tích mặt thoáng của cống bị thu hẹp, chỉ chiếm khoảng 1/3 diện tích mặt cắt cống hoặc ít hơn tại khu vực hạ nguồn, cao độ cửa xả thấp hơn mực nước kênh, rạch… nên giảm khả năng thoát nước cho hệ thống cống, khi xuất hiện những trận mưa có vũ lượng từ 40mm sẽ xuất hiện tình trạng ngập nước.

Một số vị trí hầm ga, tuyến cống, cửa xả thoát nước bị xây dựng lấn chiếm ảnh hưởng đến điều kiện duy tu, nạo vét nên làm giảm hiệu quả thoát nước của hệ thống; tình trạng xả rác, lấp bít các miệng thu nước còn phổ biến…

TP. Hồ Chí Minh có hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt; trong đó với chiều dài khoảng 1.177km phục vụ tiêu thoát nước, đa số các tuyến kênh, rạch chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chủ yếu được hình thành tự nhiên. Chỉ một số ít kênh, rạch chính được đầu tư trong thời gian qua như: kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, kênh Tân Hóa – Lò Gốm, kênh Hàng Bàng, sau khi hoàn thành đã phát huy hiệu quả trữ, điều hòa và thoát nước tốt; đối với kênh, rạch thoát nước còn lại vẫn là bờ đất, chưa được nạo vét theo đúng thiết kế nên tình trạng bồi lắng làm cho khả năng thoát nước kém.

Bên cạnh đó, tình trạng xây dựng lấn chiếm hành lang bảo vệ, lòng kênh, rạch làm thu hẹp dòng chảy vẫn còn tồn tại, khả năng tiếp cận để thực hiện công tác nạo vét thông thoáng dòng chảy gặp nhiều khó khăn. Tiến độ xử lý, di dời, khôi phục lại hiện trạng vẫn còn chậm do công tác xác minh pháp lý của từng trường hợp cần có thời gian. Công tác quản lý còn hạn chế nên tình trạng xả rác, chất thải rắn làm tắc nghẽn dòng chảy vẫn còn phổ biến…

Do tốc độ đô thị hóa nhanh nên một số tuyến kênh, rạch bị san lấp làm giảm khả năng trữ, điều hòa và thoát nước cho khu vực mặc dù đã được thay thế bằng hệ thống cống nhưng chưa đảm bảo.

Ngoài những yếu tố trên còn do mưa, do triều. Theo thống kê trong 05 năm (từ năm 2011÷2015), TP đã xuất hiện 79 lần với mực triều đạt +1.5m trở lên và chạm mức +1,68m; giai đoạn 2016-2020 đã xuất hiện 116 lần mực triều đạt +1.5m trở lên và đạt mức +1.8m (ngày 30 tháng 9 năm2019). Do đó tần suất, mực triều xuất hiện ngày càng cao và gây ngập cho những khu vực trũng thấp trên địa bàn thành phố; đặc biệt là những khu vực như: Quận 4, 8, 7, Bình Thạnh, Bình Chánh.

Để giải quyết thoát nước và ngập nước do mưa, triều, TP tập trung và tận dụng mọi nguồn lực để triển khai các công trình thuộc các quy hoạch: Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 752/QĐ-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2001 và Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1547/QĐ-TTg năm 2008.

Với việc hoàn thành một số dự án như: Dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè (giai đoạn 1), dự án Cải thiện môi trường nước, dự án Nâng cấp đô thị, dự án Bờ hữu sông Sài Gòn, dự án đầu tư các cống Kiểm soát triều địa bàn quận Thủ Đức, dự án xây dựng cống Kiểm soát triều Nhiêu Lộc – Thị Nghè, dự án Cải tạo rạch Hàng Bàng… đã kéo giảm tình hình ngập trên địa bàn thành phố về: số lượng điểm ngập, diện tích ngập, chiều sâu ngập, thời gian ngập. Theo thống kê từ những năm trước 2010, TP tồn tại 126 điểm ngập tại các tuyến đường chính thì đến đầu năm 2016 còn tồn tại 40 điểm ngập và dự kiến đến cuối năm 2020 còn 15 điểm ngập.

Tốc độ đô thị hóa nhanh các dự án thuộc quy hoạch về thoát nước, chống ngập, thủy lợi được phê duyệt không còn phù hợp, tuy nhiên chưa kịp thời bổ sung, điều chỉnh, do đó một số tuyến đường đã được đầu tư vừa qua vẫn có khả năng xuất hiện ngập khi mưa lớn vượt tần suất thiết kế; đối với công tác đầu tư mới hệ thống thoát nước, mặc dù đã bám sát vào quy hoạch chung của từng địa phương nhưng việc triển khai chưa đồng bộ, có sự chênh lệch giữa hạ tầng kỹ thuật hiện hữu và hạ tầng đầu tư mới: cao độ mặt đường mới cao hơn nhà dân, tuyến đường nhánh, hẻm, hệ thống mới đấu nối vào hệ thống cống cũ không đảm bảo tiết diện, cao độ cống mới cao hơn cao độ cống cũ…

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện các dự án đã gặp một số khó khăn làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư, hiệu quả của dự án như: công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, thủ tục đầu tư kéo dài, công tác điều chỉnh dự án phù hợp với điều kiện mới còn chậm, nguồn lực tài chính khó khăn… mặt khác, đây là lĩnh vực công ích, khả năng sinh lãi thấp nên chưa hút được các nhà đầu tư tư nhân tham gia thực hiện theo hình thức đối tác công tư PPP.

Tốc độ đô thị hóa nhanh là một trong những nguyên nhân gây ngập

PV: Sự tham gia của người dân cần được xem như một cách tiếp cận cần thiết trong quá trình chống ngập ở cấp cộng đồng cơ sở, ông nghĩ sao về điều này?

 
Ông Vũ Văn Điệp: Xác định đây là một trong những nội dung quan trọng góp phần hoàn thành các chỉ tiêu thuộc Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020, UBND TP đã xây dựng nội dung và đưa thành một trong những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của cấp ủy các cấp, Thành ủy đã ban hành Chỉ thị 19 về thực hiện Cuộc vận động “Người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”.

Đến nay, TP đã tổ chức tuyên truyền về phổ biến kiến thức, vận động nhằm giúp người dân nâng cao ý thức, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, tránh, ứng phó góp phần giảm nhẹ thiệt hại khi sự cố thiên tai xảy ra với hơn 2.000 người tham gia; Nghiên cứu, xây dựng chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên và môi trường lồng ghép vào chương trình giáo dục, đào tạo cho học sinh các cấp; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội chủ động phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên tổ chức ra quân thực hiện vệ sinh đường phố, nạo vét kênh, rạch, bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ thống thoát nước ở khu dân cư. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, triển khai các chương trình liên tịch bảo vệ môi trường; các cơ quan báo chí đề cao trách nhiệm trong công tác truyền thông; xây dựng, phát sóng định kỳ chuyên mục “Chung tay giảm ngập đô thị”, mỗi tuần phát 01 chuyên đề vào ngày thứ bảy với thời lượng 12 phút/chuyên mục trên sóng AM610KHz, chuyên mục “Giảm ngập nước đô thị”, phát sóng hàng ngày từ thứ Hai đến Chủ nhật trên sóng FM95,6MHz – Đài tiếng nói nhân dân Thành phố; xây dựng, phát sóng trên đài truyền hình HTV9 Chương trình sống xanh (13 chương trình);

TP đã ban hành Quyết định số 787/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động “Người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định.

PV: UBND TP.Hồ Chí Minh ấn định tháng 10/2020 sẽ khánh thành “Giải quyết ngập do triều khu vực TP có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1”, vậy có hoàn thành như dự kiến?

Ông Vũ Văn Điệp: Dự án Giải quyết ngập do triều kết hợp với biến đổi khí hậu đã thi công ước đạt 70% khối lượng; một số nguyên nhân dẫn đến việc hoàn thành dự án chưa đạt yêu cầu chủ yếu gồm: Do công tác giải phóng mặt còn chậm; đến nay Thành phố đã tập trung giải quyết những vướng mắc còn lại để có mặt bằng cho nhà đầu tư thực hiện; Do hoàn thiện các thủ tục để Ngân hàng Nhà nước gia hạn tái cấp vốn cho nhà đầu tư.

Đến nay đã cơ bản tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn nêu trên để nhà đầu tư để có thể triển khai thi công, dự kiến hoàn thành dự án trong tháng 10 năm 2020 như cam kết với Thành phố.

TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai thực hiện 5 nhóm giải pháp để hoàn thiện mục tiêu, chỉ tiêu của giai đoạn 2021-2025

PV: Ông có kiến nghị gì để giải pháp chống ngập được hiệu quả hơn? Phương hướng của TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới?

Ông Vũ Văn Điệp: Để công tác xóa, giảm ngập được hiệu quả, trong thời gian tới, trên cơ sở các đồ án quy hoạch được duyệt, Thành phố sẽ tổ chức quản lý một cách hiệu quả và xác định phương hướng đầu tư đảm bảo phù hợp với từng khu vực, lưu vực, đảm bảo đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật hiện hữu và đầu tư mới.

Trong thời gian chờ hoàn thiện các đồ án và các dự án liên quan được đầu tư, trước mắt, Trung tâm Hạ tầng tập trung tổ chức vận hành hiệu quả hệ thống hạ tầng thoát nước hiện hữu và các công trình phụ trợ, tập trung nạo vét thông thoáng dòng chảy các tuyến sông, kênh, rạch phục vụ thoát nước; đôn đốc các quận huyện đẩy nhanh tiến độ xử lý các trường hợp xây dựng lấn chiếm hệ thống thoát nước; đề xuất đầu tư kết hợp với chỉnh trang đô thị dọc hai bên các tuyến sông, kênh, rạch; vận động người dân, doanh nghiệp cùng chung tay bảo vệ hệ thống thoát nước; thực hiện hiệu quả Chỉ thị 19 của Thành ủy về thực hiện cuộc vận động “Người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”; tăng cường diện tích điều hòa nước ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến…

Nhằm thực hiện chương trình chống ngập nước giai đoạn 2016-2020 và phương hướng nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo 2021-2025, phê duyệt đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2030, UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Xây dựng xây dựng cơ chế thu hút đầu tư trong việc thực hiện đề án chống ngập.

Cụ thể: Giai đoạn 2020 – 2025: Giữ vững kết quả đạt được, không để tái ngập tại các vị trí đã được giải quyết phạm vi 550km2 thuộc giai đoạn 2016-2020; Tập trung giải quyết ngập bền vững cho vùng Trung tâm thành phố rộng 106,41 km2, cơ bản giải quyết thoát nước cho các vùng còn lại của thành phố. Thực hiện các dự án, nâng cấp cải tạo hệ thống thoát nước giải quyết 15 tuyến đường ngập do mưa còn lại. Xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước tại khu vực chưa có hệ thống thoát nước đặc biệt khu vực phía Đông thành phố; Thực hiện nạo vét các trục tiêu thoát nước lớn nhằm tăng cường khả năng thoát nước cho khu vực trung tâm thành phố về phía Nam, đồng thời chỉnh trang đô thị; Hoàn thiện giai đoạn 1 nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè, nâng công suất nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 3, mời gọi đầu tư các nhà máy xử lý nước thải còn lại; Tập trung đầu tư thực hiện dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè đến sông Vàm Thuật), quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp; triển khai các dự án xây dựng hệ thống thoát nước lưu vực Tây Sài Gòn và lưu vực Tham Lương – Bến Cát và Cải thiện môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh lưu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé – Đôi – Tẻ (giai đoạn 3) nhằm hoàn thiện hệ thống thoát nước, chỉnh trang đô thị cho các lưu vực trên.

Giai đoạn 2026-2030: Thực hiện các dự án dự báo, kiểm soát ngập nước nhằm chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình biến đổi khí hậu; Xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước theo quy hoạch tại khu vực ngoại vi; Tiếp tục đầu tư hoàn thiện các dự án nạo vét trục thoát nước chính, chỉnh trang đô thị, phát triển du lịch đường sông; Xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại các lưu vực dân cư đông như Bắc Sài Gòn, Tây Sài Gòn, Nam Sài Gòn.

TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai thực hiện 5 nhóm giải pháp để hoàn thiện mục tiêu, chỉ tiêu của giai đoạn 2021-2025, trong đó phân công trực tiếp cho từng cơ quan, đơn vị cụ thể với nội dung gồm: Nâng cao chất lượng quy hoạch, hiệu quả quản lý quy hoạch; triển khai quy chế, giải pháp liên kết giữa các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Tập trung thực hiện các giải pháp công trình để phục vụ giải quyết ngập; Rà soát, bổ sung chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư; cải cách thủ tục hành chính đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình giảm ngập; ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành các công trình thoát nước; Tăng cường liên kết, hợp tác khoa học – công nghệ, nâng cao năng lực dự báo phục vụ công tác xóa, giảm ngập nước; Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân./.

Xin cảm ơn ông !

Nguồn: ĐCSVN

Tin khác đã đăng