Vì sao Việt Nam lại có mặt trong danh sách ‘điểm đen‘ về ô nhiễm không khí trên thế giới?
Bản đồ tương tác ô nhiễm không khí tại châu Á do Đại học Yale (Mỹ) thực hiện dựa trên số liệu thống kê của WHO và NASA mới đây cho thấy, Việt Nam là một trong những “điểm đen” về ô nhiễm. Tuy nhiên, theo chuyên gia, đó là mức độ đánh giá về […]
Bản đồ tương tác ô nhiễm không khí tại châu Á do Đại học Yale (Mỹ) thực hiện dựa trên số liệu thống kê của WHO và NASA mới đây cho thấy, Việt Nam là một trong những “điểm đen” về ô nhiễm. Tuy nhiên, theo chuyên gia, đó là mức độ đánh giá về ô nhiễm bụi.
Giật mình với báo cáo ô nhiễm ở Việt Nam
Mới đây, bản đồ của Đại học Yale được tạp chí Forbes Việt Nam dẫn lại thể hiện màu đỏ và đỏ sẫm chủ đạo tại khu vực miền Bắc, Việt Nam – cho thấy nơi này là khu vực bị ô nhiễm không khí nặng nhất cả nước, trong đó, nặng hơn cả là Thủ đô Hà Nội và các tỉnh thành lân cận.
Bản đồ minh họa chất lượng không khí tại châu Á, thể hiện qua chỉ số PM 2.5. (Nguồn: ĐH Yale)
Với những số liệu thu thập được, Đại học Yale xếp hạng chất lượng không khí của Việt Nam là 54,76/100 điểm, đứng thứ 170/180 nước nghiên cứu. Chỉ số PM 2.5 (Particulate Matter – nghĩa là chất dạng hạt) của Việt Nam hiện tại là 43,95, xếp thứ 170/180 nước. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, những khu vực có chỉ số PM 2.5 tiêu cực, người dân rất hay mắc các bệnh về phổi và đường hô hấp, đặc biệt là với người già cũng như trẻ nhỏ.
Ở Việt Nam, ô nhiễm không khí phổ biến nhất là ô nhiễm khói bụi, sau đó là ô nhiễm CO2 và một số loại khí khác như SO2, NOx… Hai tác nhân chủ yếu gây ra ô nhiễm không khí là khí thải từ các phương tiện cơ giới và hoạt động sản xuất công nghiệp. Theo một số nghiên cứu, hiện tại khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới chiếm 70% tác nhân gây ô nhiễm không khí tại Việt Nam. Lượng khí thải lớn như vậy đến từ 43 triệu xe máy và 2 triệu ô tô đang lưu hành trên đường phố Việt Nam mỗi ngày, theo thống kê từ Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Toàn cảnh ô nhiễm không khí tại Việt Nam được Forbes Việt Nam minh họa.
Lượng ô tô và xe máy gia tăng mạnh tại Việt Nam. Nếu thời điểm năm 2000, Việt Nam khi đó mới có khoảng 7 triệu xe máy cùng 300 ngàn ô tô. Như vậy chỉ trong 16 năm, số lượng xe máy và ô tô tại Việt Nam đã tăng gấp 6 lần.
Năm 2000, Việt Nam tiêu thụ khoảng 7,5 triệu tấn xăng dầu thì đến năm 2015 con số này đã vọt lên 17,5 triệu (số liệu từ Petrolimex) – trong đó quá nửa phục vụ hoạt động giao thông vận tải. Ô nhiễm không khí do phương tiện cơ giới gây ra nhiều khả năng sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa trong những năm tới bởi các phương tiện giao thông cá nhân sẽ tiếp tục tăng vọt. Ước tính của Bộ Công nghiệp thời điểm năm 2007 cho thấy đến năm 2025, tiêu thụ xăng dầu cả nước sẽ đạt 40-50 triệu tấn. Hoạt động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng góp phần không nhỏ làm ô nhiễm trầm trọng hơn.
Việt Nam chưa ô nhiễm trầm trọng nhưng ô nhiễm bụi rất nặng
Ngay sau hình ảnh bản đồ trên được đăng tải đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng và người dân. Nhiều người thắc mắc tại sao các tỉnh phía Bắc ít dân cư, xí nghiệp… nhưng mức độ ô nhiễm lại cao hơn trong khi các tỉnh thành phía Nam có nhiều nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất hơn.
Việt Nam chưa ô nhiễm trầm trọng nhưng ô nhiễm bụi rất nặng.
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với chúng tôi, GS.TS Phạm Ngọc Đăng, Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam cũng cho biết, Đại học Yale đã đánh giá mức độ nhiễm theo quy định của Mỹ – nếu một trong những chất cơ bản bị ô nhiễm thì họ sẽ đánh giá chung là không khí bị ô nhiễm.
“Trong không khí có nhiều chất ô nhiễm như bụi CO2, SO2, NO2, OZON… Theo quy định của Mỹ, một trong các chất cơ bản bị ô nhiễm thì đánh giá chung không khí là ô nhiễm. Còn ở Việt Nam và một số nước khác, việc đánh giá mức độ ô nhiễm trước hết phải đánh giá chung từ mức độ ô nhiễm các chất đó cộng lại. Việt Nam chưa bị ô nhiễm trầm trọng nhưng ô nhiễm bụi như ở Hà Nội và một số tỉnh khác của nước ta bị rất nặng”, GS.TS Phạm Ngọc Đăng cho hay.
Ở Hà Nội nhiều người ra đường phải đeo khẩu trang để tránh bụi.
Nói về việc qua bản đồ có thể thấy rõ mức độ ô nhiễm ở các tỉnh miền Bắc cao hơn miền Nam trong khi nhiều người cho rằng các tỉnh miền Nam có nhiều nhà máy, khu công nghiệp…, GS.TS Phạm Ngọc Đăng cho rằng, ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc ô nhiễm bụi nặng hơn miền Nam.
Ông Đăng lý giải: “Do điều kiện khí hậu ở miền Nam như ở TP. HCM mỗi ngày một trận mưa thì như thế mưa xuống sẽ làm sạch bụi và không khí. Bản đồ của Đại học Yale là đánh giá ô nhiễm bụi”.
GS Đăng cũng nêu rõ, Hà Nội xếp vào danh sách 10 thành phố ô nhiễm bụi nhất thế giới nhưng không ô nhiễm nặng như ở Bắc Kinh (Trung Quốc) và các nước khác, ở Bắc Kinh ô nhiễm do bụi than, bụi khí thải xe cộ nặng hơn.
PM trong PM2.5 hay PM10 là viết tắt của Particulate matter, có nghĩa là chất dạng hạt.
PM2.5 được coi là hệ thống tốt nhất được dùng để đánh giá tác động của ô nhiễm không khí lên sức khỏe và xác định mật độ hạt, nồng độ bụi ô nhiễm có đường kính từ 2,5 micromet trở xuống hoặc 10 micromet trở xuống.
Theo WHO, chỉ số PM2.5 nhỏ hơn 10 được coi là mức an toàn.
Những hạt bụi ô nhiễm này có thể là khói, bụi bẩn, nấm mốc hoặc phấn hoa, được tổng hợp từ những kim loại nặng và các hợp chất hữu cơ độc hại. Đây được coi là những mối nguy hiểm lớn cho cơ thể con người nếu bị “tích lũy” trong hệ thống hô hấp.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, những hạt có đường kính bé hơn 10 micromet là những hạt có thể bị con người hít vào khi thở, chúng sẽ tích tụ trên phổi, gây ra nguy hại cho sức khỏe con người. Những hạt có đường kính bé hơn 2,5 micromet là những hạt đặc biệt nguy hiểm bởi vì chúng xâm nhập trực tiếp vào các túi phổi.
Theo WHO, PM2.5 nhỏ hơn 25 microgram/m3 là chỉ số tạm an toàn, còn vượt ngưỡng 100 là sẽ gây ảnh hưởng xấu đến con người.
Các triệu chứng trong ngắn hạn bao gồm kích ứng mắt, mũi, họng, có thể gây viêm phế quản hoặc viêm phổi.
Một số người có thể bị đau đầu, buồn nôn, dị ứng. Đối với người vốn đã có tiền sử bệnh tim phổi, bụi sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn, tăng khả năng tử vong.
Nếu tiếp xúc với bụi trong thời gian dài, các biến chứng sẽ rất khủng khiếp, như bệnh hô hấp mãn tính, ung thư phổi, bệnh tim, thậm chí tác động xấu đến não, dây thần kinh, gan và thận.
Nguồn: Trí Thức Trẻ/PNVE
Tin khác đã đăng
- Tp. HCM phấn đấu đến tháng 06/2025 hoàn thành nhà máy xử lý nước thải hiện đại nhất Đông Nam Á 22/06/2024
- Chung tay xây dựng Tp.HCM xanh sạch và thân thiện với môi trường 11/06/2024
- Ngày hội Sống xanh TP.HCM 2024: Lan tỏa nhiều thông điệp về bảo vệ môi trường 10/06/2024
- Lễ hội mỹ vị chợ nổi trên kênh Nhiêu Lộc 04/06/2024
- Ngày hội Sống xanh 2024 04/06/2024