Bảo vệ tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long



Những năm gần đây, nguồn nước ngọt tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng cạn kiệt do tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn đe dọa từng ngày. Bảo vệ tài nguyên nước nơi đây đang là vấn đề cần đặt lên hàng đầu.

dong-bang-song-cuu-long
Ứng dụng công nghệ mới trong nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long

Những năm gần đây, nguồn nước ngọt tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng cạn kiệt do tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn đe dọa từng ngày. Bảo vệ tài nguyên nước nơi đây đang là vấn đề cần đặt lên hàng đầu.

Thiếu hụt nguồn nước ngọt

Hiện nay, ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng nhất là những tác động của: BĐKH dẫn tới nước biển dâng, xâm nhập mặn ngày càng tăng; việc phụ thuộc vào các quốc gia ở thượng nguồn trong việc quản lý khai thác tài nguyên nước…

Theo tài liệu của Bộ TN&MT, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, dòng chảy trung bình 1 tháng nhỏ nhất tổng cộng vào ĐBSCL có thể giảm tới 3,5 tỷ m3 nước; Dòng chảy trung bình 3 tháng nhỏ nhất tổng cộng vào ĐBSCL có thể giảm tới 13 tỷ m3 nước. Dòng chảy trung bình mùa cạn tổng cộng vào ĐBSCL có thể giảm tới 30 tỷ m3 nước.

Vấn đề thiếu hụt nguồn nước ngọt sẽ tác động hết sức tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội. Riêng đối với ngành NN&PTNT, việc thiếu nguồn nước gây ra những khó khăn tổn thất lớn như thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, trồng cây ăn quả và dân sinh; thiếu nguồn nước ngọt phục vụ cho nuôi thủy sản. Dự báo những năm tới, mực nước biển sẽ ngày một dâng cao, khả năng xâm nhập mặn sẽ rất lớn. Lưu lượng nước thượng nguồn về bị giảm sút sẽ không đủ lưu lượng đẩy mặn, nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào nội địa, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.

Bên cạnh đó, Việt Nam vừa trải qua một kỳ El Nino lịch sử, làm cho nền nhiệt độ tăng cao, thiếu hụt lượng mưa, là nguyên nhân gây ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Khu vực bị ảnh hưởng nặng là Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và ĐBSCL.

Kịp thời khắc phục

Tại Hội nghị chuyên đề về thích ứng với BĐKH, quản lý tổng hợp tài nguyên nước vùng ĐBSCL vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ – Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ yêu cầu các ngành, các cấp nâng cao nhận thức, chủ động thích ứng với BĐKH tại vùng ĐBSCL, phát huy vai trò của địa phương và cộng đồng dân cư, đặc biệt là của người dân.

Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục cập nhật kịch bản BĐKH chi tiết cho từng tiểu vùng, từng địa phương; trên cơ sở đó đổi mới công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, từ quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế – xã hội đến các quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, đô thị, giao thông, quy hoạch sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên nước, khai thác nước ngầm, các quy hoạch phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Đồng thời, tiếp tục áp dụng các biện pháp ngoại giao, pháp lý, hợp tác quốc tế với các nước thượng nguồn sông Mê Kông theo tinh thần hợp tác khai thác, sử dụng hài hòa, hiệu quả, bền vững tài nguyên nước, các bên cùng có lợi, bảo đảm lợi ích quốc gia, theo đúng thông lệ quốc tế đối với dòng sông xuyên quốc gia; có các giải pháp về thể chế và chính sách trong quản lý tài nguyên nước, đa dạng sinh học, sử dụng đất, khai thác nước ngầm, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, chính sách về tái cơ cấu, chính sách phát triển đô thị, công nghiệp hóa tại khu vực ĐBSCL; đẩy mạnh công tác truyền thông tới các ngành, các cấp, đến tận người dân và doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, chủ động thích ứng với các thách thức trong thời gian tới; chủ động nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi, quy hoạch lại sử dụng đất lúa để chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện cụ thể tại mỗi tiểu vùng.

Phó Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành, trong đó Bộ TN&MT căn cứ Luật Tài nguyên nước nghiên cứu, đề xuất tổ chức quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở ĐBSCL phù hợp, khả thi, lồng ghép với Quy chế thí điểm liên kết vùng và phát triển kinh tế vùng.

Bộ NN&PTNT cùng Bộ TN&MT theo dõi chặt chẽ, cập nhật, dự báo, đánh giá kịp thời về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2016 – 2017 tại ĐBSCL, chủ động hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương ứng phó, hạn chế thiệt hại.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL tiếp tục nghiên cứu, cập nhật những vấn đề liên quan đến BĐKH và các thách thức đối với địa phương mình để đưa vào kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương cho phù hợp, đặc biệt là khuyến khích chủ động liên kết tiểu vùng, liên kết vùng.

Tin khác đã đăng