ĐBSCL: Chủ động thực hiện các giải pháp bảo vệ nguồn nước



Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng từ các công trình đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong, lưu lượng nước đổ về vùng hạ lưu đạt tương đối thấp, cộng với hạn hán, xâm nhập mặn, nguồn nước ngầm bị suy kiệt đã làm cho tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ trồng trọt, sản xuất, sinh hoạt diễn ra hết sức gay gắt tại vùng ĐBSCL.

Thực trạng

ĐBSCL nằm ở hạ lưu sông Mekong, với hệ thống sông ngòi chằng chịt được đánh giá là vùng trữ nước ngọt lớn nhất cả nước. Thế nhưng, trên thực tế, vào những tháng mùa khô hàng năm tại khu vực này đã xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng không chỉ ở các tỉnh ven biển, mà ngay cả các tỉnh như Hậu Giang, Vĩnh Long…

Vì thiếu nước ngọt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất của người dân, hàng ngàn hecta đất nứt nẻ phải ngừng canh tác, hệ thống kênh, rạch nội đồng trơ đáy, người dân nhiều tỉnh phải đi mua từng lít nước để sử dụng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ngoài việc lưu lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về những năm gần đây giảm mạnh  tạo điều kiện cho mặn từ biển xâm nhập sâu vào đất liền làm cho nguồn nước tại các sông, rạch bị nhiễm mặn, thì việc khai thác, quản lý, sử dụng tài nguyên nước tại khu vực này chưa hợp lý và thiếu bền vững thể hiện qua việc hoạt động khai thác nước ngầm diễn ra một cách tràn lan làm cho tầng nước ngầm bị tụt giảm, ô nhiễm; chất lượng nguồn nước mặt tại một số tuyến sông lớn như: sông Tiền, sông Hậu, kênh Xáng Xà No…suy giảm do tác động từ hoạt động chăn nuôi, sản xuất.

images1732776
Nguồn nước sông Hậu có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Ông Nguyễn Minh Thế, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Cần Thơ cho biết, qua kết quả phân tích mẫu nước mặt tại sông Hậu thuộc địa phận TP. Cần Thơ trong những năm gần đây cho thấy, do ảnh hưởng từ các hoạt động nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh phía thượng nguồn; nước thải từ các khu công nghiệp nằm dọc sông Hậu thải ra đã làm cho chất lượng nguồn nước mặt trên sông Hậu bị suy giảm, có những khu vực đã và đang bị ô nhiễm. Đều này đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, sinh hoạt của người dân Cần Thơ nói riêng mà ngay cả người dân tại các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng.

Kênh Xáng Xà No là nơi cung cấp nguồn nước chính cho trồng trọt, sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân thuộc TP. Vị Thanh, Vị Thủy, Châu Thành A… nhưng theo ông Hoàng Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang cho biết thì, trong thời gian gần đây nguồn nước tại kênh Xáng Xà No ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, có thời điểm ngành chức năng phải khuyến cáo người dân ở một số khu vực hạn chế sử dụng nguồn nước tại kênh này vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, bệnh tật phát sinh trên cây trồng, vật nuôi… “Tuy biết chất lượng nguồn nước tại kênh Xáng Xà No đang bị ô nhiễm, nhưng nếu không lấy nước ở đây sử dụng, sản xuất thì người dân sẽ lấy nước ở đâu.

Qua kết quả phân tích mẫu nước tại một số khu vực dọc kênh Xáng Xà No cho thấy, chất lượng nguồn nước mặt đang bị ô nhiễm, các thông số như: Coliforms, TTS, BOD5, COD, PO4, NO3, NO2, NH4… đều vượt nhiều lần so với quy chuẩn cho phép, trong đó có 2 điểm đang bị ô nhiễm nặng là chợ Một Ngàn và chợ Bảy Ngàn thuộc huyện Châu Thành A…

images1732778
Do thiếu nước ngọt trong đợt hạn, xâm nhập mặn vào đầu năm 2016, hàng ngàn hecta đất tại tỉnh Bến Tre không thể canh tác được.

 “Nguyên nhân gây ra tình trạng này xuất phát từ một bộ phận người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh…thiếu ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, xả rác thải, nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra kênh, khiến cho nguồn nước mặt không đảm bảo được chất lượng nữa”- Ông Hoàng Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang cho biết.

Đối với nguồn nước ngầm, nhu cầu sử dụng nước ngầm gia tăng mạnh mẽ trong thời gian gân đây do tình trạng bùng nổ các hoạt động nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch, nhất là nuôi tôm tại các địa phương ven biển như: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang…. Theo thống kê từ ngành chức năng tỉnh Cà Mau, tổng số giếng khoan trên địa bàn tỉnh đã lên đến hơn 138.000 giếng, lưu lượng nước khai thác khoảng 400.000m3/ngày đêm, còn tại tỉnh Sóc Trăng hiện tại cũng có hơn 80.000 giếng khoan, trong đó chỉ riêng thị xã Vĩnh Châu đã có trên 22.000 giếng các loại. Ông Nguyễn Vũ Lâm, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Vĩnh Châu lo ngại: ” Do nguồn nước mặt phần bị nhiễm mặn, phần vì bị ô nhiễm nên những hộ chuyên canh hoa màu không còn đào giếng trữ nước nữa mà chuyển sang khai thác nước ngầm phục vụ tưới tiêu. Những hộ nuôi tôm, cá cũng vậy, họ rất cần nước ngầm để điều tiết độ mặn trong ao, giúp tôm, cá khỏi chết.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng, Trần Văn Thanh cho hay “Ở nhiều nơi trong tỉnh, nhất là vùng ven biển, nguồn nước ngầm đã bị nhiễm mặn. Mỗi năm mực nước ngầm sụt giảm 20-30cm do lạm dụng trong khai thác phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Việc khai thác nước ngầm nhiều, khi các giếng khoan hư hỏng không được trám lấp đúng quy trình cũng khiến nguồn nước bị ô nhiễm do nước mặt đi vào”.

Đâu là giải pháp?

Để đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ trồng trọt, sản xuất, sinh hoạt tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL trong thời gian tới, PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Trưởng khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên- trường Đại học Cần Thơ cho rằng, cần tăng cường quan trắc, dự báo sớm tình hình hạn, mặn cho nhân dân biết để chủ động triển khai các giải pháp trữ nước ngọt phục vụ sản xuất; các Bộ, ngành và địa phương cần tích cực hỗ trợ giống, kỹ thuật canh tác cho nông dân để chuyển diện tích đất trồng lúa thường xuyên thiếu nước canh tác sang trồng các loại cây khác ít tiêu thụ nước.

Tình hình hình hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra gay gắt trong thời gian vừa qua là vì lưu lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong về vùng hạ lưu đạt thấp, nên về lâu dài: “Rất cần có sự tham gia điều phối, giám sát hoạt động khai thác, đảm bảo an ninh nguồn nước giữa các quốc gia chung dòng sông Mê Công. Đồng thời, các Bộ, ngành chức năng tăng cường công tác quan trắc nắm rõ những biến động nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong giúp địa phương để đề ra kế hoạch phát triển sản xuất; bố trí quy hoạch lại đất đai, cây trồng mùa vụ cho phù hợp với điều kiện nguồn nước ngọt ngày càng khan hiếm; liên kết các tỉnh, thành để điều tiết nước, bảo vệ chất lượng nguồn nước; xây dựng các hồ chứa nước ngọt để tích trữ, điều tiết nước trong mùa khô cũng như mùa mưa”- PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Trưởng khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên- trường Đại học Cần Thơ nhấn mạnh.

images1732779
Tình trạng thiếu nước ngoạt phục vụ sinh hoạt của người dân tại tỉnh này cũng diễn ra gay gắt.

Bên cạnh đó, để ứng phó với tình trạng thiếu nước ngọt, hiện nay ở hết các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL cũng đã triển khai dự án lập quy hoạch nguồn nước mặt, nước dưới đất. Khi dự án này hoàn thành sẽ là tiền đề giúp cho công tác quản lý, sử dụng, bảo vệ  nguồn nước mặt cũng như nước ngầm tại mỗi đại phương được tốt hơn, đồng thời khắc phục được tình trạng gây ô nhiễm, khai thác nước ngầm tràn lan, ảnh hưởng xấu đến số lượng cũng như chất lượng nguồn tài nguyên nước.

Song song với các giải pháp trên, hiện nay tại tỉnh Sóc Trăng đang triển khai mô hình thu gom nước mưa. Ông Trần Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng cho biết, một trong những giải pháp đang được Sở Tài nguyên và Môi trường quan tâm thực hiện góp phần giúp người dân tích trữ nước ngọt là thực hiện mô hình thu gom nước mưa tại một số đơn vị trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên. “Trong thời gian sắp tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ nhân rộng mô hình này ra các địa bàn huyện, thị xã để người dân tích trữ nước ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn thiếu nước ngọt sinh hoạt nhất là thời điểm mùa khô đã cận kề”- Ông Trần Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng nói.

Một vấn đề nữa không kém phần quan trọng đang được các tỉnh, thành quan tâm thực hiện đó là tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân thực hiện các giải pháp đắp dập, gia cố bờ bao, tích trữ nước ứng phó với hạn, mặn. Vận động các hộ dân, công ty, doanh nghiệp sinh sống, sản xuất cặp kênh, rạch chấp hành nghiêm chỉnh các quy định bảo vệ môi trường, đồng thời xử lý nghiêm hành vi xả các loại rác thải nguy hại, nước thải ra sông, rạch gây ảnh hưởng chất lượng nguồn nước  mặt.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Cần Thơ, Nguyễn Minh Thế cho biết, trong thời gian tới ngoài công tác tuyên truyền thì Sở sẽ yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có lưu lượng xả thải lớn và nguồn xả thải có thể ảnh hưởng lớn đến chất lượng nguồn nước mặt sông Hậu phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để giám sát chặt chẽ lưu lượng, chất lượng nước thải. Đồng thời, các khu công nghiệp dọc sông Hậu cần sớm hoàn thiện hệ thống xử lý trung để xử lý nguồn nước đảm bảo các thông số theo quy định trước khi thải ra vùng tiếp nhận.

Nguồn: Lê Hùng – TN&MT

Tin khác đã đăng