Dự báo thách thức môi trường



Theo Bộ TN&MT, trong giai đoạn từ nay đến 2020, Việt Nam sẽ đối diện với 3 thách thức lớn về môi trường. Để giải quyết các thách thức này, cần sự đồng bộ từ chính sách, quản lý đến huy động nguồn lực.

thach-thuc-moi-truong
Ô nhiễm môi trường là thách lớn cho phát triển bền vững

* Cảnh báo sự cố môi trường gia tăng

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 đã thẳng thắn chỉ ra 3 thách thức lớn về môi trường của Việt Nam hiện nay và tương lai là tình trạng ô nhiễm, quản lý môi trường và biến đổi khí hậu.

Thách thức ảnh hưởng trực tiếp nhất đó là ô nhiễm môi trường và sự cố môi trường sẽ tiếp tục gia tăng, đa dạng sinh học tiếp tục suy giảm

Ô nhiễm tiếp tục xuất hiện trên nhiều mặt hoạt động của đời sống. Dự báo ô nhiễm nước tại lưu vực sông không giảm, ngập úng ở đô thị sẽ mở rộng và gia tăng. Nguyên nhân là do việc xả thải không qua xử lý hoặc xử lý không đạt yêu cầu của các nguồn thải từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, nước thải sinh hoạt, nước thải từ hoạt động khai khoáng. Ngập lụt sẽ mở rộng do hệ thống hạ tầng kỹ thuật xuống cấp, đầu tư không theo kịp đô thị hóa quá nhanh…

Tại các đô thị, khu sản xuất công nghiệp, ô nhiễm bụi vẫn duy trì ở mức cao. Đặc biệt, việc phát triển giao thông, xây dựng khiến phát phát bụi lớn vào môi trường. Ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, làng nghề vẫn là vấn đề đáng lo ngại, ô nhiễm nông nghiệp do sử dụng không hợp ký phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật cũng chưa được cải thiện.

Đặc biệt, Báo cáo chỉ rõ: Sự cố môi trường tiếp tục gia tăng, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, năng lực ứng phó còn nhiều hạn chế.

Thời gian qua, các sự cố môi trường liên quan đến xả thải trái phép, rò rỉ hóa chất, nổ hóa chất, vỡ bể chứa bùn thải… liên tiếp xảy ra dấy lên lo ngại cho cả xã hội. Các sự cố này gây thiệt hại về kinh tế của người dân và doanh nghiệp đồng thời về lâu dài, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

Thêm nữa, năng lực ứng phó với sự cố môi trường hiện nay còn rất hạn chế. Mặc dù từ Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã có quy định về ứng cứu sự cố môi trường song công tác thực thi ngoài thực tế còn nhiều bất cập. Hiện chúng ta mới chú trọng đến ứng cứu sự cố do thiên tai, do tràn dầu chứ chưa xây dựng được quy trình ứng phó với các sự cố môi trường khác. Các cơ quan liên quan đến ứng phó sự cố môi trường cũng thiếu và không có đơn vị chuyên trách cho các sự cố môi trường.

Một trong những thách thức về môi trường là đa dạng sinh học suy giảm, từ hệ sinh thái rừng tự nhiên, rừng ngập mặn, hệ sinh thái biển… Số lượng các loài bị đe dọa tuyệt chủng gia tăng…

* Nhiều bất cập về quản lý môi trường

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2011-2015 chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý môi trường, từ hệ thống văn bản pháp luật đến năng lực quản lý, huy động nguồn lực tài chính; từ quản lý chất thải rắn đến kiểm soát nguồn thải; từ khó khăn trong xã hội hóa đến chưa thực sự chủ động hợp tác quốc tế.

Một số vấn đề liên quan đến quản lý môi trường cần sớm khắc phục tồn tại. Đó là cần giải quyết sự chồng chéo, không rõ ràng, chưa đầy đủ và thiếu tính đồng bộ, hệ thống trong các quy định của văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng thời có giải pháp đến huy động được nguồn tài chính đủ cho việc đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường nhất là hệ thống thu gom, xử lý nước thải; thu gom, vận chuyển, xử lý và chôn lấp rác thải trong khi khả năng đáp ứng của ngân sách và từ xã hội đều không đảm bảo, đặt ra thách thức đối với công tác bảo vệ môi trường.

Đặc biệt là năng lực quản lý nhà nước về BVMT cần được tăng cường hơn nữa để theo kịp với sự phát sinh và tính chất ngày càng phức tạp của các vấn đề môi trường. Cơ quan về TN&MT từ Trung ương đến địa phương cần thể hiện từ vai trò điều phối, giúp Chính phủ và chính quyền các cấp thống nhất quản lý nhà nước về môi trường.

* Biến đổi khí hậu – thách thức xuyên thế kỷ

Thực tế, biến đổi khí hậu đã âm thầm tác động đến môi trường nhiều năm qua. Điều đó thể hiện qua thiên tai bất thường và ảnh hưởng nặng nề. Trong tương lai, biến đổi khí hậu sẽ khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra phức tạp, trên nhiều lĩnh vực, như ô nhiễm lưu vực sông, ô nhiễm biển, không khí…

Biến đổi khí hậu khiến nhân loại đặt ra vấn đề chuyển dịch mô hình tăng trưởng, đưa ra cách thức tiếp cận mới về tăng trưởng kinh tế, quản lý tài nguyên nhiên nhiên và BVMT, thúc đẩy an sinh xã hội. Điều đó đặt ra cho Việt Nam cần sớm nắm bắt xu thế và có những bước đi phù hợp trong nỗ lực thích ứng với BĐKH trên phạm vi toàn cầu.

Với hiện trạng công nghệ sản xuất ở Việt Nam hiện nay, việc thay đổi công nghệ mới phù hợp với nền kinh tế xanh để thực hiện tăng trưởng xanh là thách thức không nhỏ nếu không có sự trợ giúp về vốn và công nghệ của các nước phát triển có công nghệ cao trên thế giới.

Những thách thức về môi trường ấy đòi hỏi Việt Nam cần có chiến lược nhìn xa trông rộng để môi trường thực sự là trụ cột trong phát triển bền vững.

Nguồn: Bộ TN&MT

 

 

Tin khác đã đăng