Hiến kế “cứu” những bờ biển xói lở



“Địa kỹ thuật bờ biển, bờ sông và giải pháp địa kỹ thuật chống biến đổi khí hậu” là chủ đề Hội nghị quốc tế đang diễn ra tại Hà Nội. Tại đây, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã cung cấp nhiều giải pháp công nghệ nhằm “cứu” các bờ biển đang xói lở nghiêm trọng của Việt Nam.

bien-xoi-lo
Bờ biển Cửa Đại tan hoang vì biển xâm thực 

GS Kazuya Yasuhara – Viện Khoa học thích ứng biến đổi toàn cầu, Đại học Ibaraki, Nhật Bản – cho biết, ông đang xây dựng một giải pháp chống xói mòn bờ biển có tên là kè mềm bêtông rỗng. Giải pháp này đã được thi công tại đê biển Hải Hậu (Nam Định) – một trong những bãi biển xói mòn điển hình của Việt Nam, dự kiến hoàn thành trong năm 2016.

Theo đó, các chuyên gia sử dụng kè mềm hình chữ T làm bằng bêtông rỗng để đưa vào từ đỉnh đê biển. “Giải pháp này đã được ứng dụng rất thành công tại Nhật Bản. Đây là giải pháp tiềm năng để chống xói lở ở nhiều bờ biển của Việt Nam” – GS Yasuhara nói và cho biết, việc dùng kè mềm có chi phí rẻ hơn nhiều so với bêtông nặng, cấu kiện cứng.

PGS-TS Vũ Minh Cát – Đại học Thủy lợi cho rằng, để “cứu” bờ biển Việt Nam cần có giải pháp tổng thể. Đại học Thủy lợi đã đề xuất với Nhà nước giải pháp đê siêu bền, tức kết hợp công trình giao thông và đê, chiều rộng không phải 5m như hiện nay mà có thể đến 50m, dân cư có thể sinh sống phía trong. Mặt đê có thể cao 5-7m kéo dài vào bên trong, tạo lá chắn lớn tránh nước biển dâng. Giải pháp này tạo nên sự đồng bộ giữa hạ tầng thủy lợi, hệ thống giao thông với các công trình khác. Tuy nhiên, theo TS Vũ Minh Cát, kinh phí cho mỗi kilômét đê như vậy khoảng 100 tỷ đồng, nên cần chọn những vị trí quan trọng để thực hiện.

Nguồn: K.Linh – Bộ TN&MT

Tin khác đã đăng