Nhiệt điện than cần có giải pháp bảo vệ môi trường



Tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo “Công nghệ nhiệt điện than và môi trường”. Sự kiện nhằm đưa ra các giải pháp nâng cao độ ổn định, tin cậy, hiệu quả và giảm thiểu phát thải cho nhiệt điện than.

nhiet-dien-than
Toàn cảnh hội thảo

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2020, tổng công suất nhiệt điện than khoảng 26.000 MW chiếm 49,3% lượng điện sản xuất; năm 2025 đạt khoảng 47.600 MW, chiếm 55% điện sản xuất; năm 2030 đạt 55.300 MW chiếm 53,2% điện sản xuất. “Để giảm tỷ lệ nhiệt điện than không hề đơn giản vì rất khó tìm nguồn thay thế, trong khi các dự án thủy điện vừa và lớn đã khai thác gần hết, nguồn khí tự nhiên khai thác cũng đã đến giới hạn và triển vọng nhập khí hóa lỏng sẽ diễn ra sau 2025”, TS. Nguyễn Mạnh Hiến, Nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nói.

Lo ngại chất thải từ các nhà máy nhiệt điện than có thể gây nguy hại đến môi trường, nhiều chuyên gia cho rằng, các Bộ ngành phải nâng cao hơn nữa vai trò quản lý Nhà nước và xử lý nghiêm sai phạm. Để giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường trong nhiệt điện than, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, phương thức thải xỉ khô được đánh giá là một trong những biện pháp tiết kiệm tài nguyên nước và năng lượng so với phương pháp thải xỉ ướt và là một giải pháp thúc đẩy quá trình tái sử dụng tro, xỉ.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng An toàn sức khỏe và Môi trường thuộc Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng cho biết, Chính phủ và Bộ Xây dựng đã đưa ra những quyết định và chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng tro xỉ làm nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy xi măng và sản xuất bê – tông đầm lăn, nhưng hiện sự “bắt tay” này đang bị chững lại. Nguyên nhân là do nhiều nhà máy xi măng khi bắt đầu xây dựng đã không nêu rõ việc sử dụng tro xỉ làm vật liệu đầu vào để sản xuất, do vậy việc xin phép sẽ rất mất thời gian.

“Thời gian gần đây, nhiệt điện Vũng Áng phải đình lại việc cung cấp tro xỉ, nếu không cho vận chuyển đi sẽ có nguy cơ phải đóng cửa nhà máy, do vậy các Bộ, ngành cần sớm xem xét và tháo gỡ cho các đơn vị có nhu cầu sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng để giải phóng lượng chất thải đang bị tồn,” ông Thanh nói.

Theo TS. Trương Duy Nghĩa Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam chia sẻ, để giảm thiểu tác động đến môi trường, các nhà máy nhiệt điện than cần phải sử dụng các biện pháp khử các chất độc hại trước khi thải ra môi trường. Ngoài ra, theo các chỉ số đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt, các phương pháp xử lý chất thải phải áp dụng công nghệ hiện đại, có mức đầu tư lớn.

“Nếu chỉ số đánh giá tác động môi trường được thực hiện nghiêm túc, việc xử lý các chất thải độc hại tại các nhà máy nhiệt điện than sẽ không tác động đến môi trường.

Tuy vậy, các nhà máy nhiệt điện vẫn cần phải tổ chức quan trắc thường xuyên để đánh giá kết quả xử lý. Hơn nữa, do số lượng chất thải lớn nên hệ thống quan trắc cần được ghi chép tự động và nối mạng với hệ thống quan trắc chung” – TS. Trương Duy Nghĩa lưu ý.

“Trong quá trình khai thác, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình vận hành, từng bước đầu tư, xây dựng năng lượng tái tạo với lộ trình thích hợp cũng như tiếp tục triển khai sâu rộng chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp tiêu thụ ít năng lượng”, TS. Nguyễn Mạnh Hiến nêu rõ.

Đại diện EVN cho biết, các nhà máy nhiệt điện than của EVN đều sử dụng hệ thống thiết bị lọc bụi tĩnh điện hiệu suất cao. Quy trình xử lý bụi và khí thải là quy trình đầy đủ, phổ biến hiện nay của các nhà máy nhiệt điện đốt than trên thế giới. Hệ thống xử lý nước thải công nghiệp đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Nước làm mát tuần hoàn tại điểm đầu ra kênh thải luôn thấp hơn 40oC theo quy định.

Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Hoàng Quốc Vượng cho biết:  Bộ Công Thương đã có Chỉ thị số 11/CT-BCT ngày 19/10/2016 về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương nói chung, các nhà máy nhiệt điện nói riêng.

Rút kinh nghiệm từ các vụ việc xả thải ra môi trường vừa qua, Thứ trưởng đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường hơn nữa vai trò và trách nhiệm của mình, đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát và có biện pháp nghiêm minh với các chủ đầu tư không tuân thủ các quy định khi thực hiện dự án. Đồng thời, Bộ Công Thương đã thành lập Đoàn kiểm tra các nhà máy điện nhằm đảm bảo các dự án này khi xây dựng và vận hành phải theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được các cơ quan Nhà nước thẩm định và phê duyệt.

Nguồn: Vũ Vân – Bộ TN&MT

Tin khác đã đăng