Quản lý chặt chẽ và khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên đá vôi



Ảnh minh họa  Theo Kế hoạch thanh tra năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan trong khai thác, sử dụng đá vôi của 44 tổ chức, cá nhân/51 Giấy phép khai thác […]

khai-thac-da-voi
Ảnh minh họa

 Theo Kế hoạch thanh tra năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan trong khai thác, sử dụng đá vôi của 44 tổ chức, cá nhân/51 Giấy phép khai thác tại 09 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Kiên Giang, Tây Ninh và Bình Phước. Đồng thời, Bộ đã tổng hợp số liệu, thông tin từ báo cáo của các tỉnh, thành phố có hoạt động khai thác đá vôi để nắm bắt được tình hình quản lý, khai thác, sử dụng đá vôi trên phạm vi toàn quốc.

Hoạt động khai thác, sử dụng đá vôi dần đi vào nền nếp

Theo quy định tại Điều 82 Luật khoáng sản, thẩm quyền cấp phép thăm dò, khai thác đá vôi làm nguyên liệu xi măng, đá vôi làm khoáng chất công nghiệp, làm vật liệu trang trí, ốp lát thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường; đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh. Theo thống kê, đến ngày 31/12/2015 có 191 Giấy phép khai thác đá vôi được cơ quan Trung ương cấp phép đang còn hiệu lực. Theo báo cáo của 28/31 tỉnh, thành phố có khoáng sản đá vôi, UBND các tỉnh, thành phố đã cấp theo thẩm quyền 688 Giấy phép khai thác đá vôi làm VLXDTT đang còn hiệu lực.

Kết quả thanh tra cho thấy 09 tỉnh, thành phố đã cấp 207 Giấy phép khai thác đá vôi làm VLXDTT. Theo số liệu thống kê, tổng sản lượng khai thác năm 2014 của các tỉnh nêu trên gồm đá vôi làm nguyên liệu xi măng (60.508.833 tấn) và đá vôi làm vật liệu xây dựng (13.058.768 m3).

Nhìn chung, UBND các tỉnh, thành phố liên quan đã quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản nói chung; kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện. Nhờ đó, hoạt động khoáng sản nói chung và khai thác, sử dụng đá vôi trên địa bàn đã từng bước đi vào nề nếp và đạt được kết quả nhất định. Hoạt động cấp phép thăm dò, khai thác đá vôi VLXDTT của các địa phương đều đã có quy hoạch, các mỏ đã được thăm dò, phê duyệt trữ lượng làm cơ sở cấp phép khai thác. Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý theo thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về khoáng sản, pháp luật khác liên quan được thực hiện khá thường xuyên.

Các đơn vị khai thác đá vôi đã chú ý đầu tư chiều sâu vào công nghệ, thiết bị khai thác đá vôi gắn với bảo vệ môi trường, nhất là các doanh nghiệp khai thác đá vôi nguyên liệu xi măng có quy mô lớn. Qua thanh tra cho thấy các đơn vị được thanh tra đã thực hiện khá đầy đủ các nghĩa vụ.

Hoạt động khai thác đá vôi đã góp phần quan trọng cho việc thúc đẩy kinh tế – xã hội, thay đổi cơ cấu kinh tế tại địa phương, làm thay đổi diện mạo khu vực và đem lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước; tạo việc làm cho người dân địa phương, tạo điều kiện thúc đẩy các ngành kinh tế, dịch vụ hỗ trợ cho việc khai thác, chế biến sử dụng khoáng sản phát triển, tạo điều kiện phát triến cơ sở hạ tầng, ổn định, cải thiện đời sống nhân dân địa phương nơi có khoáng sản. Theo thống kê chưa đầy đủ tại 09 tỉnh, thành phố đã thanh tra, hoạt động khai thác đá vôi đã giải quyết được việc làm cho gần 70.000 lao động; hàng năm nộp vào ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, đóng góp cho địa phương nơi có khoáng sản khai thác gần 60 tỷ đồng. Nhiều đơn vị đã thực hiện tốt nghĩa vụ hỗ trợ cho địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác thông qua việc hỗ trợ cải tạo, xây dựng đường giao thông; xây dựng các công trình phúc lợi như trường học, nhà trẻ.

Ngoài những kết quả đạt được, trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản nói chung và hoạt động khai thác, sử dụng đá vôi của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn các tỉnh đã thanh tra cũng như các địa phương khác còn có một số tồn tại, hạn chế.

Qua thanh tra và báo cáo của các địa phương cho thấy, có nhiều doanh nghiệp được phép khai thác đá vôi VLXDTT nhưng đã thu hồi đá vôi làm nguyên liệu xi măng, làm vôi công nghiệp với tỷ lệ đáng kể để bán cho các đơn vị sản xuất xi măng, sản xuất vôi công nghiệp. Thực tế này dẫn tới bất cập là nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng, vôi công nghiệp không có Giấy phép khai thác đá vôi vẫn hoạt động bình thường. Điều này đã tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị và gây thất thu ngân sách nhà nước. Một số đơn vị có diện tích và công suất khai thác nhỏ chưa thực hiện đúng thiết kế mỏ đã phê duyệt gây ảnh hưởng xấu đến môi trường; đặc biệt là có nguy cơ cao về mất an toàn lao động trong quá trình khai thác. Nhiều khu vực khai thác đá vôi tập trung, nhất là khai thác đá vôi quy mô nhỏ tại nhiêu địa phương hoạt động dọc quốc lộ, tỉnh lộ có những tác động tiêu cực tới các khu du lịch, danh lam, thắng cảnh.

Trong quá trình thanh tra, các Đoàn thanh tra đã ban hành 05 quyết định xử phạt hành chính đối với 05 tổ chức, cá nhân có các hành vi vi phạm với tổng số tiền phạt là 1,330 tỷ đồng. Ngoài ra, đã lập biên bản vi phạm hành chính và gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền của địa phương xử phạt 05 tổ chức, cá nhân có các hành vi vi phạm với số tiền là 1,090 tỷ đồng; kiến nghị dừng khai thác đối với 04 tổ chức và cá nhân vì lý do khai thác khi Giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn; khai thác khi chưa có hợp đồng thuê đất; khai thác không đúng công nghệ, hệ thống khai thác được nêu trong thiết kế mỏ đã phê duyệt; khai thác ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác.

Tăng cường hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng đá vôi

Để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản nói chung và quản lý, khai thác, sử dụng đá vôi nói riêng, đưa hoạt động khai thác, sử dụng đá vôi vào nền nếp, phát huy tối đa hiệu quả của nguồn tài nguyên khoáng sản này cần:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện “Đề án điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng đá hoa trắng phía Bắc Việt Nam” đảm bảo tiến độ hoàn thành trong giai đoạn 2016-2018; đề nghị phê duyệt để triển khai “Đề án điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng đá carbonat Việt Nam” để thực hiện trong giai đoạn 2017-2020. Qua đó làm rõ tiềm năng và khoanh định các khu vực khoáng sản đá hoa trắng, đá carbonat cần tiếp tục thăm dò, khai thác làm nguyên liệu xi măng, đá ốp lát, khoáng chất công nghiệp, sản xuất vôi công nghiệp cũng như các khu vực chỉ làm VLXDTT; khoanh định các khu vực cấm, khu vực cần bảo vệ, không thăm dò, khai thác vì lý do: bảo vệ cảnh quan môi trường, di tích lịch sử – văn hóa và di sản địa chất.

Thứ hai, cần nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật, công nghệ khai thác của các mỏ khai thác đá vôi quy mô nhỏ tại nhiều địa phương chuyển đổi công nghệ từ khai thác không cắt tầng sang công nghệ khai thác lớp xiên, có cắt tầng để bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường.

Thứ ba, đánh giá tình hình cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng và cấp phép khai thác đá vôi làm VLXDTT (giai đoạn 2010-2015); đánh giá thực trạng thu hồi, sử dụng và tiêu thụ đá vôi làm nguyên liệu xi măng, làm vôi công nghiệp cũng như làm đá trang trí, ốp lát trong quá trình khai thác đá vôi làm VLXDTT trên địa bàn địa phương để có giải pháp quản lý hợp lý, phù hợp với thực tiễn, trong đó có việc tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đúng, đủ theo quy định.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22/12/2011 về việc phê duyệt chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ và tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản. Theo đó, không gia hạn khai thác đối với các khu vực khai thác đá vôi VLXDTT đã cấp phép ở chân sườn đồi, núi, dọc theo các tuyến đường quốc lộ để bảo vệ cảnh quan; hạn chế và đi đến chấm dứt cấp phép khai thác đá vôi theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ.

Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi: khai thác khoáng sản khi không có thiết kế mỏ, không đúng thiết kế, công nghệ khai thác đã duyệt; khai báo sai sản lượng khoáng sản khai thác thực tế; khai thác vượt công suất cho phép; lập bản đồ hiện trạng, mặt cắt hiện trạng không đúng quy định. Đình chỉ, thậm chí xem xét thu hồi giấy phép đối với tổ chức, cá nhân khai thác gây mất an toàn lao động; gây tổn thất lớn khoáng sản; gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tác động xấu đến cảnh quan môi trường, di tích lịch sử – văn hóa; di sản địa chất.

Nguồn: Bộ TN&MT

Tin khác đã đăng