Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên trong điều kiện biến đổi khí hậu



Ngày 3/11, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý đất Đai (Bộ TN&MT) phối hợp với Trường Đại học Kinh tế quốc dân và Vụ Kinh tế, nông thôn – Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên trong điều kiện biến đổi khí hậu”.

quan-ly-va-su-dung-tai-nguyen
Chủ tọa hội thảo khoa học

Tham dự hội thảo có TS. Nguyễn Quốc Ngữ – Hàm Vụ trưởng, Ban Kinh tế Trung ương; TS. Lê Văn Lịch – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai, GS. TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân cùng Ban Lãnh đạo nhà trường, đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên, nghiên cứu sinh.

Tại hội thảo khoa học, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề trong quản lý và sử dụng các loại tài nguyên thiên nhiên từ góc độ hiệu quả kinh tế, quy mô,  năng lực cạnh tranh; các cách tiếp cận và các kinh nghiệm trong nước và quốc tế trong quản lý, sử dụng tài nguyên bền vững về kinh tế – xã hội – môi trường.

PGS. TS Vũ Thị Minh, Trưởng Khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) cho biết, hội thảo đã nhận được 46 bài viết của các tác giả phân tích các vấn đề dưới những góc độ nghiên cứu khác nhau. Trong đó, một vấn đề nổi bật là, cần thiết phải có cách tiếp cận quản lý tổng hợp cho việc quản lý sử dụng và bảo vệ tài nguyên.

Dù Chính phủ đã có khá nhiều chính sách liên quan đến quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, nhưng những chính sách này lại ít khi đề cập đến nhiều vấn đề, mà thường mỗi chính sách chỉ quan tâm đến việc giải quyết 1 vấn đề chuyên biệt như: phát triển nguồn năng lượng, kiểm soát ô nhiễm môi trường, làm việc với các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các dự án phát triển hoặc bảo vệ đa dạng sinh học…

Nguyên nhân là các Bộ, ngành, các nhà khoa học, những người làm công tác xã hội hoặc các thành phần liên quan khác có thể không theo đuổi các hoạt động cần có sự phối hợp và liên kết với nhau. Những cách tiếp cận truyền thống về quản lý và sử dụng tài nguyên không thể đáp ứng được các nhu cầu có tính thời sự này.

TS. Lê Văn Lịch – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai cho rằng: Trong lĩnh vực quản lý đất đai, hiện khó nhất là định giá đất nông nghiệp, đặc biệt trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Vấn đề này chiếm đến 70% đơn thư khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai trong thời gian qua. Hiện, Tổng cục Quản lý đất vẫn đang tập trung xây dựng Nghị định sử đổi bổ sung Luật đất đai 2013, nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai.

Bên cạnh đó, các chuyên gia, các nhà khoa học đã nêu nhiều ý kiến đa chiều về các vấn đề đang nảy sinh trong thực tế, cách tiếp cận và hướng giải pháp để hoàn thiện quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước, rừng… Trong đó, nhiều đại biểu nhấn mạnh phát triển thị trường để nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn được phân bổ, sử dụng một cách tiết kiệm, hiệu quả và công bằng trong dài hạn.

Nguồn: Khánh Ly – Bộ TN&MT

Tin khác đã đăng