Sẽ hoàn thiện hệ thống theo dõi, giám sát vận hành hồ chứa



Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông, các chủ hồ đã nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc phối hợp vận hành điều tiết để giải quyết những vấn đề cấp nước, phòng chống lũ cho hạ du. Tuy vậy, thực tế việc triển khai các quy trình này còn nhiều bất cập cần có những giải pháp tổng thể nhằm khai thác, sử dụng nước hiệu quả. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Hoàng Văn Bẩy (ảnh) – Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT).

giam-sat-van-hanh-ho-chua
Quy trình vận hành liên hồ chứa cần có giải pháp tổng thể. Ảnh: MH

PV: Xin ông cho biết đôi nét về tình hình thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông mà Bộ TN&MT xây dựng trình Chính phủ ban hành? Thuận lợi và khó khăn khi triển khai trên thực tế?

Ông Hoàng Văn Bẩy: Theo quy định của Luật Tài nguyên nước (TNN), tất cả các hồ chứa thủy điện, thủy lợi dù lớn hay nhỏ đều phải thực hiện vận hành theo quy trình vận hành do cấp có thẩm quyền ban hành để đáp ứng các yêu cầu phòng, chống lũ, lụt, hạn hán nhân tạo, duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, bảo đảm các nhu cầu sử dụng nước dưới hạ du. Luật cũng quy định, đối với các hồ thủy điện, thủy lợi lớn, quan trọng thì phải vận hành theo quy trình liên hồ, các hồ chứa còn lại vận hành theo quy trình đơn hồ.

Hiện nay, ở nước ta có gần 7.000 hồ chứa lớn nhỏ các loại. Trong số đó, chỉ có 64 hồ chứa thủy điện, thủy lợi lớn, quan trọng trên 11 lưu vực sông phải vận hành theo các quy trình vận hành lliên hồ đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Như vậy, hầu hết các hồ thủy lợi, thủy điện còn lại sẽ phải vận hành theo quy trình đơn hồ do Bộ NN&PTNT hay Bộ Công Thương hoặc UBND cấp tỉnh ban hành.

Đến nay, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 lưu vực sông lớn gồm: sông Hồng, sông Mã, sông Cả, sông Hương, sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Trà Khúc, Kôn – Hà Thanh, sông Ba, sông Sê San, sông SrêPôk và sông Đồng Nai. Theo đó có 64 hồ chứa đang thực hiện vận hành theo các quy trình đó trong cả mùa cạn và mùa lũ.

Vào mùa cạn năm 2015 – 2016, trong bối cảnh ảnh hưởng của hiện tượng Elnino, dòng chảy đến các hồ ở mức thấp lịch sử, nhưng do có quy trình vận hành điều tiết nước chặt chẽ nên các hồ chứa trên 11 lưu vực sông nêu trên cung cấp bổ sung cho hạ du khoảng 65 tỷ m3, riêng khu vực miền Trung và Tây Nguyên khoảng 17,4 tỷ m3. Đây là lượng nước đặc biệt có ý nghĩa, đã góp phần hạn chế tình trạng hạn hạn, thiếu nước ở hạ du. Thực tế cho thấy, trong đợt hạn hán lịch sử vừa qua, các khu vực ở hạ du được các hồ nêu trên điều tiết về cơ bản đã bảo đảm duy trì nguồn nước cấp trong cả mùa cạn, tình trạng thiếu nước gay gắt nhất chủ yếu xảy ra ở những khu vực khác. Còn trong mùa lũ, các hồ chứa này sẽ không được tích đầy hồ mà phải dành một lượng dung tích để cắt, giảm lũ cho hạ du khi có lũ. Mặc dù dung tích phòng lũ của các hồ không lớn, không có khả năng cắt lũ như các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, nhưng có thể tham gia giảm lũ đáng kể cho hạ du.

Từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy trình vận hành liên hồ đến nay, các chủ hồ đã nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc phối hợp vận hành điều tiết để giải quyết những vấn đề cấp nước, phòng chống lũ cho hạ du, các trường hợp tranh chấp, phát sinh đã giảm dần. Để phối hợp vận hành trên từng lưu vực sông có hiệu quả, ngoài những vấn đề về năng lực dự báo, năng lực vận hành hồ, thì vấn đề bảo đảm thông tin kịp thời, thống nhất là hết sức quan trọng. Trong khi đó, hiện nay, hầu hết trên các lưu vực sông đều thiếu các trạm quan trắc diễn biến lưu lượng, mực nước trên sông, thiếu công cụ để có thể giám sát việc vận hành xả nước xuống hạ du của từng hồ… Đây là khó khăn lớn nhất để nâng cao hiệu quả phối hợp vận hành của các hồ, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các quy trình liên hồ.

PV: Theo ông, để các quy trình vận hành liên hồ chứa sau khi  ban hành và được triển khai có hiệu quả, cần có những yêu cầu gì đối với địa phương và chủ các công trình thủy điện? Trách nhiệm cụ thể như thế nào?

Ông Hoàng Văn Bẩy: Nhận thức được vai trò quan trọng của các địa phương và chủ hồ trong việc đảm bảo hiệu quả của công tác phòng, chống lũ và cấp nước cho hạ du, trong các Quy trình liên hồ đã gắn trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan, nhất là các giám đốc đơn vị quản lý, vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện và trách nhiệm của các địa phương, các cơ quan trong việc phối hợp vận hành, điều tiết các hồ với công tác phòng, chống lũ và cấp nước cho hạ du của 11 lưu vực sông nói trên để đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường của các địa phương trên các lưu vực sông lớn, quan trọng của nước ta.

Đối với các địa phương, đây là nhiệm vụ mới và cũng rất phức tạp. Ngoài vấn đề tăng cường trách nhiệm, cần phải tăng cường năng lực của cơ quan chuyên môn, nhất là Sở NN&PTNT, Sở TN&MT để tham mưu, xử lý những vấn đề phát sinh hàng ngày, hàng giờ, cần thiết phải lập bộ phận chuyên trách để tư vấn kỹ thuật xử lý các tình huống, nhất là trong trường hợp xuất hiện lũ. Đồng thời, cần tập trung chỉ đạo phối hợp chặt chẽ lịch lấy nước ở hạ du với lịch điều tiết của các hồ ở thượng nguồn để tránh lãng phí nguồn nước.

Đối với các chủ hồ, ngoài việc tuân thủ nghiêm túc các quy định cụ thể của quy trình từ việc quan trắc, dự báo, cung cấp thông tin số liệu đến việc vận hành điều tiết trong từng trường hợp, tình huống cụ thể, cần tự động hóa việc quan trắc, truyền tin, tăng cường năng lực dự báo dòng chảy đến hồ và năng lực xử lý các tình huống phát sinh, nhất là trong thời gian hạn hán hoặc mưa lũ.

PV: Thanh tra, kiểm tra việc quản lý, vận hành các hồ chứa thủy điện là một giải pháp để giám sát các quy định của pháp luật có được triển khai trên thực tế hay không? Về vấn đề này, Cục đã có những kế hoạch cụ thể như thế nào?

Ông Hoàng Văn Bẩy: Như đã nói ở trên, riêng về quy trình vận hành các hồ chứa, theo quy định của Luật TNN, Bộ TN&MT chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy trình vận hành liên hồ chứa đối với 64 hồ chứa thủy điện lớn, quan trọng trên 11 lưu vực sông. Còn lại khoảng 800 hồ chứa thủy điện và gần 7.000 hồ chứa.

Ngay từ cuối mùa lũ, đầu mùa cạn vừa qua, Cục Quản lý tài nguyên nước tổ chức nhiều đoàn công tác đi làm việc, hướng dẫn các chủ hồ, địa phương trong việc thực hiện Quy trình; hướng dẫn, xử lý các trường hợp cụ thể; lập tổ công tác để theo dõi, giám sát việc vận hồ; thiết lập kênh thông tin trực tiếp giữa Cục với các đơn vị quản lý vận hành hồ để cung cấp thông tin số liệu vận hành hằng ngày, kịp thời xử lý các trường hợp phát sinh… Trong quá trình theo dõi, Cục đã phát hiện một số trường hợp vận hành chưa đúng quy định đã có thông báo, nhắc nhở chủ hồ, kể cả bằng văn bản. Đồng thời, Cục cũng đã lập các đoàn kiểm tra đột xuất, qua đó đã chấn chỉnh, xử lý kịp thời và đã xử phạt một số chủ hồ như: Đăk Mi4, Srêpok, An Khê – Ka Nak. Hiện nay, Bộ đã thành lập các Đoàn thanh tra việc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa trên 6 Lưu vực sông lớn là: sông Hồng, sông Mã, sông Cả, sông Hương, sông Trà Khúc và sông Kôn – Hà Thanh và Đoàn thanh tra đang làm việc với 22 chủ hồ về việc thực hiện các quy định của Quy trình liên hồ cũng như việc thực hiện các quy định về cấp phép.

Đồng thời, Cục Quản lý tài nguyên nước cũng đã xây dựng thử nghiệm và đang hoàn thiện hệ thống theo dõi, giám sát việc vận hành hồ và dữ liệu quan trắc thủy văn trực tuyến, bước đầu cho thấy hệ thống này khá hiệu quả phục vụ đắc lực công tác chỉ đạo, điều hành và kiểm tra, giám sát việc vận hành của các hồ chứa.

Trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục thanh tra, kiểm tra việc vận hành của các hồ chứa theo Quy trình liên hồ trên các lưu vực sông Đồng Nai, sông Ba, sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Se San và lưu vực sông Srêpok và kiểm tra đột xuất, Cục sẽ tập trung theo dõi, giám sát thường xuyên việc vận hành, việc vận hành bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ thông qua việc áp dụng công nghệ giám sát vận hành tự động trực tuyến nhằm bảo đảm việc tuân thủ Quy trình, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, đồng thời nâng cao hiệu quả phối hợp vận hành điều tiết, cấp nước cho hạ du.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Xuân Phương – TN&MT

Tin khác đã đăng