Thi hành Luật Đất đai 2013 ở địa phương: Nhiều vấn đề cần giải quyết



Thực hiện Luật Đất đai 2013, các địa phương trên cả nước đã chủ động, tập trung nguồn lực cho việc triển khai thi hành các nội dung về quản lý Nhà nước và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tuy vậy, qua công tác thanh, kiểm tra của Bộ TN&MT tại một số địa phương cho thấy còn nhiều bất cập.

Ban hành văn bản trái thẩm quyền

Theo ông Trần Hùng Phi, Cục trưởng Cục kiểm soát, quản lý và sử dụng đất, trong hơn 2 năm qua, cùng với việc tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thi hành Luật Đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai và Thanh tra Bộ TN&MT đã tổ chức 13 đoàn kiểm tra và 3 đoàn thanh tra thi hành luật tại 15 tỉnh, thành phố. Qua kiểm tra cho thấy, các địa phương đã nghiêm túc triển khai, tạo được nhiều chuyển biến trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Tuy vậy, 15 tỉnh, thành ban hành văn bản theo thẩm quyền được giao còn chậm nhiều tháng so với thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực (1/7/2015). Đặc biệt, nhiều nội dung đến thời điểm kiểm tra vẫn chưa được quy định, tỉnh ít nhất chậm 4/31 nội dung; tỉnh nhiều nhất 13/31 nội dung. Đồng thời, có nhiều nội dung đã quy định nhưng chưa cụ thể, chưa phù hợp thực tế hoặc chưa đúng pháp luật đất đai hiện hành, trong đó, tỉnh ít nhất là 3 nội dung, nhiều nhất là 23 nội dung không đúng. Còn tình trạng ban hành nhiều nội dung, văn bản không đúng thẩm quyền theo quy định của Luật, Nghị định và Thông tư.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phổ biến của 15 địa phương còn chưa thường xuyên, chủ yếu thực hiện từ năm 2014, các văn bản ban hành từ 2015 đến nay hầu như chưa được tuyên truyền, phổ biến. Một số cơ quan chuyên môn cấp huyện, xã được kiểm tra vẫn chưa biết để thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trong năm 2015 – 2016.

luat-dat-dai-2013

Thực hiện Luật Đất đai 2013 tại một số địa phương còn nhiều bất cập. Ảnh: Hoàng Minh

Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn hạn chế

Theo báo cáo của các địa phương, việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để được giao đất cho các dự án, công trình sau khi Luật Đất đai có hiệu lực đã có chuyển biến tích cực, tình trạng khiếu nại khi thu hồi đất cho các dự án đã giảm mạnh, ít phát sinh các vụ việc mới so với trước đây. Tuy vậy, việc này còn một số hạn chế, cụ thể: việc thu hồi giải phóng mặt bằng tại một số địa phương còn chậm, nhất là các dự án thực hiện khi thay đổi cơ chế chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Nhiều dự án lớn thực hiện kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành, ảnh hưởng tiến độ đầu tư, đời sống người dân và tác động đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Việc thực hiện thủ tục thu hồi, bồi thường, tái định cư vẫn còn một số trường hợp chưa thực hiện đúng quy định: một số dự án chưa có quy hoạch, kế hoạch xây dựng các khu tái định cư, hoặc chưa hoàn thành xây dựng khu tái định cư đã có quyết định thu hồi đất; không xây dựng kế hoạch kiểm đếm trước khi thông báo thu hồi đất; còn có trường hợp diện tích thu hồi và giao đất vượt 6.000 m2 so với nhu cầu ghi trong dự án của chủ đầu tư…

Một số địa phương thực hiện quy định về ủy quyền thu hồi đất của cấp tỉnh cho cấp huyện chưa thống nhất, việc xác định trách nhiệm của các cấp trong việc phê duyệt phương án bồi thường còn chưa chặt chẽ. Có địa phương cấp huyện được ủy quyền quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường; có địa phương ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định thu hồi đất, còn phương án bồi thường vẫn do cấp tỉnh; có địa phương UBND tỉnh chỉ ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định thu hồi đất đối với các dự án liên quan quan đến nhiều huyện.

Thanh kiểm tra còn hình thức

Cũng theo ông Trần Hùng Phi, Cục trưởng Cục kiểm soát, quản lý và sử dụng đất, mặc dù công tác thanh kiểm tra ở các địa phương được duy trì, chỉ đạo thực hiện hàng năm, ban hành kết luận theo quy định pháp luật, có theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình tra tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị; việc giải quyết đơn thư được thực hiện trên 85%. Tuy vậy, số lượng thanh tra đất đai ở các cấp còn hạn chế so với yêu cầu. Đối tượng thanh kiểm tra mới chủ yếu với người sử dụng đất, còn với cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai còn chưa được thực hiện, hoặc thực hiện không đáng kể. Việc công khai kết quả thanh kiểm tra theo quy định còn hình thức, nội dung công khai chưa đầy đủ và thiếu thống nhất, đặc biệt, nhiều địa phương chưa công khai các tổ chức sử dụng đất đang vi phạm pháp luật đất đai trên Cổng thông tin điện tử của UBND và Sở TN&MT theo quy định.

Việc theo dõi tình hình quản lý, sử dụng đất ở các địa phương chưa được coi trọng thực hiện, chưa hình thành hệ thống thống nhất giữa các cấp (chưa có tiêu chí thống nhất, chế độ định kỳ, chưa có cán bộ chuyên trách theo dõi tổng hợp thường xuyên), chưa đầy đủ các nội dung nhiệm vụ quản lý quản lý đất đai của từng cấp, từng cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật Đất đai. Việc đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất ở địa phương đã có thực hiện nhưng chưa đầy đủ, chưa sâu; chất lượng đánh giá chưa sát, còn mang tính chủ quan định tính và thiếu các thông tin, số liệu minh chứng.

15 tỉnh, thành phố được Bộ TN&MT, Tổng cục Quản lý đất đai thanh tra, kiểm tra việc thi hành Luật Đất đai 2013 từ khi Luật có hiệu lực đến nay gồm: Bắc Kạn, Yên Bái, Tuyên Quang, Cao Bằng, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp, Bến Tre, Lâm Đồng, Bình Phước và An Giang.

Nguồn: Tuyết Nhi – TN&MT

Tin khác đã đăng