Tìm cơ hội sử dụng hiệu quả nguồn nước trong lực vực sông Mê Công



Tại Hà Nội, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp với Trung tâm Stimson tổ chức hội thảo “Cơ hội sử dụng hiệu quả nguồn nước trong lưu vực Mê Công và gợi ý chính sách cho Việt Nam”. Sự kiện là dịp để các bên liên quan chia sẻ mối quan tâm chung về một lưu vực Mê Công phát triển phồn thịnh và bền vững về môi trường.

su-dung-hieu-qua-nguon-nuoc
Toàn cảnh buổi hội thảo

Nằm ở cuối nguồn sông Mê Công, Việt Nam là quốc gia chịu nhiều rủi ro nhất từ hoạt động sử dụng nguồn nước của các nước thượng nguồn, bất kể vì mục tiêu thủy điện hay tưới tiêu nông nghiệp. Khi tất cả những dự án thủy điện, chuyển nước lớn trên lưu vực sông Mê Công đang trong giai đoạn khởi động, vẫn chưa phải là quá muộn để nhìn nhận lại cơ hội cải cách chính sách để phát triển một kế hoạch lưu vực chung với mục tiêu giảm thiểu tác động lên con người và hệ sinh thái, đồng thời đảm bảo nhu cầu phát triển của tất cả các bên.

Hiện nay, Lào vừa khởi động những dự án thủy điện đầu tiên, Thái Lan và Camphuchia vẫn đang trong giai đoạn khởi động các dự án chuyển nước lớn, những con đập thủy điện đầu tiên đang được xây dựng trên hạ nguồn dòng chính sông Mê Công. Điều đáng nói, tất cả các dự án này đều được triển khai khi vẫn còn nhiều quan ngại từ các quốc gia trong lưu vực.

Ông Nguyễn Nhân Quảng, chuyên gia quản lý lưu vực sông, tư vấn PanNature khẳng định, với rất nhiều tác động tiềm tàng đã được cảnh báo rộng rãi, việc các quốc gia tiếp tục theo đổi mục tiêu riêng trong sử dụng nguồn nước sông Mê Công sẽ bỏ lở cơ hội để cả khu vực có thể tối đa hóa lợi ích nhằm phát triển hài hòa, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực và an ninh sinh thái vì sự thịnh vượng chung.

Phát biểu tại hội thảo, ông Brian Eyler chuyên gia Trung tâm Stimson chia sẻ về quy hoạch năng lược chiến lược toàn lưu vực cho biết, mục tiêu phát triển của Chính phủ Lào là trở thành ắc quy của Châu Á từ thủy điện, mặt trời, gió… Trong khi nhu cầu năng lượng ở Việt Nam vẫn tăng lên nhanh chóng. Vì vậy, thời gian tới Lào và Việt Nam cần có cách tiếp cận sáng tạo, phù hợp để thay đổi vị trí của các đập trên bản đồ, các đập giữ nước ở hạ lưu mà vẫn có nước chảy qua, phân bố ở hạ lưu.

Để thường xuyên cập nhật diễn biến mới trong lưu vực sông Mê Công và khu vực, ông Nguyễn Nhân Quảng cho rằng, các bên liên quan cần tiếp tục thu thập thông tin qua các nguồn khác nhau để phân tích các tác động, ảnh hưởng và kiến nghị với các cơ quan hữu quan có các giải pháp kịp thời.

Nguồn: Vũ Vân – Bộ TN&MT

Tin khác đã đăng