Tích tụ ruộng đất: Tránh những rủi ro với người dân



Thời gian qua, có rất nhiều ý kiến của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp liên quan tới vấn đề xóa bỏ hạn điền để người dân tích tụ đất đai phát triển nông nghiệp.

Thời gian qua, có rất nhiều ý kiến của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp liên quan tới vấn đề xóa bỏ hạn điền để người dân tích tụ đất đai phát triển nông nghiệp. Báo Tài nguyên và Môi trường đã ghi lại ý kiến của PGS. TS Trần Thị Minh Châu, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
PGS. TS Trần Thị Minh Châu cho rằng, hạn điền được quy định trong Luật Đất đai có mục đích bảo vệ người nông dân trực tiếp canh tác trong điều kiện bình quân đất nông nghiệp trên đầu người thấp và các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ chậm, thậm chí chưa thể thu hút hết lao động dư thừa trong nông nghiệp.
Bên cạnh đó, hạn điền còn có ích lợi nhất định trong ngăn ngừa tình trạng người giàu mua đất không phải để kinh doanh mà để tích trữ tài sản. Hình thái mua đất này không những dẫn đến phân bổ nguồn lực không hiệu quả, mà còn dẫn đến bất bình đẳng ở nông thôn, ít nhiều khuyến khích nạn cho vay nặng lãi bằng cầm cố ruộng đất. So với Luật Đất đai năm 2003, quy định hạn điền trong Luật Đất đai năm 2013 đã mở rộng hơn khá nhiều, nhất là phần diện tích chuyển nhượng và được coi là ít nhiều cho phép người nông dân có được thu nhập trên mức nghèo nếu canh tác hợp lý.
Các số liệu về điều tra thu nhập, tích lũy ở nông thôn nước ta những năm vừa qua cho thấy, rất ít hộ có khả năng tự tích lũy hoặc vay vốn để mua diện tích đất vượt hạn điền. Song mức hạn điền này đối với doanh nghiệp không thấm vào đâu. Vì vậy, có nhiều ý kiến coi hạn điền là vật cản doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và kiến nghị bỏ hạn điền.
Tích tụ ruộng đất: Tránh những rủi ro với người dân – Ảnh Hoàng Minh
Kiến nghị này mang lại lợi ích không lớn, không chắc chắn, trong khi rủi ro lại khá cao. Bởi, về mặt ích lợi, bỏ hạn điền sẽ cho phép doanh nghiệp nắm quyền sử dụng diện tích đất đủ để kinh doanh tối ưu. Tuy vậy, như trên đã phân tích, doanh nghiệp trong nước không đủ tiềm lực tài chính để mua quyền sử dụng đất và cũng không có nhiều động lực mua đất để kinh doanh nông nghiệp do lĩnh vực này có tỷ lệ sinh lời thấp, rủi ro cao, nhất là rủi ro trên thị trường tiêu thụ nông sản, rủi ro thiên tai. Ở Việt Nam đã có một số doanh nghiệp tập trung được diện tích đất khá lớn nhưng kinh doanh không thành công.
Lợi ích thứ hai kỳ vọng từ các doanh nghiệp nông nghiệp là họ sẽ đầu tư lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, áp dụng giống mới, công nghệ mới, nhờ đó cung cấp khối lượng sản phẩm đạt quy mô xuất khẩu hiệu quả, đồng nhất về kích cỡ, chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn về xuất xứ, thương hiệu… Tuy vậy, để xây dựng thương hiệu, cần một quá trình lâu dài. Quy mô lớn mà không có thương hiệu, thị phần ổn định rủi ro phá sản khi thị trường giảm giá càng lớn. Mà thị trường nông sản thế giới luôn hoạt động theo chu kỳ tăng, giảm khó đoán định, nhất là với doanh nghiệp Việt Nam.
Ở khía cạnh này doanh nghiệp kém sức sống hơn hộ gia đình. Bởi vì người nông dân kinh doanh ở quy mô hộ gia đình có khả năng co giãn nhu cầu để thích ứng với rủi ro thị trường. Do đầu tư ít, họ ít chịu áp lực trả nợ ngân hàng. Do không phân định rõ tiền lương và lợi nhuận nên hộ nông dân có thể duy trì sản xuất ở mức tiền lương tối thiểu, không có lợi nhuận. Vì thế, nông nghiệp sẽ ít chịu hậu quả phá sản khi giá nông sản bước vào chu kỳ giảm khi so với doanh nghiệp.
Ngoài ra, mặt rủi ro đem lại tác động tiêu cực của việc bỏ hạn điền là khá lớn. Thứ nhất, sẽ có hiện tượng doanh nghiệp nỗ lực nhận quyền sử dụng đất để đầu cơ, bán lại dự án cho doanh nghiệp khác khiến ruộng đất bị bỏ hoang ở quy mô lớn trong thời gian dài, trong khi dân thiếu đất canh tác dẫn đến hiện tượng lấn chiếm trở lại như từng xảy ra trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ những năm qua.
Thứ hai, những người giàu có thể thành lập doanh nghiệp trá hình để mua đất nhằm tích trữ của cải một cách an toàn, tranh lạm phát và phá sản của ngân hàng. Do mục tiêu là tích trữ của cải nên họ không chú trọng đầu tư để phát triển nông nghiệp dẫn đến một số diện tích đất không được sử dụng hiệu quả, kích động lại chế độ phát canh thu tô ở quy mô nhỏ.
Thứ ba, đội ngũ cho vay nặng lãi vẫn hoạt động ngấm ngầm ở nông thôn sẽ hỗ trợ cho những người giàu tích tụ đất đai không nhằm kinh doanh nông nghiệp, đồng thời xuất hiện trở lại nhiều hộ nghèo, vì hoàn cảnh khó khăn phải bán đất. Như vậy, quá trình tích tụ đất tự phát sẽ không còn bị ngăn cản bởi hạn điền (mặc dù hạn điền không thể ngăn chặn hoàn toàn quá trình tích tụ đất phi pháp, nhưng hạn chế động cơ tích tụ đất phi pháp do rủi ro lớn).
Nguồn: TN&MT

Tin khác đã đăng